Giới thiệu mô hình chăn nuôi mới sau đại dịch Dịch tả heo Châu Phi
Mô hình chăn nuôi nuôi thỏ của HTX Chăn nuôi Thỏ sạch Củ Chi
Trước tình hình Dịch tả heo Châu phi, xuất phát từ nhu cầu thực tế trong sản xuất, kinh doanh và được sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của sáng lập viên HTX Chăn nuôi Thỏ sạch Củ Chi được thành lập vào tháng 4 năm 2019, với mục đích nhằm giải quyết những khó khăn cho các hộ chăn nuôi chuyển mô hình từ chăn nuôi heo trước đây sang mô hình chăn nuôi thỏ, HTX mạnh dạn hỗ trợ về kỹ thuật, giống, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên đang tham gia nuôi thỏ trên địa bàn xã Trung An, huyện Củ Chi và một số xã thuộc tỉnh lân cận.
Theo Ông Cao Hoàng Tú – Giám đốc HTX Chăn nuôi Thỏ sạch Củ Chi cho biết chủ yếu các hộ chăn nuôi thành viên là những hộ chăn nuôi heo, bò là chính. Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã bùng phát và chính quyền địa phương đã tiêu hủy hầu hết số heo đang chăn nuôi tại các hộ nhỏ lẻ. Để tạo điều kiện các các hộ chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi thỏ, tận dụng chuồng trại có sẵn, HTX đã thành lập, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, tạo công ăn, việc làm và là tiền đề cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Các mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả, giải quyết lao động tại chỗ, tăng thu nhập kinh tế gia đình. Hợp tác xã ra đời nhằm huy động vốn, kiến thức khoa học kỹ thuật và liên kết, hỗ trợ lẫn nhau góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Hiện nay, HTX Chăn nuôi Thỏ sạch Củ Chi đã quy tụ được 25 thành viên, với tổng quy mô trang trại 7500m2, trong đó thỏ giống đạt 3.000 con, giải quyết được 70 lao động chính và 64 lao động phổ thông. Tuy mới đi vào hoạt động, HTX Chăn nuôi Thỏ sạch Củ Chi đã liên kết được các hộ thành viên, tạo điều kiện để họ được học tập, trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình thành viên.
Ngoài ra, HTX Chăn nuôi Thỏ sạch Củ Chi đang phối hợp Liên Hiệp Thanh niên xã Trung An huyện Củ Chi thực hiện các hoạt động nhằm khuyến khích, hỗ trợ thanh niên trên địa bàn xã chuyển đổi mô hình chăn nuôi thỏ, như hỗ trợ tư vấn về chuồng trại, bao tiêu đầu ra, thực hiện hỗ trợ giá 10 - 20% tiền mua con giống, đặc biệt hỗ trợ 40 – 50% tiền mua con giống cho thanh niên nghèo vượt khó trên địa bàn xã Trung An.
Thực tế cho thấy, con thỏ là vật dễ nuôi, vốn đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh, tận dụng được các nguồn lực của gia đình, với chi phí rẻ, bình quân một năm đẻ 8 lứa, mỗi lứa 8 – 10 con, thời gian nuôi từ lúc sinh đến xuất chuồng từ 75 ngày – 90 ngày, trọng lượng xuất chuồng bình quân 2 kg/con, với mức giá xuất chuồng hiện nay 100.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi con lãi khoảng 50 nghìn đồng. Nguồn tiêu thụ thịt thỏ hiện nay ổn định, cung cấp đủ cho nhà hàng, nhờ thế HTX có đơn hàng ổn định trong cả năm, các thành viên yên tâm chăn nuôi, ổn định sản xuất.
Ngoài nuôi thỏ, thời gian tới, HTX Chăn nuôi Thỏ sạch Củ Chi còn gắn với trồng cây công nghiệp, tận dụng nguồn phân của thỏ, tạo mô hình khép kín trong chăn nuôi – trồng trọt. Hợp tác xã phát huy các đầu mối sẵn có, chủ động xây dựng kế hoạch liên kết, tìm kiếm thị trường, ký hợp đồng với các đơn vị, doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm cho thành viên. Cùng với đó, HTX tư vấn, hỗ trợ dịch vụ con giống, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, cung cấp thức ăn chăn nuôi, hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật. Tích cực tham gia các chương trình hội thảo, liên kết, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài thành phố.
Hiện nay, tình hình bệnh Dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn Thành phố cơ bản đã được khống chế tuy nhiên việc tái đàn vẫn là một bài toán cho người chăn nuôi heo. Việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi sang mô hình khác như chăn nuôi thỏ là một hướng đi mới cần được quan tâm./.
CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Trang trại thỏ của gia đình anh Cao Hoàng Tú ở số 380 đường Lò Lu, ấp An Hòa, huyện Củ Chi.
Tuyên truyền
Add comment