Nguồn: thanhnien.vn
Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, xây dựng ngành nông nghiệp ít phát thải để trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm cho thế giới.
Ngày 18.10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Nông nghiệp Mỹ và Hiệp hội CropLife châu Á tổ chức Diễn đàn ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành nông nghiệp chuyển đổi xanh để phát triển bền vững
Diễn đàn nhằm giới thiệu đến các nhà quản lý, chuyên gia nông nghiệp... về những xu hướng phát triển, tích hợp công nghệ mới, giải pháp sáng tạo hướng tới nền nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo Bộ NN-PTNT, từ một đất nước thiếu lương thực, Việt Nam đã nằm trong nhóm những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Ngành nông nghiệp đóng góp phần quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, những thành tựu trong ngành nông nghiệp có sự đóng góp vô cùng to lớn của KH-CN. Theo ước tính, KH-CN đóng góp khoảng trên 35% vào thành công trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ KH-CN mà tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn duy trì ở mức cao.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu tạo ra 148 giống cây trồng các loại được công nhận. Bộ NN-PTNT công nhận 36 tiến bộ kỹ thuật đưa vào phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng thị trường xuất khẩu lương thực, thực phẩm không ngừng được mở rộng. Để đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu từ thị trường xuất khẩu, Việt Nam định hướng phát triển trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng xanh, ít phát thải và bền vững, thúc đẩy phát triển và ứng dụng KH-CN đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp; nhân rộng mô hình hợp tác công - tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.
"Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới để thực hiện mục tiêu trở thành bếp ăn cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm của thế giới", ông Tiến nói.
Ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp (Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam), khẳng định trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, nhu cầu thực hành nông nghiệp bền vững đang trở nên quan trọng để duy trì, đảm bảo an ninh lương thực.
Đại diện Bộ NN-PTNT và CropLife châu Á ký biên bản hợp tác thúc đẩy ứng dụng KH-CN để phát triển nông nghiệp bền vững
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp tại Mỹ, ông Ralph Bean cho rằng, tiềm năng ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp rất lớn như: nhân giống chính xác, kỹ thuật nguồn gen, tăng vi chất bằng sinh học, tăng cường khả năng kháng bệnh…
Bên cạnh đó, công nghệ sinh học đang là công cụ hữu hiệu để nông nghiệp phát triển các vụ mùa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và có thể khắc phục vấn đề về môi trường, giúp tăng sản lượng lương thực, thực phẩm.
Tại diễn đàn này, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội CropLife châu Á đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác thúc đẩy nghiên cứu phát triển và ứng dụng giải pháp, công nghệ tiên tiến giai đoạn 2023 - 2030.
Theo đó, hai bên sẽ thúc đẩy các hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin, tư vấn chính sách, đào tạo tập huấn, hội thảo khoa học chuyên sâu để cập nhật, khuyến khích ứng dụng các giải pháp, thành tựu của KH-CN và đổi mới sáng tạo tiên tiến trong nông nghiệp. Ngoài ra, chương trình hợp tác sẽ có các hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học mới trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Phan Hậu
Chuyển đổi số
Add comment