Một nhà khoa học Mỹ trong công trình nghiên cứu của mình đã chỉ ra việc tiêm vắc-xin cho gà có thể giúp giảm số ca ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Campylobacter ở gà gây ra, giúp tiết kiệm hàng triệu bảng Anh mỗi năm. Loại vắc-xin này hiện đang trong quá trình sản xuất.
Các ca ngộ độc thực phẩm khiến nước Anh tiêu tốn khoảng 2 tỷ bảng Anh mỗi năm. Vi khuẩn Campylobacter là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm và nó gây ra khoảng 30% số ca ngộ độc thực phẩm tại Anh. Cụ thể, năm 2009, số ca ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Campylobacter gây nên là hơn 371.000 tại Anh và xứ Wales, trong đó hơn 17.500 trường hợp phải nhập viện điều trị và 88 ca tử vong.
Vi khuẩn Campylobacter có ở trong ruột của rất nhiều loài động vật, trong đó có gà. Nếu gia cầm nhiễm loại vi khuẩn này không được xử lý hợp vệ sinh và nấu chín kỹ, nó sẽ truyền sang con người và gây nên chứng đau bụng dữ dội.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Washington hiện đang nghiên cứu cơ chế kháng thể truyền từ gà mái sang gà con. Kháng thể này giúp ngăn chặn tình trạng bị nhiễm vi khuẩn Campylobacter trong tuần tuổi đầu tiên. Nhóm nghiên cứu đang xác định các phân tử ở vi khuẩn mà kháng thể này tấn công, từ đó làm cơ sở sản xuất ra vắc – xin chống vi khuẩn Campylobacter.
Loại vắc-xin này sẽ là vũ khí đắc lực giúp kiểm soát tình trạng ngộ độc thực phẩm. Việc ngăn chặn sự nhiễm khuẩn tại các lò mổ gia cầm chưa thực sự hiệu quả trong việc giảm số ca ngộ độc thực phẩm. Thực tế cho thấy khoảng 65% số gà bày bán tại nước Anh bị nhiễm khuẩn Campylobacter. Giải pháp tốt nhất để ngăn chặn tình trạng nhiễm khuẩn này là ngăn chặn gà từ các trang trại bị nhiễm vi khuẩn Campylobacter bằng việc tiêm vắc-xin. Mục tiêu của các nhà khoa học là thử nghiệm loại vắc – xin mới trong vòng 6 tháng tới.
Việc kiểm soát tình trạng ngộ độc thực phẩm thông qua vắc-xin có ý nghĩa lớn tại Anh và trên quy mô toàn cầu. Nguồn cung cấp thực phẩm an toàn rất quan trọng với sức khỏe con người. Việc giảm 1% số ca ngộ độc thực phẩm tại Anh có thể giúp nước này tiết kiệm khoảng 20 triệu bảng Anh mỗi năm.
Theo: Physorg
Nguồn: Bộ NN&PTNT
Khoa học kỹ thuật
Add comment