Nguồn: dangcongsan.vn
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho rằng, cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực và sáng kiến từ doanh nghiệp các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường.
Quang cảnh Diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội (Ảnh: N.Q)
Ngày 21/3, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Chăn nuôi, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ NN&PTNT) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) tổ chức Diễn đàn trực tiếp kết hợp trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang có những chuyển biến tích cực, phù hợp xu hướng chuyển đổi, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Tỉnh đang áp dụng các mô hình tuần hoàn nông nghiệp như: mô hình nuôi ruồi cánh đen, sử dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất giúp các phụ phẩm được sử dụng gần như triệt để.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh bước đầu sử dụng các chất thải làm phân bón, song về việc áp dụng biogas đang còn nhiều hạn chế và thực hiện trên quy mô nhỏ. Diện tích sử dụng đệm lót sinh học của chăn nuôi tỉnh đạt trên 330 nghìn mét vuông. Tỉnh Đồng Nai cũng phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai mô hình nuôi heo hữu cơ. Ngoài ra các mô hình dùng phụ phẩm chăn nuôi, mô hình sản xuất phân hữu cơ được triển khai khá nhiều. Sản lượng phân hữu cơ sử dụng từ phụ phẩm chăn nuôi của tỉnh là 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo ông Trần Lâm Sinh, hiện nay, trong nông nghiệp tuần hoàn vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là các vấn đề liên quan đến nhận thức, hành lang pháp lý, nguồn tài chính, công nghệ tái chế, quản lý môi trường và nguồn nhân lực,…
Ông Sinh cho biết, về phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung nâng cao nhận thức người dân, nâng cao năng lực đầu tư, nghiên cứu, tận dụng công nghệ, tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp tuần hoàn thông qua việc hỗ trợ vốn, các chính sách ưu tiên và liên kết các thành phần kinh tế theo chuỗi giá trị,...
Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Thế Hinh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp đã chia sẻ khái quát một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi từ các chương trình dự án đã triển khai tại Việt Nam. Về mô hình cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện nay có ba công nghệ chính: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới.
Trong thời gian qua, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp Carbon thấp (LCASP) đã triển khai xây dựng mô hình tại 10 tỉnh với kết quả ban đầu khá khả quan, đầu tư máy tách phân tại các trang trại chăn nuôi quy mô trên 2.000 đầu lợn, bò cũng như hệ thống tưới bằng nước thải biogas. Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận trên 20%, thời gian hoàn vốn từ 5-6 năm. Thí điểm mô hình trên một số trang trại lợn quy mô trên 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn từ 2-3 năm.
Tại Diễn đàn, ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng, kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi được cho là gốc rễ của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác nhau như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến.
Theo ông Thắng, nếu như từ xưa, vấn đề tuần hoàn trong chăn nuôi đã được thể hiện qua nhiều mô hình như VAC, lúa - cá - vịt, xử lý rơm cho chế biến phân bón vi sinh... Tuy nhiên, đến nay với quy mô chăn nuôi lớn hơn, cần bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu hướng thế giới và khu vực.
Tại Diễn đàn, ông Thắng cũng nhấn mạnh, cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực, và sáng kiến từ doanh nghiệp các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường./.
B.T
Chuyển đổi số
Add comment