Người dân, đặc biệt là những người có nuôi thú cưng, băn khoăn về quy định 'tiêu hủy sau 72 giờ không có người đến nhận chó bị bắt giữ' vì thả rông.
Xin anh cho biết:
- Căn cứ pháp lý của quy định này? Liệu có phải đây là quy định tự Chi cục Thú y TP. HCM đặt ra không? Có áp dụng cả ở các khu vực ngoại thành TP. HCM hay không?
- Người ủng hộ giải pháp này cũng nhiều, nhưng cũng nhiều người phản đối. Việc tiêu hủy như vậy dẫn đến bức xúc của người dân. Nhiều người nghi ngờ tính minh bạch. Thậm chí có người đã phản ứng tiêu cực với Đội bắt chó lang thang. Theo Anh có thể tìm một giải pháp khác hợp lý hợp tình hơn hay không?
Trả lời:
Kính gửi: Phóng viên Nguyễn Thị Bảo Phượng - Báo Gia đình mới
Chi cục Thú y cung cấp thông tin liên quan về công tác bắt chó thả rông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, như sau:
1.Căn cứ pháp lý của quy định “tiêu hủy sau 72 giờ không có người đến nhận chó bị bắt giữ” vì thả rông? Liệu có phải đây là quy định tự Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra không? Có áp dụng cả ở các khu vực ngoại thành TP. HCM hay không?
- Căn cứ pháp lý:
+ Tại điểm c, khoản 3, Điều 4 - Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật quy định: Đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) quy định việc bắt giữ; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; tiêu hủy chó trong trường hợp sau 48 giờ, kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.
+ Tại Điều 9 - Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 8 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật (Thông tư này được thay thế bằng Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn từ ngày 15 tháng 7 năm 2016) quy định:
(1) Chi cục Thú y cấp tỉnh thành lập đội bắt chó thả rông, động vật nghi mắc bệnh dại và phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện bắt chó thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư. Hàng ngày, sau khi bắt chó thả rông, Chi cục Thú y nuôi nhốt chó, theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận; việc tiêu hủy chó chỉ thực hiện trong trường hợp không có người đến nhận.
(2) Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt và thời gian lưu giữ chó sau khi bị bắt (72 giờ).
+ Tại điểm c, khoản 2.2 của Phụ lục 05 hướng dẫn phòng chống bệnh Dại ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.
+ Theo Quyết định số 2073/QĐ-UB-KT ngày 02 tháng 5 năm 1997 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc tiêm Phòng bệnh Dại và bắt chó chạy rông. Giao trách nhiệm cho Chi cục Thú y Thành phố: Thường xuyên tổ chức bắt chó chạy rông và tiêm phòng Dại theo định kỳ ở các quận, huyện của Thành phố.
Chó thả rông trong phạm vi lòng lề đường phố công cộng sẽ bị cơ quan thú y bắt và tạm giữ tại số 252 Lý Chính Thắng, Quận 3.
Chủ chó khi đến nhận chó sẽ phải nộp phạt (Theo hướng dẫn của văn bản qui phạm pháp luật hiện hành).
Chó bị bắt tạm giữ tại 252 Lý Chính Thắng quá 72 giờ nếu chủ nuôi không đến nhận xem như chó vô chủ, được xử lý theo quy định. Chủ chó không được quyền khiếu nại.
- Chi cục Thú y thực hiện bắt chó thả rông trên địa bàn thành phố. Riêng khu vực ngoại thành: chó thả rông trên địa bàn huyện Củ Chi bị bắt đưa về Trạm Thú y Củ Chi lưu giữ; trên địa bàn huyện Cần Giờ đưa về Trạm Thú y Cần Giờ lưu giữ.
2.Người ủng hộ giải pháp này cũng nhiều, nhưng cũng nhiều người phản đối. Việc tiêu hủy như vậy dẫn đến bức xúc của người dân. Nhiều người nghi ngờ tính minh bạch. Thậm chí có người đã phản ứng tiêu cực với Đội bắt chó lang thang. Theo Anh có thể tìm một giải pháp khác hợp lý hợp tình hơn hay không?
- Việc bức xúc của người dân có thể là do ảnh hưởng đến quyền lợi riêng của cá nhân. Việc bắt chó thả rông trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã góp phần kiểm soát tình hình bệnh Dại trên chó mèo, góp phần hạn chế ảnh hưởng về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường do việc thả rông chó nơi công cộng gây ra.
- Chó thả rông bị bắt sau thời gian lưu giữ, nếu vô chủ Chi cục Thú y sẽ chuyển cho các trường phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy hoặc xử lý tiêu hủy theo quy định.
- Để hạn chế tình trạng phản ứng tiêu cực đối với nhân viên Đội Bắt chó thả rông trong khi làm nhiệm vụ. Chi cục Thú y đã thực hiện những biện pháp như:
+ Tăng cường tuyên truyền, tập huấn trong cộng đồng, phát tờ bướm tuyên truyền về mối nguy hiểm của bệnh Dại, biện pháp phòng chống bệnh Dại; khi nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến chung quanh; nuôi nhốt cho trong nhà, khi đưa chó ra nơi công cộng phải rọ mõm, có dây dẫn và có người dẫn; chó thả rông nơi công cộng sẽ bị bắt và xử lý theo quy định;
+ Có văn bản gởi đến Ủy ban nhân dân quận huyện phối hợp trong công tác bắt chó thả rông, theo đó UBND quận huyện chỉ đạo UBND phường xã xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp với Chi cục Thú y để thực hiện bắt chó thả rông trên địa bàn đồng thời cử lực lượng giữ an ninh, trật tự trong quá trình thực hiện;
+ Kết hợp với chính quyền, cơ quan chức năng xử lý các trường hợp chống người đang thi hành nhiệm vụ.
Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh
Trả lời bạn đọc
Add comment