Nguồn: nhandan.vn
Thời gian qua, kinh tế trang trại được đánh giá có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại chỗ, kinh tế trang trại còn góp phần không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.
Trang trại sản xuất nông nghiệp tổng hợp của Hợp tác xã Nga Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh ĐẬU HÀ)
Bến Tre là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển kinh tế trang trại, trong đó, thế mạnh là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Hiện những trang trại nuôi tôm không chỉ mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao mà còn góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động ở địa phương.
Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bến Tre cho thấy, hiện toàn tỉnh có 58 trang trại, trong đó 47 trang trại nuôi trồng thủy sản, còn lại là các trang trại trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Nông dân Lê Văn Sấm, ngụ ấp Thạnh Thới B, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết: “Gia đình tôi làm kinh tế trang trại theo kiểu từng bước một. Khi có vốn sẽ đầu tư dần dần từ đất đai, đến máy móc, trang thiết bị để nuôi tôm công nghệ cao. Hiện, trang trại của tôi đang phối hợp với một doanh nghiệp chế biến tôm xây dựng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm), cho nên bán với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi thu hoạch hơn 600 tấn tôm, đem lại lợi nhuận khoảng 30 tỷ đồng”.
Trang trại của ông Sấm trải rộng trên diện tích hơn 40 ha mặt nước và được duy trì theo mô hình trang trại nuôi tôm từ năm 2013 với 7 khu nuôi ứng dụng công nghệ cao như: nhà lưới, máy tạo oxy, phủ bạt đáy ao, cho ăn tự động... Hiện tại, trang trại tạo việc làm ổn định cho 50 lao động tại chỗ và khoảng 60 lao động công nhật với mức lương dao động từ 5 đến 7 triệu đồng/người/ tháng.
Kinh tế trang trại dựa trên lợi thế của địa phương cũng là cách lựa chọn của nhiều nông dân tỉnh Hà Tĩnh. Theo Sở NN và PTNT tỉnh Hà Tĩnh, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 204 trang trại đang hoạt động ổn định. Đây chính là nguồn nội lực quan trọng để các địa phương có được lời giải cho bài toán về thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Ông Lê Mạnh Hùng tại xã Hương Trà, huyện Hương Khê, dành hết vốn liếng để đầu tư 4 ha đất (tại khu quy hoạch) của xã Hương Trà (Hương Khê) và trang trại sản xuất tổng hợp. Không chỉ thành công với mô hình chăn thả gà, lợn, ông Hùng còn sở hữu những vườn dưa lưới, rau sạch và vườn cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP... Mô hình kinh tế trang trại của ông Hùng mỗi năm cho thu nhập hơn 1,6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động cố định với mức lương từ 6-7 triệu đồng/người/ tháng và 10 lao động thời vụ. Nắm chắc cơ hội và có một chiến lược sản xuất bài bản chính là đặc điểm nổi bật của những ông chủ trang trại.
Tuy nhiên, theo ông Sấm - chủ trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng tại tỉnh Bến Tre, ở mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng trang trại khu vực ven biển đang xảy ra tình trạng mỗi người làm một kiểu và hầu như chưa có ai có hệ thống xử lý nước thải, bùn, vỏ tôm sau thu hoạch.
Vì vậy, chủ trang trại như gia đình ông Sấm rất cần những hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn ao nuôi công nghệ cao, tiêu chuẩn khu xử lý như thế nào được coi là đạt tiêu chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường... Thiếu sự thống nhất về tiêu chuẩn ao nuôi, xử lý chất thải trong quá trình nuôi và sau thu hoạch không chỉ là vấn đề nổi cộm tại tỉnh Bến Tre mà đang trở thành những thách thức không nhỏ của hầu hết các địa phương trong cả nước. Nhất là trong bối cảnh hiện tại, nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam tại các hiệp định thương mại tư do đang trở nên khắt khe hơn, buộc người nông dân-chủ trang trại phải thay đổi cách nghĩ, cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường.
Theo Bộ NN và PTNT, để kinh tế trang trại có sự thay đổi cả về lượng và chất, cần có văn bản quy định các chính sách cụ thể hỗ trợ kinh tế trang trại (hiện nay chỉ lồng ghép trong các chính sách cùng các đối tượng khác và nằm tản mạn ở nhiều văn bản nên khó khăn trong triển khai và tiếp cận chính sách) như: về đất đai và xây dựng cơ sở vật chất nói chung, mô hình trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng, chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn; chính sách hỗ trợ trang trại chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất chất lượng an toàn, và hỗ trợ về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và cấp mã vùng trồng…
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, ngoài những ưu đãi về cơ chế, chính sách từ địa phương, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cần tham mưu Bộ NN và PTNT ban hành chính sách cụ thể, về đất đai cần có sự điều chỉnh việc sử dụng đất trong các trang trại theo hướng tăng quy mô bằng cách khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất và liên kết trong sản xuất.
Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vay vốn cho các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, nguồn vốn ưu đãi, linh hoạt về tín dụng để các trang trại khi có nhu cầu sẽ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Tỉnh Hà Tĩnh sẽ quy hoạch kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa, trong đó tập trung vào quy hoạch đất đai, vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chế biến, tiêu thụ nông sản, cơ sở hạ tầng để khai thác lợi thế, tăng cường sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước, giảm thiểu sự phát triển tự phát của trang trại. Tỉnh cũng sẽ xây dựng các mô hình kinh tế trang trại trong nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo điều kiện tự nhiên, kỹ thuật, địa hình canh tác.
Sự vào cuộc một cách đồng bộ từ trung ương đến địa phương sẽ góp phần đưa kinh tế trang trại trở thành một trong những động lực chính trong phát triển kinh tế nông thôn một cách toàn diện. Trong khi chờ chính sách đi vào cuộc sống, các địa phương trong cả nước đã có những cách làm riêng, phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất hiện có nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho trang trại phát triển như:
· Tập trung đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến ngư; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho chủ trang trại thông qua việc đưa các giống cây, con có phẩm chất tốt, chất lượng cao, năng suất khá vào sản xuất;
· Áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản…;
· Hướng dẫn các chủ trang trại thực hiện quản lý chất lượng nông sản đạt các tiêu chuẩn VietGAP…;
· Tăng cường đào tạo, tập huấn cho đội ngũ chủ trang trại về kỹ năng quản trị kinh doanh, thị trường;
· Đào tạo nghề phù hợp cho lao động làm việc ở trang trại, nhất là những lao động kỹ thuật của trang trại;
· Đồng thời, khuyến khích và đẩy mạnh mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bằng việc cung cấp thông tin thị trường, tư vấn định hướng cho các trang trại sản xuất những sản phẩm thị trường cần và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các trang trại trên các sàn thương mại điện tử...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2022, cả nước có 19.660 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ NN và PTNT, trong đó quy mô diện tích đất bình quân 3,69 ha/trang trại, lao động thường xuyên 3-4 lao động/trang trại, giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh 3 tỷ đồng/trang trại; giá trị sản xuất 4,052 tỷ đồng/năm; thu nhập lao động thường xuyên đạt 4,9 triệu đồng/người/tháng.
HÀ TUẤN TRUNG
Kinh tế thành phần | Chuyển đổi số
Add comment