1. Dịch tễ học
Bệnh lưỡi xanh (Bluetongue virus - BTV) gây bệnh trên loài nhai lại, bao gồm cừu, trâu, bò, hươu, nai dê và lạc đà. Đây là bệnh truyền nhiễm do vi rút Bluetongue thuộc họ Reoviridae gây ra cho nhiều loài nhai lại bao gồm động vật nuôi và động vật hoang dã. Thú mắc bệnh có thể bị sung huyết nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao ở cừu và hươu. Động vật nhai lại như bò, dê hiếm khi có triệu chứng lâm sàng.
Có 27 týp huyết thanh vi rút Lưỡi xanh được tìm thấy trên toàn thế giới. Trong đó có 9 týp huyết thanh (1, 2, 3, 7, 9, 12, 16, 21 và 23) của vi rút Bluetongue ở khu vực Đông Nam Á và 11 typ huyết thanh ở Trung Quốc (1, 2, 3, 4, 9, 11, 12, 15, 16, 21 và 23) đã được phát hiện.
Gia súc mắc bệnh có đặc điểm sốt cao, phù thũng, lưỡi chuyển màu xanh, tác nhân truyền bệnh là do côn trùng, đặc biệt là loài muỗi vằn có tên là Culicoides imicola, hoặc có thể do tiêm truyền qua máu, tinh dịch. Tuy không gây nguy hiểm cho người, nhưng loại vi rút này lây lan rất nhanh trong gia súc và gây tỷ lệ tử vong cao. Tỷ lệ mắc bệnh ở cừu có thể đạt 100 % với tỷ lệ tử vong từ 0 % đến 30 % hoặc có thể lên đến 70 % ở các giống nhạy cảm; BTV thường nghiêm trọng trên hươu đuôi trắng và linh dương (gạt, sừng có nhiều nhánh) với tỷ lệ mắc bệnh 100 % và tỷ lệ tử vong có thể đạt tới 90 %. Nhiều trâu, bò nhiễm BTV serotype 8 ở châu Âu với tỷ lệ nhiễm 5 %, nhưng hiếm khi chết tỷ lệ tử vong dưới 1 %.
2. Các yếu tố truyền lây và cách sinh bệnh
Tác nhân truyền bệnh là muỗi, côn trùng, đặc biệt là loài muỗi vằn nhỏ có tên là Culicoides imicola. Virus được mang đến hạch lâm ba gần đó và nhân lên đầu tiên ở đó trước khi phân bố virus đi khắp cơ thể. Sau đó virus nhân lên tiếp tục trong lách, phổi, tủy xương và các hạch lâm ba khác. Virus đạt đỉnh cao nhất 2-3 tuần sau khi đi vào cơ thể. Sau khi mắc bệnh, thời gian kéo dài và mức trầm trọng tùy thuộc vào chủng virus BTV.
Thời gian ủ bệnh: Ở cừu, thời gian ủ bệnh thường là 5 đến 10 ngày; ở trâu, bò giai đoạn virus huyết sau 4 ngày bị nhiễm, nhưng hiếm khi có triệu chứng.
Vòng truyền lây của bệnh lưỡi xanh qua cừu
3. Triệu chứng và bệnh tích
Ở cừu: các dấu hiệu lâm sàng có thể bao gồm: Sốt cao, chảy nước mắt và mũi, chảy nước dãi do loét miệng; sưng miệng, đầu và cổ; đi khập khiễng do viêm ở chỗ tiếp nối da và vành móng; khó thở; sẩy thai.
Ca lâm sàng ban đầu của BTV có biểu hiện ủ rũ; Mặt và tai bị sưng tấy, cừu thường có vẻ cứng đờ và không muốn cử động
Phù mặt, chảy nước mũi và trầy xước ở cừu bị nhiễm BTV
Tổn thương bàn chân điển hình ở cừu nhiễm BTV bao gồm viêm vành và viêm toàn bộ vùng móng nhưng không hình thành mụn nước
- Ở trâu, bò: thường là thay đổi bạch cầu tổng số và biến động nhiệt độ trực tràng. Hiếm khi trâu, bò bị sung huyết, nổi mụn nước hoặc loét miệng; sung huyết quanh vành móng, tăng mẫn cảm hoặc nổi mụn nước và viêm loét đại tràng. Da hình thành các nếp gấp dày. Lỗ mũi bị loét và chứa dịch tiết. Vô sinh tạm thời có thể thấy ở bò đực. Các bò cái bị nhiễm, sinh bê con bị não nước hoặc liệt não. Triệu chứng lâm sàng có thể trở nên nghiêm trọng ở móng sau khi nhiễm vài tuần, như là xúc móng bởi móng chân bị thối. Các dấu hiệu cận lâm sàng trên dê bị nhiễm thường tương tự như trên trâu, bò.
Chảy nước mắt nhưng không có tổn thương mắt rõ ràng; có vết sưng ở mặt
4. Chẩn đoán
Thu thập mẫu: Mẫu máu (dùng cho phân lập) và mẫu huyết thanh nên được thu từ những con thú có sốt, càng sớm càng tốt sau khi nhiễm. Mẫu máu được thu vào ống có chất kháng đông. Lách, tủy xương hoặc cả hai nên được lựa chọn trong mổ khám. Mẫu máu và huyết thanh nên được thu từ những con cừu bị bệnh bẩm sinh. Mẫu bệnh phẩm: lách, phổi và mô não. Tất cả các mẫu nên vận chuyển lạnh nhưng không đông đá và gởi đến phòng thí nghiệm càng sớm càng tốt.
Kiểm soát bệnh: Bệnh lây truyền qua côn trùng, không lây qua tiếp xúc thông thường. Thuốc khử trùng không thể ngăn chặn sự lây truyền virus. Tuy nhiên, sodium hypochlorite hoặc 3% sodium hydroxide thì có hiệu quả. Kiểm soát côn trùng rất quan trọng trong việc hạn chế sự lây lan của căn bệnh này; Chuyển động vật vào chuồng vào buổi tối cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh.
Ở những nước có Bệnh Lưỡi xanh hiện hữu thì vaccine được sử dụng để kiểm soát. Ở các nước như Mỹ, có vaccine nhược độc đặc hiệu theo từng dòng virus. Vaccine sống đa giá cũng được bán ở Nam Phi. Trong mùa vector phát triển mạnh, virus trong vaccine nhược độc có thể lây truyền cho những con thú không tiêm vaccine và có thể kết hợp với các chủng tự nhiên, kết quả tạo ra chủng virus mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Khoa học kỹ thuật
Add comment