CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
An toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (SPS)
khi tham gia CPTPP và EVFTA – Hướng đi của Xuất khẩu nông lâm, thủy sản Việt Nam.
Ngày 18/9/2019, tại Vĩnh Long, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
1. Sơ nét giới thiệu chung về CPTPP và EVFTA:
- Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, có 11 nước thành viên, trong đó Việt Nam tham gia Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/01/2019.
Nội dung của Hiệp định yêu cầu các nước CPTPP phải cam kết đảm bảo các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Các biện pháp SPS phải dựa trên các nguyên tắc khoa học, tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế hoặc dựa trên việc đánh giá rủi ro khách quan theo đúng yêu cầu WTO.
- Hiệp định Thương mại Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của WTO.
Nội dung Gồm 17 chương, 2 nghị định thư với những nội dung chính gồm: Thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh ATTP (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý- thể chế.
Theo đó, sản phẩm của Việt Nam nhập khẩu theo cảng nào, vào nước thành viên nào của EU thì chỉ phải tuân thủ các điều kiện, thủ tục nhập khẩu như nhau. Ngược lại, Việt Nam cũng áp dụng các thủ tục, điều kiện nhập khẩu giống nhau với các sản phẩm nhập khẩu từ EU, không phân biệt là từ nước nào của EU.
2. Xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản của Việt Nam trong thời gian tới, những quy định về điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), từ cuối năm 2018 đến nay, sau khi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức (một số cơ quan kiểm soát chất lượng, ATTP thủy sản xuất nhập khẩu được chuyển về Tổng cục Hải quan), Trung Quốc đã chuyển mạnh sang hướng nhập khẩu chính ngạch hàng thủy sản của Việt Nam.
Theo đó, phía Trung Quốc yêu cầu thực phẩm nói chung và thủy sản nói riêng xuất khẩu sang nước này phải được thực hiện theo các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Tổng cục Giám sát Chất lượng, Kiểm tra và Kiểm dịch (nay là Tổng cục Hải quan Trung Quốc).
Cụ thể, lô hàng thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải là chủng loại sản phẩm đã được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu; được sản xuất bởi doanh nghiệp trong danh sách được phép xuất khẩu vào Trung Quốc; có bao bì thông tin ghi nhãn xuất xứ rõ ràng và kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp (cụ thể do Nafiqad cấp).
Một số quy định về SPS của Trung Quốc:
- Luật vệ sinh An toàn thực phẩm (Quốc Vụ Viện)
- Luật Chất lượng và An toàn các sản phẩm nông nghiệp (MOA)
- Luật về phòng chống dịch bệnh động vật
- Quy định cho việc thực thi Luật về việc nhập cảnh và kiểm dịch động vật và thực vật năm 1996.
- Các biện pháp quản lý và phê duyệt kiểm dịch động vật và thực vật nhập cảnh.
- Danh sách mã số vườn trồng và cơ sở đóng gói hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên trang web của Cục Bảo vệ thực vật hoặc Website Tổng Cục Hải quan Trung Quốc
- Giới thiệu trang web đăng ký với hải quan Trung Quốc: http://english.customs.gov.cn/
Tổ chức sản xuất, chế biến một cách bài bản, đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, ATTP... đang là yêu cầu tất yếu để hàng nông lâm, thủy sản Việt Nam tạo chỗ đứng bền vững tại thị trường Trung Quốc.
Việt Nam hiện có 128 loài/dạng sản phẩm được cấp phép xuất khẩu sang Trung Quốc (gồm cả sản phẩm thủy hải sản chế biến và thủy hải sản sống), với tổng 680 doanh nghiệp đã được cấp phép xuất khẩu.
Theo quy định, hải sản khai thác nói riêng và thủy sản nói chung khi xuất khẩu vào Trung Quốc đều phải có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc. Hiện nay, Trung Quốc yêu cầu trên chứng thư cấp cho lô hàng hải sản đánh bắt xuất khẩu vào nước này phải có thông tin về vùng đánh bắt, tên và số hiệu tàu đánh bắt. Trung Quốc cũng quy định kiểm soát tồn dư hóa chất kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm (văn bản pháp lý cao nhất là Luật ATTP của Trung Quốc).
Đối với sản phẩm tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh và các dạng chế biến khác, Trung Quốc không yêu cầu đối với cơ sở nuôi. Tuy nhiên đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng sống, phía Trung Quốc yêu cầu cơ sở nuôi phải có tên trong danh sách được phép xuất khẩu.
Theo Nafiqad, thời gian qua, khi phía Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa, chống gian lận thương mại, tuy nhiên, việc Trung Quốc cho phép duy trì kéo dài nhập khẩu thủy hải sản tiểu ngạch, cộng với việc các doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu trong nước xem nhẹ, thậm chí phớt lờ việc thực hiện các thủ tục, yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc đã khiến không ít doanh nghiệp, thương nhân lao đao, ùn ứ hàng hóa thời gian qua khi Trung Quốc áp dụng chặt chẽ các quy định nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm như tôm (ướp đá), một số hải sản đánh bắt hoặc một số mặt hàng thủy hải sản chưa được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu...
Bên cạnh đó, có một số lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng bị cảnh báo phát hiện tồn dư hóa chất kháng sinh (Chloramphenicol)...
Đây là những nguy cơ rất nguy hại nếu hoạt động sản xuất, chế biến và tổ chức xuất khẩu mặt hàng thủy hải sản của Việt Nam không có ý thức tuân thủ nghiêm quy định của Trung Quốc.
Ngoài 128 loài/dạng sản phẩm thủy sản Việt Nam hiện đã được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, trong thời gian vừa qua, hiện nay, Nafiqad đang gửi phía Trung Quốc đề nghị xem xét, bổ sung một số loài thủy hải sản mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như nghêu, cua biển, tôm hùm, ghẹ, bổ sung một số dạng sản phẩm như tôm thẻ, tôm sú ướp đá... đã có bằng chứng thông thương, đồng thời, đề nghị phía Trung Quốc hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục đăng ký để bổ sung các sản phẩm mới như cá rô phi, cá hồi, cá cờ, cá thu... vào danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Do đó, để đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc, Nafquad đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản và các địa phương thực hiện việc giám sát dịch bệnh đối với các đối tượng nuôi phục vụ chế biến và xuất khẩu như tôm sú, tôm thẻ (sống) đối với các bệnh theo yêu cầu của phía Trung Quốc như đốm trắng, hoại tử gan tụy... để giữ vững uy tín thị trường xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc.
Tin tức
Add comment