Với sự tài trợ của Dự án MUTRRAP II, một cuộc điều tra về tình hình xuất, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật được tiến hành tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai từ 27/2 đến 01/3/2006. Xin giới thiệu cùng bạn đọc kết quả của cuộc điều tra này. TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU ĐỘNG VẬT VÀ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT Với sự tài trợ của Dự án MUTRAP II, một cuộc điều tra về tình hình xuất, nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật đã được thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai từ ngày 27/02 đến 01/3/2006. 7 đơn vị liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật đã được lựa chọn để điều tra thu thập thông tin. Kết quả của cuộc điều tra như sau: Những trở ngại trong việc thực hiện các yêu cầu/tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam Nhìn chung, các nhà xuất/nhập khẩu đều có thể đáp ứng được các yêu cầu/tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định của Việt Nam. Tuy nhiên, do thiếu trang thiết bị và cán bộ, nên việc kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và các thủ tục phê duyệt thường kéo dài. Một vài công ty đã phàn nàn họ mất nhiều thời gian cho việc xin cấp giấy chứng nhận từ các cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, các phòng thí nghiệm của Việt Nam không đủ trang thiết bị và năng lực kỹ thuật để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm động vật theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, như: xét nghiệm C13 để xác định mật ong thật; xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán một số bệnh của khỉ; phát hiện hàm lượng rất thấp của các chất tồn dư hoá chất ở thực phẩm… Những trở ngại trong việc thực hiện yêu cầu/tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu Các yêu cầu về đăng ký/công bố chất lượng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ của các nước nhập khẩu thường rất chặt chẽ. Các yêu cầu/tiêu chuẩn về vệ sinh và an toàn thực phẩm của các nước này cũng rất cao. Một số đơn vị nhập khẩu của EU yêu cầu mật ong nhập từ Việt Nam phải được kiểm tra ở các phòng thí nghiệm của châu Âu và phải đảm bảo 17 chỉ tiêu chất lượng và vệ sinh. Một số xét nghiệm rất đắt, và do đó đã làm cho giá thành sản phẩm tăng lên. Ngoài ra, họ còn yêu cầu các cơ sở chế biến sản phẩm xuất khẩu phải áp dụng hệ thống “Phân tích độc hại điểm kiểm tra chủ chốt” (HACCP), việc này cần có thời gian và làm tăng chi phí của các Công ty Việt Nam. Các nhà nhập khẩu nước ngoài còn yêu cầu thịt và sản phẩm của thịt phải được lấy từ vùng an toàn đối với bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả lợn, Newcastle và những vùng này phải được OIE công nhận. Các nhà nhập khẩu khỉ còn yêu cầu các xét nghiệm huyết thanh xác định một số bệnh của loài linh trưởng phải được thực hiện ở các phòng thí nghiệm tại Mỹ. Yêu câu/tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam so với yêu cầu/tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu. Tất cả những người được hỏi đều cho rằng yêu cầu/tiêu chuẩn của Việt Nam thường không chặt chẽ bằng các yêu cầu/tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Ví dụ, tiêu chuẩn hàm lượng nước cho phép trong mật ong của Việt Namlà 22,5%, trong khi đó, tiêu chuẩn của EU là 18,5% hoặc thấp hơn. Các Hiệp định công nhận lẫn nhau và công nhận tương đương về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại/Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (TBT/SPS) Hầu hết các Công ty không biết hiện đang có các Hiệp định và Thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực thú y giữa Việt Nam và các nước khác. Tuy nhiên họ đều hiểu và khẳng định rằng họ được hưởng lợi từ những Hiệp định và Thoả thuận này. Họ cũng tin rằng với các Thoả thuận công nhận lẫn nhau, việc tiếp cận thị trường và sự cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu của họ sẽ tốt hơn; hàng hoá của họ sẽ tránh bị loại và những Thoả thuận này sẽ giúp các công ty tiết kiệm được từ việc giảm chi phí. Do đó, họ khẳng định rằng việc ký kết các Thoả thuận công nhận lẫn nhau và công nhận tương đương trong buôn bán sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm là rất cần thiết. Mặc dù vậy, để thực hiện các Thoả thuận công nhận lẫn nhau, cácnhà doanh nghiệp cũng như Chính phủ Việt Nam cần phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng các yêu cầu/tiêu chuẩn của các đối tác. Hiện tại, hầu hết các yêu cầu/tiêu chuẩn của Việt Nam đều thấp hơn các yêu cầu/tiêu chuẩn quốc tế; trang thiết bị và công nghệ lạc hậu. Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá việc chấp hành luật của Việt Nam còn thấp. Đó là nguyên nhân tại sao mới chỉ có một số ít các Thoả thuận công nhận lẫn nhau và công nhận tương đương đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm được ký kết trong thời gian qua. Những mặt hàng/lĩnh vực ưu tiên để đàm phán ký kết Thoả thuận công nhận lẫn nhau và Thoả thuận tương đương trong thời gian tới Động vật và sản phẩm động vật, đặc biệt là mật ong và thịt lợn được lựa chọn là mặt hàng ưu tiên để đàm phán, vì Việt Nam có điều kiện thiên nhiên ưu đãi và nhân công rẻ thuận lợi cho việc phát triển nuôi ong và chăn nuôi lợn. Hơn nữa, mật ong Việt Nam được đánh giá có chất lượng cao hơn mật ong của một số nước trên thị trường quốc tế. Mặt khác, yêu cầu về điều kiện vệ sinh và chẩn đoán phòng thí nghiệm cũng nên được ưu tiên trong đàm phán để tiết kiệm kinh phí, giảm khó khăn về kỹ thuật và tránh rủi ro trong xuất, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật. Kiến nghị/đề xuất Thoả thuận công nhận lẫn nhau và Thoả thuận tương đương trong việc buôn bán động vật, sản phẩm động vật là cần thiết và để thuận lợi trong việc đàm phán giữa Việt Nam và các đối tác, xin đưa ra các kiến nghị và đề xuất sau: Nên sửa đổi và nâng các yêu cầu/quy định của Việt Nam cho phù hợp với quy định của Hiệp định SPS; Xây dựng năng lực của các cơ quan quản lý, phòng thí nghiệm và các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật; Các cơ sở chế biến cần tăng khả năng sản xuất và đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu của thị trường; Xây dựng và duy trì các vùng an toàn dịch bệnh đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch; Xây dựng và thực hiện các chương trình phòng chống dịch bệnh động vật quốc gia; Thiết lập một hệ thống kiểm dịch thú y với các biện pháp hoạt động có hiệu quả để duy trì mức bảo vệ thích hợp nhưng vẫn thúc đẩy việc buôn bán động vật và sản phẩm động vật; Đề nghị các Tổ chức quốc tế, các nước hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình/dự án xây dựng năng lực để hài hoà hoá các yêu cầu/tiêu chuẩn kỹ thuật. Để thúc đẩy việc xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, các doanh nghiệp cho rằng việc cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài thông qua các hội nghị/hội thảo hoặc tham quan học tập; tăng cường đào tạo, thông tin tuyên truyền về các vấn đề hội nhập quốc tế cũng là những vấn đề quan trọng. (nguồn www.cucthuy.gov.vn)
WTO
Add comment