Bệnh xoắn khuẩn là bệnh truyền nhiễm lây do xoắn khuẩn Leptospira gây ra. Xoắn khuẩn có thể lây nhiễm cho nhiều loài động vật khác nhau trong đó có trâu bò và đây cũng là bệnh lây từ động vậy sang người. Ổ chứa mầm bệnh thường là loài gặm nhấm, chuột có thể mang khuẩn suốt đời. Qua các đợt lấy mẫu giám sát định kỳ hằng năm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y từ năm 2021 đến nay vẫn phát hiện tỷ lệ nhiễm bệnh xoắn khuẩn trên đàn gia súc ở mức trung bình khoảng 9,26% trên tổng mẫu kiểm tra. Điều này cho thấy bệnh xoắn khuẩn vẫn còn tồn tại trong môi trường và là mối nguy ảnh hưởng đến sức khoẻ vật nuôi và con người.
Hình 1. Đường truyền lây bệnh xoắn khuẩn từ động vật sang người
(Nguôn: ThS. Trần Thanh Phong, 2023)
Bò nhiễm bệnh thường có biểu hiện sốt, vàng da, vàng niêm mạc, nước tiểu có máu; viêm gan, thận; rối loạn tiêu hóa; động vật mang thai có thể bị sẩy thai. Đường lây truyền chủ yếu do bò ăn, uống hoặc tiếp xúc vật dụng có chứa mầm bệnh. Các loài côn trùng, nhất là các loài hút máu có thể truyền bệnh. Ngoài ra, thú uống hay dầm mình trong nước có mầm bệnh cũng có thể bị bệnh, vì xoắn khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua da, niêm mạc bị tổn thương hay qua giác mạc. Xoắn khuẩn thường tập trung ở thận, nhau thai và bào thai của con cái mang thai. Mầm bệnh có thể tồn tại dai dẳng lâu ngày trong thận và được thải vào nước tiểu. Chúng ta cũng cần lưu ý việc để chó mèo tự do ra vào chuồng nuôi cũng có thể là nguyên nhân lây bệnh.
Để phòng bệnh, cơ sở chăn nuôi cần thực hiện lấy mẫu máu giám sát định kỳ ít nhất mỗi năm một lần đối với bò giống. Đối với những bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Xoắn khuẩn (hiệu giá ≥ 1/400) từ kết quả xét nghiệm lần 1 và những bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh xoắn khuẩn (hiệu giá ≥ 1/200) ở lần 2 cần điều trị bệnh. Việc điều trị bệnh xoắn khuẩn có thể sử dụng một số kháng sinh như sau:
- Có thể sử dụng Oxytetracycline nồng độ 10% theo liều lượng liều tiêm là 100 mg / 10 - 20 kg thể trọng / lần / ngày; đường cấp thuốc là Tiêm bắp với liệu trình 5 ngày; lưu ý thời gian hủy sữa theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với trường hợp sử dụng Oxytetracycline tác dụng kéo dài (Oxytetracycline 20% LA) sử dụng liều tiêm: 200 mg / 10 kg thể trọng / lần; chích lặp lại sau 2 ngày. Đường cấp thuốc là tiêm bắp với liệu trình là 6 ngày.
- Ngoài ra, có thể sử dụng Doxycyclin nồng độ 10% với liều tiêm là 1ml / 10 kg thể trọng / lần / ngày. Đường cấp thuốc là Tiêm bắp với liệu trình: 5 ngày.
Trong trường hợp bò nhiễm Xoắn khuẩn ghép với bệnh Biên trùng có thể sử dụng cùng liệu trình điều trị. Trường hợp nhiễm ghép thêm bệnh Lê dạng trùng cần điều trị bệnh Xoắn khuẩn và Biên trùng trước sau ngưng sử dụng thuốc đó 3-5 ngày mới tiếp tục điều trị bệnh Lê dạng trùng.
Chúng ta cần lưu ý phải điều trị sớm, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể thú bằng cách chăm sóc chu đáo, nâng cao dinh dưỡng và khẩu phần đầy đủ, đảm bảo vệ sinh. Với thú mắc bệnh nặng thì nên xử lý không nên điều trị vì tốn kém, lâu khỏi, và nếu lành bệnh cũng chậm lớn và trở thành vật mang trùng.
Để chủ động phòng, chống Xoắn khuẩn lây lan diện rộng, nhất là ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan đến các trại chăn nuôi bò, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi bò, hợp tác xã, các doanh nghiệp một số vần đề sau:
- Chỉ mua giống từ nơi có nguồn gốc tin cậy như từ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
- Gia súc mới mua phải được kiểm tra bệnh Lao, Xoắn khuẩn, Sẩy thai truyền nhiễm, bệnh viêm da nổi cục... Việc kiểm tra sẽ tốn kém nhưng không đáng kể so với giá trị cả con bò và thậm chí của cả đàn bò trong trường hợp bò mua về bị bệnh truyền nhiễm và lây lan cho cả đàn. Các bò mới nhập cần nhốt riêng bò theo dõi tình hình sức khỏe, khả năng thích nghi trong vòng 15 ngày trước khi nhập chung đàn.
- Thường xuyên sử dụng bẫy hoặc thuốc diệt loài gậm nhấm.
- Thường xuyên tiêu độ, khử trùng chuồng trại ít nhất 1 lần mỗi tuần. Việc pha hóa chất khử trùng phải đúng nồng độ và liệu trình theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Bà con cũng cần lưu ý phải thực hiện vệ sinh làm sạch, để khô chuồng trại rồi mới thực hiện phun hóa chất khử trùng.
- Khi phát hiện trâu bò có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm như sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, vàng da, da nổi nốt sần hay cục cứng ở trên cơ thể hay lở loét vùng mõm, chân móng, Cô bác anh chị có thể thông báo cho UBND phường, xã. Cơ quan thú y nơi gần nhất; hoặc liên hệ
+ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ : số 151 Lý Thường Kiệt, Phường 7, Quận 11. Điện thoại: (028) 38.536.132, (028) 38.536.133, Fax (028) 38.536.131. Số điện thoại đường dây nóng: (028) 39.551.361
+ Hoặc Phòng Chăn nuôi – Dịch tễ, ĐT: (028)-38.536.132.
+ Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật số 128 Trần Quý, Phường 6, Quận 11, ÐT: (028) - 38.551.258, (028)-39.555.682, (028)-39.555.623
Vì sức khỏe cộng đồng rất mong bà con cùng phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh trên động vật. Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Khoa học kỹ thuật
Add comment