Kinh nghiệm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại
tại Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, du lịch quan trọng của Việt Nam, tập trung dân cư lớn nhất cả nước để sinh sống, làm việc, du lịch, nên công tác đảm bảo an sinh xã hội, trong đó kiểm soát các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người, bao gồm bệnh Dại là vấn đề hết sức quan tâm của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc xây dựng vùng an toàn bệnh Dại trên chó mèo tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết.
1. Thực hiện Chương trình Quốc gia theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 04/01/2018 về phê duyệt chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2021, trong đó xác định rõ mục tiêu 100% xã, phường thị trấn lập danh sách hộ nuôi chó mèo; tỷ lệ chó mèo nuôi được tiêm phòng vắc xin đạt tỷ lệ 90%; đến năm 2020 xây dựng thành phố Hồ Chí Minh là vùng an toàn bệnh Dại trên chó mèo.
2. Ủy ban nhân dân các cấp thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và hệ thống giám sát bệnh Dại trên chó mèo, mà nòng cốt là tổ trưởng tổ dân phố hoặc dân ấp. Thường xuyên tuyên truyền cho người dân đăng ký nuôi chó mèo với chính quyền địa phương. Hằng năm, các dữ liệu đàn chó mèo được cập nhật 2 lần (đợt 01/4 và 01/10), nhằm quản lý chặt chẽ đàn chó mèo trên địa bàn và hỗ trợ cho việc tổ chức tiêm phòng, lấy mẫu giám sát tiêm phòng, làm cơ sở xây dựng phường, xã an toàn bệnh Dại trên địa bàn thành phố. Hiện tại, tổng đàn chó mèo của Thành phố là 220.620 con được nuôi tại 121.870 hộ. Trong thời gian tới đây, Thành phố sẽ xây dựng bản đồ số hoá về chăn nuôi, kể cả chăn nuôi chó mèo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
3. Xây dựng các tài liệu tuyên truyền (trong đó có tờ bướm bằng tiếng Hoa để cung cấp cho khu vực có người Hoa), băng rôn, phát thanh trên đài Tiếng nói nhân dân thành phố, loa phát thanh của huyện và lưu động; các lớp tuyên truyền về phòng chống bệnh Dại. Tuyên truyền, vận động người nuôi chó mèo thực hiện cam kết nuôi chó mèo phải giữ vệ sinh, môi trường, không thả rông nơi công cộng. Đẩy mạnh xử lý các hành vi không xích giữ chó và đeo rọ mõm cho chó khi đưa chó ra nơi công cộng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y duy trì đội bắt chó thả rông để hỗ trợ cho các quận huyện và hỗ trợ cho công tác thi hành án trên địa bàn thành phố. Đồng thời, hỗ trợ cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Trà Vinh tập huấn kỹ thuật bắt chó thả rông. Từ năm 2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang chuyển dần việc bắt chó thả rong về các quận, huyện, trong đó Quận 1 là địa phương đầu tiên thành lập đội bắt chó thả rong đầu tiên tại quận; từ đó nhân rộng cho các quận huyện khác như quận 5, 7, 8.
4. Hằng năm, Ủy ban nhân dân các quận huyện có Kế hoạch tiêm phòng cho đàn chó mèo trên địa bàn, trong đó hỗ trợ một phần tiền vắc-xin tại 05 huyện ngoại thành, tập trung vào khoảng tháng 3 - 5 và bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ các cơ sở hành nghề dịch vụ thú y trong việc báo cáo cho cơ quan chuyên môn định kỳ về công tác tiêm phòng Dại tại cơ sở. Từ đó, tỷ lệ tiêm phòng đạt tỷ lệ 91,86 % tổng đàn và 90,88 % số hộ nuôi. Ngoài ra, tiến hành lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng. Nhiều năm liền, tỷ lệ bảo hộ đối với bênh Dại trên địa bàn Thành phố đạt trên 80%. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xét nghiệm mẫu não chó mèo do người dân gửi.
5. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Trung tâm y tế dự phòng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin người bị súc vật cắn phải điều trị dự phòng và các trường hợp có động vật hoặc người chết vì bệnh Dại.
6. Thành phố Hồ Chí Minh luôn là địa phương đi đầu trong xây dựng vùng an toàn bệnh Dại. Từ 02 phường của quận Tân Bình được Cục Thú y công nhận phường an toàn bệnh Dại từ năm 2008, đến nay Thành phố đã được công nhận 01 vùng an toàn bệnh Dại gồm 17 quận nội thành và ven nội Thành phố và 50 phường xã, thị trấn trong 7 quận, huyện còn lại. Trong năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu được công nhận thêm 07 quận an toàn bệnh Dại để hình thành vùng Thành phố Hồ Chí Minh an toàn bệnh Dại.
Tuy nhiên, vẫn còn một số những hạn chế trong công tác phòng chống bệnh Dại trên địa bàn thành phố như:
1. Một số người nuôi chó mèo từ các tỉnh vận chuyển vào Thành phố không khai báo kiểm dịch, chưa tiêm phòng Dại, là mối nguy cơ lây bệnh dại và gây nên khó khăn lớn trong việc phòng chống bệnh Dại.
2. Giết mổ trái phép chó để làm thực phẩm, thịt chó bày bán công khai chưa được xử lý dứt điểm cũng có thể làm tăng nguy cơ lây lan, phát sinh bệnh dại.
3. Công tác phối hợp phòng chống dịch Dại giữa các tỉnh chưa thật sự hiệu quả, nên việc thanh toán bệnh dại theo mục tiêu đề ra trong cả nước đến năm 2021 có thể chưa hoàn thành.
CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Tin tức
Add comment