Bệnh mờ đục trên ấu trùng tôm (translucent post - larvae disease, viết tắt là TPD) được phát hiện lần đầu tiên ở các trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng tại vùng duyên hải phía Bắc của Trung Quốc từ đầu năm 2020 (Harkell L, 2020; Zou Y và ctv, 2020); nguyên nhân gây bệnh được xác định là do chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (Vp- JS20200428004-2), làm cho tôm có các dấu hiệu như gan tụy và ruột trắng, trong suốt, cơ thể mờ nhạt và teo nhỏ. Hiện nay, Tổ chức Thú y thế giới và Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản châu Á - Thái Bình Dương (NACA) chưa công bố thông tin bệnh và phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh này.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc trên Tạp chí Elsevier được công bố ngày 16/01/2024, đã phát hiện protein độc lực cao của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (ký hiệu là VHVP, mã hóa bởi các gene vhvp-2, vhvp-1 và vhvp-3) gây chết hậu ấu trùng tôm, giai đoạn từ post-larvae 5 đến post-larvae 7, tỷ lệ chết có thể tới 90% trong vòng 3 ngày kể từ khi tôm có dấu hiệu bệnh. Cũng theo nghiên cứu nêu trên, kết quả điều tra dịch tễ bệnh TPD (trên 694 mẫu tại 10 tỉnh của Trung Quốc) năm 2021 và 2022 cho thấy, tỷ lệ mẫu dương tính TPD (có phát hiện gene vhvp-2) là 23,1%, trong đó: Tôm thẻ chân trắng (P. vannamei) dương tính là 29,1%, tôm he Nhật Bản (P. japonicus) là 18,3%; riêng tôm càng xanh (M. rosenbergii) và tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) đều âm tính với TPD. Ngoài ra, mực và giun nhiều tơ dương tính với TPD với tỷ lệ là 22,9%; các mẫu ốc ngoài tự nhiên đều âm tính với TPD. Tại một số địa phương của Trung Quốc gần với Việt Nam đã phát hiện có mẫu dương tính như Quảng Tây (Guangxi, 18/34 mẫu, tỷ lệ là 52,9%) và Hải Nam (Hainan, 45/157, tỷ lệ là 28,7%). Đến nay, ngoài Trung Quốc chưa có quốc gia nào báo cáo có xuất hiện bệnh TPD trên tôm nuôi.
Trước tình hình lưu hành bệnh TPD theo công bố nêu trên, nguy cơ TPD xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn. Do tính chất nguy hiểm của bệnh này, trong thời gian chờ các hướng dẫn cụ thể của Cục Thú y, để hoạt động sản xuất tôm nước lợ được an toàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến nghị người dân thực hiện một số nội dung như sau:
- Đối với các cơ sở sản xuất, thuần dưỡng tôm giống:
+ Kiểm soát chặt tôm giống, tôm bố mẹ nhập khẩu từ Trung Quốc (Lấy mẫu để xét nghiệm đảm bảo tôm không bị bệnh trước khi nhập khẩu vào Việt Nam; mua tôm giống từ những cơ sở uy tín hoặc đã được xét nghiệm âm tính với các bệnh khác theo quy định về kiểm dịch động vật thủy sản).
+ Xây dựng và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học để ngăn chặn tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở và mầm bệnh từ cơ sở (nếu có) ra ngoài môi trường theo Quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 26 Luật Thủy sản ((i) Cần tập huấn để kỹ thuật hiểu biết các đường lây của các mầm bệnh từ vi khuẩn; đông lạnh thức ăn tươi sống; thực hiện quy trình rửa Nauplii đúng cách trước khi đưa vào bể nuôi sản xuất; (ii) khuyến nghị ứng dụng vi sinh để giảm, hạn chế hoặc phòng ngừa bệnh mờ đục thân trong cơ sở sản xuất giống, có thể sử dụng các vi sinh vật có lợi khả năng ức chế sự phát triển của V.parahaemolyticus. Các vi sinh vật này có thể được bổ sung vào thức ăn hoặc nước nuôi để cải thiện sức khỏe và miễn dịch của tôm; (iii) Phải kiểm soát chặt nguồn thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ; (iv) Thực hiện nghiêm quy trình khử trùng, diệt khuẩn nước trước khi đưa vào sử dụng; (v) Đối với công cụ, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, người ra vào trại phải có quy trình vệ sinh, khử trùng tiêu độc, bảo đảm hiệu quả khử trùng như bảo hộ, hố khử trùng, khử trùng định kỳ,…).
- Đối với cơ sở nuôi tôm thương phẩm: Trong quá trình nuôi cần lưu ý:
+ Đối với những nơi thả lại giống sau thu hoạch cần quản lý kỹ bùn đáy ao, chất thải trong quá trình nuôi phải được thu gom, đưa ra ngoài khu vực nuôi để phơi khô. Đối với ao phủ bạt, rửa sạch bằng nước ngọt, phơi khô và khử trùng bằng nước vôi hoặc hóa chất.
+ Các cơ sở nuôi thực hiện lấy nước qua hệ thống túi lọc để loại bỏ một số loài vật chủ trung gian truyền bệnh cũng như ngăn chặn các loài thủy sản khác xâm nhập vào cơ sở. Thực hiện xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi (lắng, diệt khuẩn các tác nhân gây bệnh cũng như loại thủy sản khác, gây màu nước…) theo quy định.
+ Chọn con giống khỏe mạnh, đã được kiểm dịch thú y, đảm bảo không nhiễm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm đặc biệt là không nhiễm vi khuẩn V.parahaemolyticus để thả nuôi.
+ Thực hiện quản lý tốt môi trường ao nuôi (đo, kiểm tra các thông số môi trường nước nuôi), sức khỏe tôm nuôi thường xuyên và xử lý kịp thời những bất thường xảy ra trong quả trình nuôi, đồng thời áp dụng các biện pháp đảm bảo an sinh học để quản lý ao tôm như: hạn chế cho người lạ vào khu vực nuôi, thực hiện khử trùng dụng cụ ngay sau khi sử dụng; nguồn nước thay/bổ sung vào ao nuôi phải được khử trùng.
+ Trong quá trình nuôi nếu xảy ra hiện tượng tôm giống bị chết nhanh, chết nhiều sau khi thả nuôi với các dấu hiệu cơ thể nhạt màu, gan mờ, ruột trống rỗng,… lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để kịp thời lấy mẫu xác định nguyên nhân nhằm xử lý triệt để, không để lây lan rộng ra vùng nuôi.
Hình ảnh tôm nhiễm bệnh TPD (Ying Zou., ctv 2020)
Khoa học kỹ thuật
Add comment