Thương lái vẫn là một phần không thể thiếu trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thương lái cần được xem là đối tác đồng hành với người sản xuất, với doanh nghiệp. Thương lái cần tự tin với vai trò đóng góp chủ động và tích cực hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, bà con nông dân trồng lúa vùng đất Chín Rồng đón tin vui, giá lúa đang tăng. Sản phẩm từ bao công sức nhọc nhằn có được mức giá cao là mong mỏi chung của người sản xuất sau mỗi mùa vụ. Một đài truyền hình đưa tin và bình luận: vụ này bà con thu lợi kép, vừa được mùa vừa được giá. Vậy là mừng cho nhiều bà con được đón cái Tết tươm tất từ trong ra ngoài rồi.
Nhớ lại một dịp đến thăm những người bạn nông dân thân quen gợi lên nhiều điều ngẫm nghĩ. Một anh phân trần: “Lạ thiệt, khi giá lên thì thương lái dập dìu, từ chối không kịp, đến khi giá xuống thì chẳng thấy bóng dáng họ đâu cả, gọi liên hệ thì bị tắt máy”. Cũng như vậy, báo đài thường đưa tin, khi giá cả nông sản xuống thấp, nông dân bị thương lái “ép bán” với mức giá “dưới cả giá thành sản xuất”. Thêm nữa, nhiều người còn bức xúc: “Nông dân cày sâu cuốc bẩm, một nắng, hai sương để làm ra của cải thì không quyết định được giá, trong khi đó thương lái muốn ấn định thế nào cũng phải chấp nhận”, từ trồng trọt đến chăn nuôi, rồi cả thủy sản.
Mà không chỉ riêng bà con nông dân nghĩ vậy. Không ít lãnh đạo địa phương, cán bộ đoàn thể cũng nghĩ như vậy. Trong nhiều báo cáo của ngành nông nghiệp cũng ghi nhận như vậy. Báo đài đôi khi cũng đưa tin theo chiều cảm xúc như vậy. Tất cả đều nghĩ như vậy, thì đúng thực như vậy rồi. Còn gì mà phải bàn cãi. Nghe cũng thật chua xót, thật đắng lòng, thật bất công! Thương lái là ai mà lại có quyền năng ghê gớm như vậy? Thử lên mạng tìm kiếm thông tin về “thương lái”, dường như đều gắn với những từ khóa thiếu thiện cảm, nào là “thương lái biến mất, tháo chạy, bỏ mặc nhà vườn”, nào là “điêu đứng vì thương lái”. Nhắc đến thương lái, biết mấy ai thương?
Nào đâu phải xa, thương lái cũng từng xuất thân từ gia đình nông dân, ngư dân, người buôn bán, tiểu thương ở thị tứ, thị trấn. Thương lái phải chăng cũng từng là người trực tiếp sản xuất nông sản? Thương lái phải chăng cũng từng là những nông dân có khiếu mua bán, kinh doanh? Thương lái là những người biết nắm bắt nhu cầu, cơ chế tự phát của thị trường, lặn lội khắp các thửa ruộng, mảnh vườn, bờ ao riêng rẽ ở làng quê nông thôn, rồi đứng ra thu mua các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và bán lại, thu về lợi nhuận, với phương thức mua bán nhanh gọn, đơn giản, thanh toán ngay. Thương lái giúp người sản xuất có thể tiêu thụ nông sản nhanh chóng, thuận tiện, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn vì cách trở địa lý, vì không đủ phương tiện thu gom, không đủ nhân lực thu mua. Ngày qua ngày, ngành nông nghiệp lâu nay vẫn gắn liền với “nậu vựa, thương lái, hàng xáo”.
Bình tâm một chút và cùng đặt câu hỏi: “Theo logic từ những câu chuyện trên, nếu thương lái có quyền ấn định giá, thì sao họ không luôn giữ giá, neo giá ở mức thấp, mà có lúc lại mua giá cao như trường hợp giá lúa hiện nay?”. Giá cả nông sản, và các loại hàng hóa khác, vốn dĩ được quyết định bởi giá cả hàng hóa, bởi nhu cầu của người tiêu dùng, theo quy luật cung cầu của thị trường. Một mình thương lái, không thể quyết định được giá cả thị trường. Trong một số diễn đàn, nhiều diễn giả, chuyên gia phác thảo con đường nông sản từ đồng ruộng, chuồng trại, ao bè, ra đến thị trường, bàn ăn mỗi gia đình. Tất cả đều phải trải qua bao nhiêu tầng nấc trung gian. Mỗi tầng nấc làm giảm đi một phần lợi nhuận của nông dân, càng nhiều tầng nấc, lợi nhuận của người nông dân càng giảm đi tương ứng. Dọc theo “đường đi nông sản” như vậy để hình dung rằng, nếu cắt giảm một tầng nấc trung gian sẽ giúp bà con tăng thêm một phần lợi nhuận. Trong tầng nấc trung gian đó là thương lái, là nhà vựa, là hàng xáo. Nghĩa là khi ấy nông sản sẽ tiến thẳng ra thị trường, đến với tận tay người tiêu dùng. Nghĩa là “mắt xích trung gian” ấy sẽ dần đi vào quá khứ, hoặc để đội ngũ thương lái đứng bên ngoài chuỗi ngành hàng.
Cảm xúc chung đang là như vậy. Người sản xuất mong muốn đưa nông sản của mình đến thẳng thị trường hoặc doanh nghiệp đến tận ruộng vườn thu mua. Điều này chỉ thực hiện được khi có các điều kiện thị trường hoàn hảo. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường với trăm người bán, vạn người mua, làm cách nào để người bán và người mua luôn có thể gặp nhau về giá cả, chất lượng, thời gian thu hoạch, cách thức vận chuyển, phương thức thanh toán…?
Hãy thử nhìn vào bản đồ vùng sản xuất lúa ở bất kỳ một địa phương miền Tây sẽ thấy “đường đi lúa gạo” như thế nào. Lúa từ trong ngọn cùng kênh rạch, chuyển ra sông con, sông cái, rồi chuyển đến nhà vựa, doanh nghiệp thu mua, chế biến, từ đó mới ra thị trường, đến người tiêu dùng. Mảnh ruộng nhỏ, sản lượng không đủ lớn, chất lượng chưa đồng đều, thì làm thế nào để từ lúa thành gạo, từ đồng ruộng đến thị trường, đến các kệ hàng trong siêu thị, chợ truyền thống… mà không phải qua các “tầng nấc trung gian”?
Thử tưởng tượng nếu doanh nghiệp thu mua trực tiếp từ nông dân mà không cần hệ thống thương lái thì sẽ như thế nào. Khi ấy, doanh nghiệp cần phải có đủ nguồn lực tài chính, hệ thống kho bãi, nhà máy, phương tiện vận chuyển, nhân lực bốc vác, vận chuyển… Những doanh nghiệp có đầy đủ nguồn lực như vậy không nhiều, nên không thể bao phủ tiêu thụ trên toàn diện tích canh tác, sản xuất khắp các địa phương sau mỗi mùa vụ. Tình trạng nông sản phơi đồng, trái treo trên cây, tôm cá nằm dưới ao bè, sẽ khó tránh khỏi. Đó là hệ quả tất yếu của một nền nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến hệ quả là nông sản từng hộ không đủ lớn, không đồng đều, thời điểm thu hoạch khác nhau, dễ gây trùng lắp, chồng lấn, cạnh tranh lẫn nhau. Như vậy sẽ làm phát sinh chi phí vận chuyển, chi phí phân loại theo chủng loại, kích cỡ, chất lượng. Mỗi tầng nấc trung gian như hiện nay chính là thực hiện vai trò sắp xếp, phân phối nông sản theo các nhu cầu đa dạng, phù hợp, tương ứng với năng lực, sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn, của doanh nghiệp nhỏ và vừa, của nhà vựa, của thương lái. Nền kinh tế phân chia như vậy đã tồn tại hàng trăm năm, mang đặc trưng của nền sản xuất quy mô nhỏ. Hãy đến các nhà vựa nông sản, để thấy thực tế nền kinh tế quy mô nhỏ đang vận hành như thế nào. Như vậy, trong ngắn hạn, điều cần quan tâm là thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hài hòa của hệ sinh thái: doanh nghiệp – thương lái – hợp tác xã, nông dân, theo mô hình nền kinh tế chia sẻ: chia sẻ thị trường, chia sẻ nguồn vốn, chia sẻ hạ tầng logistics…, từ lợi nhuận, lợi ích, và đến cả rủi ro.
Vậy đến khi nào chuỗi giá trị ngành hàng nông sản sẽ giảm thiểu tầng nấc trung gian? Khi và chỉ khi, nền sản xuất mở rộng qua quy mô lớn hơn bằng cách tích tụ hoặc tập trung đất đai. Khi và chỉ khi, tinh thần hợp tác giữa những người sản xuất, tính liên kết giữa người sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp thu mua trở nên bền chặt, dài hạn, chứ không phải theo từng mùa vụ. Khi và chỉ khi, kinh tế trang trại, kinh tế tập thể phổ biến hơn, là chủ đạo trong nông nghiệp thay cho kinh tế hộ gia đình.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ cách thức mua bán thương vụ sang hợp tác, liên kết, trực tiếp đầu tư, từ vật tư đầu vào, đến thu mua đầu ra theo yêu cầu chất lượng với các hợp tác xã, là những tín hiệu vui. Tinh thần hợp tác, liên kết, ngoài dựa trên sự hài hoà lợi ích, còn phải tạo dựng và giữ gìn niềm tin trong dài hạn. Đó chính là văn hoá của người sản xuất và văn hoá của thương lái, doanh nghiệp. Cần tạo ra nhiều không gian để các thành phần trong hệ sinh thái ngành hàng ngồi lại với nhau, chia sẻ với nhau, có niềm tin với nhau. Trong thành phần hệ sinh thái, cũng như trong chuỗi ngành hàng trước mắt không thể thiếu thương lái, trừ những doanh nghiệp đủ tiềm lực xây dựng được cả vùng nguyên liệu cho mình.
Thương lái cần được xem là đối tác đồng hành với người sản xuất, với doanh nghiệp. Thương lái cần tự tin với vai trò đóng góp chủ động và tích cực hơn vào chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Thương lái cần được tập hợp vào các nhóm, các câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện, để cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng tiếp cận các nội dung tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua các nhóm, câu lạc bộ, mối liên kết giữa thương lái với doanh nghiệp được mở rộng, trên cơ sở ký kết hợp đồng về nguồn gốc, xuất xứ, địa bàn, đầu mối thu gom theo vùng, khu vực… Dần dà, các thương lái có điều kiện về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, có thể thành lập các công ty theo chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Và chính cộng đồng thương lái có trách nhiệm, hình thành và mở rộng từ các nhóm, câu lạc bộ, sẽ đồng thuận nói không với những hành vi thiếu lành mạnh: mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả,…
“Sáu năm được mùa thì sáu năm mất mùa, cứ mười hai năm thì có một lần đói lớn. Phàm giá gạo mua hai bán mười thì có hại cho nhà nông, mua chín bán mười thì có hại cho người buôn. Người buôn bị hại thì của cải không có, nông dân bị hại thì cỏ dại không trừ. Lên không quá mua tám bán mười, xuống không dưới mua ba bán mười thì nghề nông nghề buôn đều được lợi, giá gạo ổn định vật dụng đầy đủ, chợ không thiếu hàng”. Ngẫm nghĩ từ tích cũ chuyện xưa, để thấy rằng, lợi nhuận, lợi ích của nhà nông, của người buôn luôn có mối liên hệ mật thiết. Mùa vụ lúc trúng lúc thất. Thương vụ lúc được lúc thua. “Có đắt hàng tôi mới trôi hàng bà”. Thoát khỏi tư duy mùa vụ, thương vụ, vượt qua những mâu thuẫn, đối kháng, toan tính thiệt hơn, người sản xuất, thương lái, doanh nghiệp mới cùng sẵn lòng san sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích.
Kinh tế thành phần
Add comment