Nguồn: nongnghiep.vn
TP.HCM Sau gần 3 giờ, đội bắt chó thả rông một phường thuộc TP.HCM đã vây bắt được 12 con, góp phần vào việc ngăn chặn, phòng chống bệnh dại.
Kiên quyết dẹp thói quen thả rông chó
6h sáng ngày 2/8, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại trụ sở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức, TP.HCM) để cùng đội bắt chó thả rông của phường đi tuần tra, vây bắt chó không rọ mõm, thả rông trên địa bàn.
Vẫn như thường lệ, lần “xuất quân” này không được báo trước cụ thể giờ giấc, địa bàn khu phố vây bắt. Anh Linh Văn Hiếu, Phó Đội trưởng Đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh tỉ mẩn chuẩn bị từng vợt bắt chó, kiểm tra xem lưới mắt cáo có bị thủng gì không. Anh Hiếu còn thúc giục từng anh em tranh thủ lót dạ để lấy sức còn chạy, đuổi theo từng con chó thả rông, tránh uổng công.
Đoàn bắt chó quyết định chọn đường số 17 (khu phố 3) để bắt đầu nhiệm vụ.
Đây cũng là con đường ghi nhận tình trạng xảy ra chó thả rông nhiều, thường xuyên rượt người đi đường. Đó cũng là điều khiến sự xuất hiện của đội bắt chó thả rông không còn xa lạ gì đối với người dân ở đây.
Bất cứ con chó nào thả rông, không rọ mõm đều được vây bắt, tránh ảnh hưởng đến sự an toàn của mọi người. Ảnh: Lê Bình.
“Chặn đầu, vợt lấy nó”. Khi khẩu lệnh của anh Hiếu vừa dứt cũng là lúc chú chó đầu tiên nằm gọn trong vợt chó chuyên dụng. Tiếng chó sủa thu hút sự quan tâm của hầu hết người đi đường và người dân xung quanh. Bỗng một người đàn ông (chủ nhân của chú chó - PV) chạy lại, giành giật, quát mắng và thách thức để các thành viên thả chó ra. May mắn, hai công an khu vực kịp thời có mặt, giải thích và chuyện không đi quá xa. Tương tự, tại khu vực Công viên Điện Ảnh tại đường số 10, đội phát hiện đàn chó khoảng 5 con được thả rông, đang tìm chỗ “phóng uế”. Ngay lập tức, cả đội chia nhau để vây bắt đàn chó này. Vừa thấy người vây bắt, chủ đàn chó liền cầm cây đánh động khiến đàn chó chạy tán loạn. Ông này cũng vội ôm chú chó gần nhất để không bị bắt. Người đàn ông này và con gái còn chửi mắng cả đội “không có tình người”, “chúng hiền lắm có tội tình gì”… Chưa hết, họ còn thách thức dám bắt đàn chó này vì “sẽ kiện tới cùng”.
Anh Long, thành viên đội, nhìn chúng tôi rồi cười: “Chuyện như cơm bữa ấy mà”. Thậm chí, trong bối cảnh ấy, cả đội không cãi cự cũng như hết sức lưu ý để không điều tiếng nào xảy ra. “Mình cãi với họ làm gì, ai đúng ai sai mọi người sẽ thấy. Mình làm việc tốt, lên mạng xã hội thiên biến vạn hóa, rồi mọi chuyện không hay”, anh Long xua tay cười.
Sau gần 3 giờ đồng hồ, 12 con chó thả rông được đội vây bắt, đưa về nơi nuôi giữ tạm thời, cách xa khu dân cư. UBND Phường Hiệp Bình Chánh sẽ thông báo cho những chủ nhân của số chó này lên nhận lại và đóng phạt theo quy định. Quá 48 giờ không có ai nhận, phường sẽ chuyển chó cho Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM để phục vụ mục đích xã hội.
12 con chó bị vây bắt được tạm giữ tại địa điểm xa khu dân cư, tránh ảnh hưởng đến người dân. Ảnh: Phúc Lập.
Theo sát đoàn bắt chó, anh Hoàng Thanh Bình, chuyên viên kinh tế của phường Hiệp Bình Chánh đều ghi lại đầy đủ thông tin về vị trí bắt chó thả rông, tên họ chủ nuôi (nếu có), đặc điểm nhận dạng của mỗi chú chó đó… Mỗi con chó thả rông bị vât bắt đều được dứt khoát đưa vào chuồng, tạm giữ. Có người khóc lóc xin, có người đe dọa, thậm chí dùng mối quan hệ để tạo áp lực… Thế nhưng, tất cả đều kiên quyết, vì trật tự xã hội, không để ai phải ra đi vì chó dại cắn.
Để nhận lại vật nuôi, chủ nhân phải xuất trình được sổ tiêm ngừa của chó và nộp phạt theo quy định. Cụ thể, chủ nuôi sẽ phải đóng 400.000 đồng vì để chó thả rông và 1,5 triệu đồng vì không rọ mõm cho chó. Nếu không có sổ tiêm, chủ nuôi phải đăng kí tiêm cho chó rồi mới được “bảo lãnh” chó về.
Sẽ nhân rộng đội bắt chó thả rông
Đội bắt chó thả rông phường Hiệp Bình Chánh được thành lập vào tháng 10/2022, nhưng để trang bị đầy đủ dụng cụ, phải sang tháng 11/2022 đội mới bắt đầu ra quân. Đội được biết đến là mô hình bắt chó cấp xã/ phường đầu tiên của TP.HCM đi vào hoạt động và phát huy được hiệu quả tốt. Đội hoạt động với tần suất 2 lần/tuần.
Mục đích của đội bắt chó thả rông là muốn người dân ý thức hơn trong việc không để vật nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Ảnh: Lê Bình.
Theo ông Giảng Phan Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, việc thành lập đội bắt chó thả rông tại phường xuất phát từ phản ánh của người dân và kế hoạch của UBND TP Thủ Đức về phòng chống bệnh dại ở động vật giai đoạn 2022 - 2030.
“Người dân kiến nghị việc chó thả rông không chỉ gây mất vệ sinh khu dân cư mà còn vô cùng nguy hiểm nếu chó cắn người, đặc biệt là trẻ em và người già. Ngoài ra, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông vì chó thả rông chạy ngoài đường. Đó cũng là lí do để đội bắt chó thả rông của phường ra đời”, ông Giảng Phan Hồng Phúc thông tin. Từng là nạn nhân của nạn chó thả rông, anh Nguyễn Tuấn Anh (khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh) vừa bị chó cắn, lại vừa bị tai nạn giao thông do chó bất ngờ lao qua đường. Anh Tuấn Anh ủng hộ việc mạnh tay xử lý chó thả rông và nhân rộng mô hình này tại các phường, xã của TP.HCM.
“Nuôi chó là quyền nhưng phải đúng cách và đúng theo quy định. Không thể vì để chó thả rông mà có người phải chết vì dại, vì tai nạn giao thông được. Chưa kể, việc phân chó đầy đường cũng là điều rất khó chịu rồi”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Bệnh dại sẽ được kiểm soát tốt hơn khi nạn chó thả rông được kiểm soát. Ảnh: Phúc Lập.
Còn chị Quyên (36 tuổi, ở khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh) lại mong muốn cần mạnh tay xử lý việc người cố ý thả chó và không rọ mõm, để đủ sức răn đe. Chị cho biết: "Từ khi UBND phường thành lập đội bắt chó thả rông, tôi thấy tình trạng chó thả rông ngoài đường giảm hẳn. Bà con trong khu phố ai cũng ủng hộ việc này, những người nuôi chó cũng đã ý thức hơn trong việc dẫn chó ra đường”.
Tính đến nay, đội đã thực hiện được 24 lần, bắt 131 con với tổng số tiền xử phạt hơn 110 triệu đồng. Việc đội bắt chó thả rông thường xuyên vây bắt nhận được sự ủng hộ, đồng tình của khá nhiều người dân.
Tại phường Hiệp Bình Chánh, sau 48 giờ nếu không có chủ nhân đến nhận thì đàn chó thả rông sẽ được chuyển đến Trường trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đánh giá cao mô hình bắt chó thả rông này và mong muốn được nhân rộng tại các phường, xã khác. Tuy việc quản lý về nuôi chó mèo, thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã (phường, xã, thị trấn) nhưng theo ông Thiết, đây là hành động thiết thực giúp ngành thú y TP.HCM quản lý và giảm thiểu tình trạng dại trên địa bàn. Ông Thiết cũng nhắc lại thông tin mà Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết trước đó, cụ thể trong 10 năm qua, Việt Nam đã chi 8.000 tỷ đồng cho phòng, chống bệnh dại.
“Do đó, làm tốt công tác kiểm soát bệnh dại không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân mà còn giúp giảm chi ngân sách để tập trung những việc quan trọng hơn”, ông Thiết bày tỏ.
Sau phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức), một số phường khác cũng đang thực hiện mô hình bắt chó thả rông. Trong đó, phải kể đến phường An Phú (TP Thủ Đức) cũng đã bắt đầu triển khai vây bắt chó. Mới đây, phường 1 thuộc quận 6 và phường 7 của quận Bình Thạnh cũng tới phường Hiệp Bình Chánh để học hỏi kinh nghiệm, sẽ sớm đưa vào triển khai.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, Phó Chủ tịch UBND phường 14, quận Bình Thạnh cho biết đang học hỏi kinh nghiệm của đội bắt chó thả rông của phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức). Bà Ngọc Thu mong muốn sớm triển khai được đội bắt chó thả rông để giúp người dân được an toàn, cải thiện mỹ quan đô thị.
Lê Bình - Phúc Lập
Tuyên truyền
Add comment