Nguồn: baovephapluat.vn
Sau 49 năm được giải phóng, TP Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng, tái thiết, để đưa thành phố mang tên Bác trở thành trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước, tạo những nền tảng quan trọng để thành phố bứt tốc ở giai đoạn tiếp theo.
Chiến dịch Hồ Chí Minh, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975 là một sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam, trở thành điểm tựa tinh thần và nền móng vững chắc để người dân TP Hồ Chí Minh dựng xây và phát triển “Thành phố mang tên Bác” theo định hướng mà Đảng đã hoạch định: “TP Hồ Chí Minh (HCM) là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước”.
Giai đoạn đầu (1976 - 1985), cùng với cả nước, TP HCM bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn của một nước mới trải qua 30 năm chiến tranh, lại phải đối phó với 2 cuộc chiến tranh biên giới, nền kinh tế lại đang vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, do vậy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thành phố chỉ đạt trung bình 2,7%/năm. Điều quan trọng của giai đoạn này là Thành phố đã nỗ lực chăm lo đời sống của người dân, đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, đột phá từ thực tiễn để "tự cởi trói", góp phần cùng cả nước chuẩn bị những tiền đề cho đổi mới kinh tế giai đoạn tiếp theo.
Sau 49 năm được giải phóng, TP Hồ Chí Minh đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng, tái thiết, để đưa thành phố mang tên Bác trở thành trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước, tạo những nền tảng quan trọng để thành phố bứt tốc ở giai đoạn tiếp theo
Giai đoạn bắt đầu đổi mới (1986 - 1995), hòa chung với cả nước, TP HCM đã bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế của Thành phố đã gia tăng nhanh chóng. Nếu những năm đầu đổi mới (1986 - 1990), GRDP của Thành phố tăng trưởng bình quân đạt 7,82%/năm (tính theo giá so sánh 1994), 5 năm tiếp theo (1991 - 1995) tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt trung bình 12,62%/năm. Đây là giai đoạn vai trò đột phá, đầu tàu kinh tế của Thành phố phát huy mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh chóng, đạt trung bình 67,97%/năm (1991 - 1995). Cơ cấu kinh tế của Thành phố đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước.
Giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (1996 - 2010), TP HCM đã gia tăng tốc độ phát triển kinh tế, khẳng định vị thế và vai trò của đầu tàu kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt tốc độ bình quân 2 con số (1996 - 2000: 10,11%; 2001 - 2005: 11% và 2006 - 2010: 11,18%/năm, giá so sánh năm 1994), đưa Thành phố trở thành một trong số rất ít địa phương của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài. GRDP bình quân đầu người của Thành phố đã tăng từ 700 USD (1996) lên xấp xỉ 5.000 USD (2010).
Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng kinh tế của Thành phố chuyển biến tích cực từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến quan trọng, theo hướng gia tăng khu vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp. Năm 2010, tỉ trọng giữa 3 khu vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp tương ứng là 55,98%; 42,96% và 1,06%. TP HCM có vai trò quan trọng trong đóng góp vào GDP và ngân sách của cả nước, giữ vững vị trí đầu tàu, đi đầu đổi mới - sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế của cả nước.
Phát triển kinh tế theo chiều sâu (2011 - 2020): Trong giai đoạn này, TP HCM đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 6,86%/năm, với quy mô GRDP chiếm 25,79% GDP quốc gia và 51,11% GDP vùng kinh tế trọng điểm phí Nam. Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về mật độ doanh nghiệp, với 27,6 doanh nghiệp/1000 dân.
Thách thức và phục hồi (2021 - Hiện tại): Đại dịch COVID-19 đã gây suy giảm kinh tế TP HCM, với tăng trưởng giảm sâu trong năm 2021. Tuy nhiên, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, với tăng trưởng là 9,03%, thu ngân sách đạt 122% dự toán. Tính đến cuối năm 2023, với quy mô GRDP đạt khoảng 65,5 tỉ USD, kinh tế TP HCM chiếm gần 15,5% GDP của cả nước. Dù vậy, sự phục hồi này còn nhiều thách thức và cần sự ổn định lâu dài.
Kỳ vọng và hướng tới tương lai: nhìn lại 49 năm phát triển, TP HCM tự hào về những nỗ lực và đóng góp to lớn cho quá trình phát triển kinh tế quốc gia. Với sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, cùng những chỉ đạo từ Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, TP HCM đang hướng tới mục tiêu trở thành đô thị thông minh, dịch vụ công nghiệp hiện đại và đầu tàu kinh tế số vào năm 2025, và một thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số vào năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị lần thứ 28, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Thành phố cần tập trung ưu tiên thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng đến các ngành, lĩnh vực mới nổi; thu hút có chọn lọc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư ở các lĩnh vực chiến lược, các dự án thân thiện môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhất là về chuyển đổi số, đổi mới công nghệ, hướng đến ngành nghề có giá trị gia tăng cao. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế trong giai đoạn mới; đẩy mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Thành phố Bác Hồ
Add comment