Để góp phần tuyên truyền, giải đáp cho nông dân những giải pháp thích hợp thúc đẩy quá trình hội nhập, Diễn đàn "Phát triển Nông nghiệp bền vững trong hội nhập WTO", vừa diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long đã phần nào đáp ứng yêu cầu này. Đã có nhiều ý kiến của các nhà kinh tế, chính trị, khoa học... phân tích những khó khăn, thuận lợi, cái được, cái mất khi Việt Nam gia nhập WTO, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Thực trạng nông nghiệp nông thôn Việt Nam Hiện nay, nông nghiệp nông thôn Việt Nam đang đối đầu với nhiều khó khăn của sự phát triển kinh tế như: qui mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún công nghệ lạc hậu, năng suất, độ đồng đều, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng hợp tác liên kết của nông dân Việt Nam nói chung và nông dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng còn rất yếu. Dịch vụ và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho việc phát triển nông nghiệp nông thôn không theo kịp với đà tăng trưởng kinh tế của toàn xã hội. Việc cải cách hành chính chuyển đổi cơ cấu thể chế còn chậm, môi trường pháp lý đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập, thị trường đất, lao động, vốn, công nghệ chưa vận hành một cách thuận lợi. Chúng ta sẽ thực hiện những cam kết trong lĩnh vực nông nghiệp như thế nào? Làm sao nắm bắt những cơ hội để phát huy cũng như đối đầu những thách thức sẽ liên tục diễn ra trong quá trình thực hiện những cam kết để có thể tác động tăng tính cạnh tranh của nông dân Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng? Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế, đến năm 2006, sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam liên tục bị sụt giảm, trong khi nước láng giềng Thái Lan đứng ở vị trí thứ 30 trên thế giới, thì Việt Nam lại đứng ở vị trí thứ 70 đến 80. Với thực trạng nền nông nghiệp như thế, Việt Nam còn phải làm rất nhiều điều mới có thể bắt kịp Thái Lan. Trước những thách thức to lớn trên nông dân Việt Nam phải làm gì? Nhà nước sẽ tận dụng những cam kết với WTO cho phép giúp đỡ nông dân về mặt tập huấn khuyến nông, còn vai trò của các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp, các hội đoàn ... sẽ làm gì để thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hội nhập một cách bền vững? GS-TS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho rằng, có thể hiểu ngắn gọn khái niệm sản xuất nông nghiệp bền vững là chúng ta cần chọn một biện pháp sản xuất để cây trồng, vật nuôi của chúng ta tiếp tục cho chúng ta mỗi năm mỗi lãi, chất lượng nguồn nước và đất đai hàng năm vẫn được duy trì tốt để thế hệ con cháu chúng ta tiếp tục hưởng cái lợi từ đất và môi trường nước, chứ không phải chúng ta chỉ khai thác trong một khoảng thời gian vài năm rồi đất đai trở nên cằn cỗi và môi trường nước bị huỷ hoại như vậy sẽ không bền vững. Thứ hai là mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm khi mà chúng ta sản xuất thì tiền lời cứ tăng mãi, chứ không phải chỉ thu lợi một thời gian vài năm rồi sau đó lại sạt nghiệp. (nguồn Thời báo Kinh tế Việt Nam)
WTO
Add comment