Nguồn: tuoitre.vn
Thực tế kiểm tra tại các địa phương cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến dịch tả heo châu Phi lây lan, kéo dài là do các địa phương chậm công bố dịch, không lập chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, thậm chí để vứt heo chết ra suối...
Xác heo chết mắc lại cùng rác thải trên kênh Đào qua huyện Yên Thành, Nghệ An (ảnh chụp cuối tháng 10-2023) - Ảnh: DOÃN HÒA
Thông tin với Tuổi Trẻ Online ngày 9-12, ông Nguyễn Văn Long - cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết từ tháng 11 đến nay, đơn vị đã thành lập hơn 20 đoàn công tác tới từng địa phương để hướng dẫn, phối hợp, đôn đốc triển khai phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi.
Nhiều nơi không lập chốt kiểm soát ra vào vùng dịch
Dù đã có rất nhiều chỉ đạo của Thủ tướng, phó thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng kiểm tra thực tế cho thấy địa phương nào cũng còn rất nhiều tồn tại, bất cập.
Cụ thể, tại các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình... còn lơ là, chưa tổ chức chống dịch theo quy định, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng. Chưa báo cáo kịp thời, đầy đủ số liệu dịch bệnh theo quy định.
Đơn cử, UBND huyện Krông Bông (Đắk Lắk), huyện Yên Thủy (Hòa Bình) ra quyết định công bố dịch bệnh rất chậm, không đặt biển báo, đặt trạm/chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, phun thuốc, sát trùng, vận chuyển, xử lý tiêu hủy heo bệnh.
Tại huyện Yên Thủy (Hòa Bình) thậm chí còn có tình trạng heo chết bị người dân vứt ra suối, chân núi, gây ô nhiễm môi trường, ổ dịch kéo dài không được xử lý triệt để gây phát tán mầm bệnh... dẫn đến dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng.
"Việc tổ chức chống dịch, tiêu hủy heo bệnh và xử lý chất thải tại các ổ dịch gặp rất nhiều khó khăn, không có đủ lực lượng thú y, thiếu kinh phí mua hóa chất, vôi bột, thuê phương tiện, không có đủ kinh phí hỗ trợ cho người tham gia xử lý heo bệnh.
Hệ thống thú y cơ sở, cấp huyện bị đứt gãy, hoạt động không hiệu lực, không hiệu quả, dẫn đến dịch bệnh lây lan, chưa được kiểm soát,..." - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra các tồn tại, bất cập.
Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh tả heo châu Phi lây lan, dây dưa, kéo dài trong thời gian qua ở nhiều địa phương.
Đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch
Trước những tồn tại trên, ông Long cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo Thủ tướng. Đồng thời ban hành nhiều văn bản, gửi riêng tới từng tỉnh đề nghị chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Trong đó, yêu cầu các tỉnh công bố dịch và tổ chức chống dịch theo đúng quy định; kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan không kịp thời tham mưu, chỉ đạo, triển khai chống dịch theo đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Tập trung nguồn lực của địa phương, kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới...
Mới đây nhất, ngày 6-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành chỉ thị số 29 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
Trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi, cần đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi trên đàn heo thịt.
Đến hết tháng 11, cả nước đã xảy ra 661 ổ dịch tại 45 tỉnh thành, buộc tiêu hủy 28.000 con heo. Hiện cả nước có 171 xã của 28 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Dù giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng từ tháng 8 trở lại đây, dịch bệnh tả heo châu Phi có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Trầm trọng và dai dẳng nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Đắk Lắk, Tiền Giang...
Chí Tuệ
Tin tức hoạt động
Add comment