Nguồn: nongnghiep.vn
Việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở sáp nhập các trạm: chăn nuôi thú y, khuyến nông, bảo vệ thực vật... gây lúng túng cho ngành thú y
Cả nước hiện có trên 16.000 người tham gia công tác thú y tại các địa phương. Ảnh: Kim Anh.
Từ những năm 1960, mô hình chăn nuôi tập thể ở Việt Nam đã hình thành và phát triển. Thống kê của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cả nước hiện có trên 16.000 người tham gia công tác thú y tại các địa phương.
Nguồn lực này đã tạo thành mạng lưới thú y cơ sở vô cùng hữu hiệu trong công tác phòng, khống chế, thanh toán các dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc và gia cầm. Tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm hàng năm của cả nước đều đạt trên 70 - 80%.
Với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nhiều địa phương đã thành lập các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trên cơ sở sáp nhập các trạm: Chăn nuôi thú y, Khuyến nông, Bảo vệ thực vật...
Các trung tâm với nhiều viên chức đã có sáng kiến mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các chương trình tập huấn, tư vấn kỹ thuật cũng thường xuyên được tổ chức, qua đó hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho bà con nông dân.
Tuy nhiên quá trình thực hiện đã gây một số khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ngành chăn nuôi thú y, gây lúng túng trong việc xây dựng và thực hiện cơ chế. Nhất là chính sách hoạt động đối với mạng lưới thú y cơ sở.
Tại ĐBSCL, nhiều địa phương do không còn lực lượng thú y cơ sở tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi, việc phát hiện và khai báo dịch bệnh chậm, đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác chăn nuôi, thú y.
Việc thiếu lực lượng thú y cơ sở khiến công tác tiếp nhận thông tin từ người chăn nuôi, khai báo dịch bệnh chậm. Ảnh: Kim Anh.
Theo ông Tiền Ngọc Tiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VII (Cục Thú y), từ khi các địa phương thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, chức năng chăn nuôi, thú y giữa đơn vị với Phòng NN-PTNT không rõ ràng.
Đặc biệt, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện có ít hoặc không có nhân viên đảm bảo trình độ chuyên môn về thú y. Do đó khi triển khai các văn bản, chương trình, đề án ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Khó khăn nhất là công tác báo cáo từ cơ sở đối với những thông tin ghi nhận từ người dân không kịp thời và xuyên suốt, khiến công tác phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, hiện chỉ có lực lượng cán bộ thú y cấp tỉnh đảm nhận nhiệm vụ, do đó không đủ nhân lực để kiểm dịch ngay tại gốc theo quy định của Luật Thú y.
“Trước đây, khi có Trạm chăn nuôi thú y cấp huyện, Chi cục Chăn nuôi Thú y cấp tỉnh sẽ ủy quyền cho kiểm dịch viên ở các trạm để thực hiện công tác kiểm dịch gốc rất thuận lợi. Một số địa phương đã thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, nhiệm vụ kiểm soát giết mổ lại giao cho trung tâm này thực hiện là không đúng theo quy định của Bộ NN-PTNT. Điển hình như mẫu con dấu sử dụng hoàn toàn sai trong quá trình thực hiện công tác kiểm soát giết mổ. Nói chung rất khó để kiểm soát tại cơ sở”, ông Tiên chỉ ra khó khăn.
Từ những khó khăn đang tồn tại trên, ông Tiên nhấn mạnh, việc kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở đóng vai trò quan trọng trong công tác kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật nuôi.
Ngày 22/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 414/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu của đề án là kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong đó, nội dung quan trọng của đề án là kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp.
Việc kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh trên động vật nuôi còn diễn biến phức tạp. Ảnh: Kim Anh.
Trên cơ sở đó, ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, một trong những địa phương đang gặp nhiều khó khăn từ việc thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện kiến nghị, tỉnh cần tái thành lập các Trạm chuyên môn và mạng lưới thú y cấp xã theo Luật Thú y, để đảm bảo công tác thú y cũng như cơ chế phối hợp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Đồng thời, ông Hiền kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ để địa phương tái thành lập các trạm chuyên môn thú y và mạng lưới thú y cấp xã. Đối với UBND các huyện, thị, thành cần tạm thời phân công cụ thể bằng văn bản, cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về chăn nuôi, thú y, thủy sản tại địa phương.
Kim Anh
Tin tức hoạt động
Add comment