Đến tháng 8 năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh có đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn, bao gồm 137.179 con heo được nuôi tại 1.321cơ sở; 78.256 con trâu, bò được nuôi tại 7.208 cơ sở; tổng đàn gia cầm là 248.834 con tại 11 cơ sở chăn nuôi tập trung và rải rác tại các hộ dân. Với vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, xã hội của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có mật độ giao thông rất cao, đồng thời cũng tiêu thụ một lượng lớn động vật, sản phẩm động vật từ nhiều tỉnh thành khác nhau nên nguy cơ xâm nhập các mầm bệnh và lây lan dịch bệnh rất lớn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên động vật hiện nay vẫn còn xảy ra phức tạp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Do vậy, bên cạnh việc tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi thì công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi có vai trò rất quan trọng, chủ động cắt đứt yếu tố lây truyền của mầm bệnh, góp phần đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch tễ trong quá trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.
Để việc tiêu độc khử trùng đạt được hiệu quả cao nhất thì phải sử dụng thuốc sát trùng có tính chất khử trùng nhanh, mạnh, kéo dài, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh nhưng ít độc hại đối với con người, vật nuôi, môi trường; phải làm sạch đối tượng bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa...) trước khi phun hóa chất khử trùng; pha chế và sử dụng hóa chất khử trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng liều lượng theo quy định. Bên cạnh đó, người thực hiện khử trùng, tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp, khi phun hóa chất khử trùng cần phun xuôi chiều gió; phun từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài; phun đều theo hình chữ Z, lượt sau phun đè lên một phần của lượt trước để thuốc thấm đều lên toàn bộ bề mặt cần được khử trùng.
- Đối với chuồng nuôi: trước hết, cần làm sạch cơ học khu vực chăn nuôi như: tháo dỡ các vật dụng trong chuồng nuôi và xếp gọn ở ngoài để vệ sinh, tiêu độc; thu gom toàn bộ chất thải mang ra ngoài để xử lý; làm sạch bụi, màng nhện trên trần, vách, tường trong và ngoài chuồng nuôi; dùng nước sạch rửa toàn bộ nền, vách, tường, máng ăn, máng uống, diện tích bề mặt chuồng nuôi, đợi 1 giờ cho phân và bụi bẩn bong tróc ra. Sau đó, rửa sạch lại bằng nước với vòi phun áp lực cao và chờ khô (lặp lại bước này ít nhất 2 lần). Tiếp theo, tiến hành phun thuốc sát trùng định kỳ 1 lần/ngày toàn bộ chuồng nuôi, khuôn viên trại, khu vực chứa thức ăn,... với thuốc sát trùng theo liều lượng nhà sản xuất khuyến cáo. Thực hiện liên tục trong 1 tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo; phun dung dịch vôi 1% lên toàn bộ bề mặt chuồng trại: nền chuồng, lối đi, hành lang, cổng trại, đường vào trại; phun thuốc sát trùng lần lượt từ cuối chuồng đến đầu chuồng, bạt trần, hai bên bạt hông và phun nền chuồng.
- Đối với dụng cụ chăn nuôi:
+ Với các dụng cụ chăn nuôi như ủng, lồng úm, cào sủi phân, máng ăn, thanh chắn gỗ, giàn mát... thực hiện lặp lại 2 lần quy trình vệ sinh sau: thu dọn dụng cụ chăn nuôi ra khỏi chuồng, làm sạch cơ học; ngâm dụng cụ trong dung dịch xút 1% ít nhất trong 12 tiếng đồng hồ, sau đó cọ rửa bằng nước sạch; phơi khô dưới ánh nắng mặt trời; beone tiến hành phun thuốc khử trùng toàn bộ bề mặt.
+ Với hệ thống núm uống và hệ thống ống dẫn nước: Lặp lại 2 lần quy trình sau: tháo dỡ toàn bộ hệ thống núm uống và ống dẫn nước; ngâm trong dung dịch xút 1% trong ít nhất 12 tiếng đồng hồ; sau đó làm sạch lòng ống dẫn nước bằng cách xả hết nước trong đường ống, pha thuốc sát trùng để ngâm đường ống này ít nhất 24 tiếng đồng hồ; cuối cùng xả rửa lại bằng nước sạch, phơi khô.
- Đối với phương tiện vận chuyển, thiết bị chuyên dụng: áp dụng các bước thực hiện như sau: thu gom, quét sạch phân, rác, chất thải trong xe; rửa sạch toàn bộ bề mặt xe (thùng xe, bánh xe, gầm xe) bằng nước xà phòng 1%. Sau đó, rửa lại bằng nước sạch với vòi phun áp lực cao và chờ khô. Lặp lại bước này ít nhất 2 lần; phun thuốc sát trùng lượng 80 – 120ml/m2 ướt toàn bộ bề mặt ngoài xe, sàn, trong xe.
Trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay, chuồng trại xây dựng theo đúng quy chuẩn còn ít, người chăn nuôi chủ yếu theo kiểu tận dụng, chưa chú trọng quy hoạch khu chăn nuôi, xử lý phân rác, do đó mầm bệnh thải ra môi trường nhiều. Vì vậy, phun khử trùng tiêu độc là biện pháp quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra và cắt đứt vòng truyền lây mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi cũng như con người, từ đó hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Khoa học kỹ thuật
Add comment