Vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa ngày càng được sự quan tâm của toàn xã hội. Vậy truy xuất nguồn gốc là gì? Và việc quản lý truy xuất nguồn gốc như thế nào?
Ngày 28 tháng 3 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Thông tư này quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa gồm: Quản lý nhà nước đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Các đối tượng áp dụng Thông tư này là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo đó, Thông tư này cũng giải thích một số từ ngữ sau:
- “Truy xuất nguồn gốc” là hoạt động giám sát, xác định được một đơn vị sản phẩm hoặc dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.
- “Hệ thống truy xuất nguồn gốc” là hệ thống bao gồm hoạt động định danh sản phẩm, thu thập và lưu trữ thông tin về trạng thái của sản phẩm theo thời gian, địa điểm nhằm quản lý thông tin về chất lượng và an toàn của sản phẩm.
- “Dữ liệu truy xuất nguồn gốc” là các dữ liệu từ các bộ phận và các quá trình khác nhau trong phạm vi truy xuất nguồn gốc đã xác định. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc bao gồm dữ liệu về chất lượng, an toàn của sản phẩm và các thông tin cơ bản.
- “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia” bao gồm hệ thống phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu để phục vụ việc cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa có khả năng kết nối thông tin với hệ thống truy xuất nguồn gốc của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các hệ thống quốc tế.
Ngoài ra, Thông tư quy định rõ một số nội dung quan trọng như:
- Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đảm bảo các nguyên tắc sau:
+ Nguyên tắc “Một bước trước - một bước sau”.
+ Nguyên tắc “Sẵn có của phần tử dữ liệu chính”.
+ Nguyên tắc “Minh bạch”.
+ Nguyên tắc “Sự tham gia đầy đủ của các bên truy xuất nguồn gốc”.
- Dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau: Tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh; thời gian sản xuất, kinh doanh; mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.
- Sản phẩm trong từng sự kiện sau mỗi công đoạn được định danh mã truy xuất nguồn gốc để truy xuất nguồn gốc. Mã truy xuất nguồn gốc được mã hóa trong vật mang dữ liệu.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể về quản lý việc sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu; quy định quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Các tổ chức, cá nhân đã xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, nếu có nhu cầu kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia thì thực hiện việc rà soát, công bố phù hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Điều 6 Thông tư này./.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố Hồ Chí Minh
Tin tức hoạt động
Add comment