Các nhà khoa học đang cảnh báo về mối đe dọa mới đối với chim cánh cụt ở Nam Cực từ những căn bệnh lây lan bởi chim di cư.
Một chủng cúm gia cầm hiện đại đã được phát hiện ở bầy cánh cụt sống trên lục địa tuyết phủ quanh năm, mặc dù chưa làm chúng có biểu hiện ốm. Các nhà bảo tồn thiên nhiên cho biết, chim cánh cụt cần được bảo vệ tốt hơn thông qua giám sát các dịch bệnh mới và bảo vệ khu vực sinh sản.
Cúm gia cầm là một loại bệnh truyền nhiễm ở gia cầm và chim hoang dã.
Các nhà khoa học phát hiện một chủng cúm gia cầm khác lạ trong bầy cánh cụt ở Nam Cực vài năm trước. Chủng cúm gia cầm thứ hai vừa phát hiện cho thấy vi-rút đang tiến gần đến lục địa này thường xuyên hơn so với suy nghĩ trước đây. Vi-rút vừa được phát hiện dường như chưa gây ra bất kỳ biểu hiện ốm nào trong bầy, song thực tế phía dưới bán đảo Nam Cực đã cho thấy khả năng vi-rút gây tử vong cũng có mặt ở đó.
Bán đảo Nam Cực là một nơi quá xa để có thể là một phần đường bay chính của các loài chim di cư. Tuy nhiên, một số loài chim vẫn di cư đến đó từ phía Bắc và Nam Mỹ.
Chim cánh cụt là nhóm chim biển đang nguy cấp thứ hai sau chim hải âu, do đó bất cứ mối đe dọa nào cũng được quan tâm. Phát hiện này cho thấy bệnh cúm gia cầm có nguồn gốc ở bán cầu Bắc và mới xuất hiện ở Nam Cực gần đây. Các chuyên gia cho rằng cần phải tìm hiểu kỹ hơn về con đường tiến đến lục địa này của vi-rút.
M.H (Theo BBC)
Nguồn: Bộ NN& PTNT
Khoa học kỹ thuật
Add comment