Nguồn: Luật chăn nuôi 2018
Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao cho người tiêu dùng như thịt, sữa, trứng… Tuy nhiên, quá trình chăn nuôi phát sinh chất thải có thể gây ô nhiễm môi trường nếu không được xử lý theo quy định. Tùy theo quy mô chăn nuôi là trang trại hay nông hộ, Luật Chăn nuôi năm 2018 có quy định cụ thể việc xử lý chất thải chăn nuôi khác nhau.
Đối với quy mô chăn nuôi trang trại (cơ sở chăn nuôi có từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên) phải thực hiện theo quy định như sau:
“1. Chất thải chăn nuôi bao gồm chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và chất thải khác.
2. Việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản;
b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng;
c) Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.
3. Việc xử lý nước thải chăn nuôi được quy định như sau:
a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
b) Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng;
c) Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.
4. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.
5. Việc xử lý chất thải khác phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.”
Trong khi đó, chăn nuôi nông hộ (dưới 10 đơn vị vật nuôi) phải đảm bảo các yêu cầu về xử lý chất thải như sau:
“1. Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh;
2. Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.”
Ngoài ra, người chăn nuôi khi sử dụng nước thải cho cây trồng cần phải đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng QCVN 01-195:2022/BNNPTNT (ban hành kèm theo Thông tư số 28/2022/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Nếu người chăn nuôi vi phạm các quy định về xử lý chất thải chăn nuôi sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Cụ thể Điều 30 quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại và Điều 31 quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi có thể bị xử phạt với mức tiền lên đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra có thể bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi
Tuyên truyền
Add comment