Nguồn: nguoichannuoi.vn
Nhận biết và chăm sóc heo nái đẻ là công việc vô cùng quan trọng. Nắm vững kỹ thuật chăm sóc giúp nâng cao phẩm chất đàn heo, tránh khỏi các rủi ro, góp phần đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi.
Nhận biết
Phát hiện heo nái đẻ: Căn cứ vào lịch phối giống để tính ngày đẻ cho heo hoặc căn cứ vào trạng thái cơ thể của heo.
Bộ phận sinh dục: Trước ngày đẻ 1 – 2 ngày, cơ quan sinh dục bên ngoài có những thay đổi rõ rệt. Âm môn phù to, nhão ra và xung huyết nhẹ, đầu núm vú căng to, tĩnh mạch vú nổi rõ ràng.
Có thể nhận biết thông qua các hành vi của heo nái như sau:
– Heo ăn ít hoặc không ăn do cơ thể mệt mỏi, có những cơn đau, cũng có thể do heo mẹ lo lắng, bồn chồn gây ảnh hưởng tới thần kinh.
– Heo kêu tiếng khác biệt so với thường ngày.
– Trước khi đẻ heo mẹ thường có thói quen cắn ổ, tha rơm rạ để làm ổ đẻ.
– Khi heo nái sắp đẻ cơ quan sinh dục sẽ thay đổi rõ rệt, âm môn phù, nhão có thể xung huyết.
– Vú căng tròn, mạch vú nổi rõ ràng, khoảng 3 ngày trước khi đẻ vú tiết ra nước trong, trước một ngày đẻ có thể vắt được sữa.
– Nếu vú trước vắt được sữa thì hôm sau heo sẽ đẻ.
– Nếu vú sau vắt được sữa thì heo sẽ đẻ trong khoảng vài giờ sau đó.
– Một số trường hợp heo chậm đẻ hoặc đẻ khó có thể cân nhắc đến việc tiêm PGF2α để hỗ trợ quá trình heo đẻ. Hoocmon Prostaglandin có nhiều loại, nhưng loại có hoạt tính mạnh nhất là PGF2a, có tác dụng như sau:
– Phá vỡ màng noãn bao để gây rụng trứng.
– Phá hủy thể vàng, nang nước trên buồng trứng, gây động dục.
– Gây hưng phấn ống sinh dục, tăng cường nhu động tử cung, kích thích mở cổ tử cung
Chăm sóc heo nái trong giai đoạn sinh con rất quan trọng. Ảnh: upsun.vn
Quá trình đẻ
Thông thường, quá trình sinh con của heo nái sẽ được chia ra thành 3 giai đoạn chính.
Giai đoạn chuẩn bị đẻ (2 – 12 giờ): Lúc này heo có những biểu hiện như sau: Bộ phận sinh dục co rút đều đặn, nhịp nhàng, có chu kỳ. Cổ tử cung mở rộng để cổ tử cung và âm đạo thông suốt với nhau. Xuất hiện dịch ối chảy ra để bôi trơn cho quá trình sinh nở của heo.
Giai đoạn đẩy thai (1 – 4 giờ): Ở giai đoạn này màng ống căng phồng để đẩy thai qua cổ tử cung. Xuất hiện lực co bóp của bộ phận sinh dục, cơ thành bụng, cơ hoành cộng hưởng tạo thành lực mạnh và kéo dài. Bào thai được đẩy ra ngoài.
Giai đoạn cuống nhau ra ngoài: Khi toàn bộ bào thai được đẩy ra ngoài, sau khoảng 15 phút màng nhau sẽ được đẩy qua âm đạo nhờ sự tác động của các cơ rút dạ con.
Lưu ý: Quá trình sổ nhau gặp khó khăn, chậm trễ có thể dẫn đến hiện tượng viêm tử cung do ở những nơi có màng nhau các chất dinh dưỡng được vận chuyển đến nhiều, quá trình ôxy hóa tạo ra các chất độc gây ra viêm, nguy hiểm hơn dẫn đến hoại tử niêm mạc tử cung.
Đỡ đẻ cho heo
Trước ngày đẻ dự kiến mà heo vẫn không có biểu hiện gì thì nên tiêm kích dục tố PGF2α (thuốc hẹn giờ đẻ), thông thường sau đó 12 giờ thuốc sẽ có tác dụng.
Chuẩn bị xong các dụng cụ hỗ trợ đẻ trước thời gian heo đẻ.
Bước 1: Khi heo con được đẻ ra thì dùng vải lau khô người và vùng miệng. Điều này giúp heo sạch sẽ và lưu thông máu cho heo, tránh để mất nhiệt, lau dịch nhầy trong mũi, miệng để heo con thở được.
Bước 2: Cắt rốn cho heo: dùng dây buộc rốn ở vị trí cách bụng 3 – 5 cm, dùng kéo cắt phần dưới chỗ buộc 1 cm và sát trùng vị trí cắt.
Bước 3: Cắt đuôi heo: dùng kìm bấm bấm chặt vào phần đuôi cách hậu môn 3 – 4 cm, để một lúc đến khi máu không còn qua chỗ bị bấm nữa sau đó dùng kéo cắt phần đuôi bị bấm và nhanh chóng sát trùng vị trí bấm.
Sau khi hoàn thành các thao tác thì đưa heo vào ô úm một lúc cho heo ấm hơn, sau đó cho heo bú sữa đầu.
Đối với heo nái: Theo dõi thường xuyên các biểu hiện của heo nái trong quá trình đẻ để xử lý kịp thời trong các trường hợp xấu.
Chăm sóc heo nái sắp sinh và sau sinh
Giai đoạn trước sinh: Cần vệ sinh sát trùng chuồng trại trước khoảng 2 tuần khi heo sinh để đảm bảo không lây ghẻ, bệnh cho heo con khi chào đời. Ngoài ra, phải khử trùng toàn bộ nền chuồng, sàn chuồng tối thiểu 7 ngày khi chuyển nái vào. Tắm rửa cho heo nái sạch sẽ rồi chuyển vào chuồng sinh. Trong ngày heo sinh, có thể không cho ăn để giảm thiểu hiện tượng heo bị sốt, tuy nhiên luôn phải đảm bảo nước uống đầy đủ cho heo. Lau sạch vú và âm hộ để đảm bảo khi heo con sinh ra được tốt nhất. Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ y tế, Vitamin C, thuốc cầm máu, thuốc hồi sức cho heo.
Giai đoạn trong khi sinh: Đây là giai đoạn vô cùng nhạy cảm đối với heo mẹ, do đó cần túc trực thường xuyên để hỗ trợ cho heo được tốt nhất. Khi vú heo mẹ căng cứng, heo nằm, không đi lại lung tung, âm hộ ra phân và có dịch hồng tức là heo sắp đẻ. Nếu heo không cần can thiệp cứ để heo tự nhiên sinh nở. Nếu như sau cơn rặn heo mẹ co chân lên nghĩa là heo con được đẩy ra ngoài. Thông thường khoảng cách đẻ là 15 – 20 phút. Toàn bộ quá trình sinh nở của heo kéo dài khoảng 2 – 5 tiếng. Khi kết thúc đẻ quá trình ra nhau khoảng 3 – 5 giờ sau.
Chăm sóc heo nái sau sinh: Sau khi heo sinh xong thì tiêm 1 mũi oxytocine để đẩy hết nhau thai ra ngoài, tránh hiện tượng sót nhau, rất nguy hiểm. Tránh để heo mẹ ăn nhau dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Tiêm cho heo mẹ 3 mũi kháng sinh chống viêm tác dụng kéo dài. Một mũi sau khi sinh khoảng 6 – 8 giờ và 2 mũi cách mũi 1 cách đó 24 giờ và mũi 3 cách mũi 2 là 24 giờ (có thể sử dụng Amoxicilin, độ an toàn cao cho heo mẹ). Vệ sinh cơ quan sinh dục bằng nước sinh lý hoặc thuốc tím. Đặc biệt là vùng bầu vú và vùng mông để phòng mầm bệnh. Chú ý: cung cấp đủ nước, thức ăn, dinh dưỡng cho heo mẹ. Khẩu phần ăn tăng dần sau khi sinh. Thời gian nuôi con cho heo mẹ ăn tự do theo nhu cầu. Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ. Đảm bảo môi trường sống hợp lý: Nhiệt độ 27 – 30oC; độ ẩm < 90oC; vận tốc không khí 0,5 – 15 m/giây.
Phạm Hải
Khoa học kỹ thuật
Add comment