Nguồn: nongnghiep.vn
Việt Nam là một trong những quốc gia chủ động nhất tại khu vực trong quản lý rủi ro dịch bệnh lây truyền và dịch bệnh mới nổi.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) và ông Oemar Idoe, Trưởng khối các Dự án về Môi trường, biến đổi khí hậu và Nông nghiệp, GIZ Việt Nam chủ trì hội thảo. Ảnh: Diệu Linh.
Ngày 19/12, Bộ NN-PTNT qua Ban Thư ký Đối tác Một Sức khỏe đã phối hợp với Tổ chức Phát triển Quốc tế Đức (GIZ) chủ trì Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức về phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe, nhằm giảm thiểu rủi ro bệnh lây truyền từ động vật sang con người xuất phát từ hoạt động nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) và tổng kết dự án "Giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại ĐVHD ở Việt Nam".
Theo thông tin từ dự án, Việt Nam là một trong những điểm nóng toàn cầu về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người; đồng thời cũng là một trong những quốc gia chủ động nhất tại khu vực trong quản lý rủi ro dịch bệnh lây truyền và dịch bệnh mới nổi, đặc biệt là dịch bệnh từ động vật sang người.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 8.600 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi.
Để tăng cường nỗ lực của Chính phủ trong đảm bảo an ninh sinh học tại các trang trại gây nuôi ĐVHD, nhiều khuyến nghị chính sách và hướng dẫn kỹ thuật đã được xây dựng và sẵn sàng thực hiện.
Đây chính là kết quả của Dự án "Giảm thiểu rủi ro sức khỏe phát sinh từ thương mại ĐVHD ở Việt Nam" giữa CHLB Đức và Việt Nam.
Đây là một phần của dự án toàn cầu hỗ trợ “Liên minh quốc tế chống lại rủi ro về sức khỏe trong thương mại động vật hoang dã” do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) ủy quyền và được Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hòa Liên bang Đức (BMUV) hỗ trợ.
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 8.600 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã với 2,5 triệu cá thể, 300 loài được nuôi. Ảnh: DL.
Hội thảo tóm tắt kết quả sau 1,5 năm triển khai, bao gồm 3 mục tiêu chính: nghiên cứu cơ sở thực tiễn, rà soát chính sách, và tham vấn chính sách nhằm củng cố quản lý hoạt động nuôi ĐVHD để giảm rủi ro bệnh lây truyền từ ĐVHD sang con người.
Dự án đã phổ biến kiến thức về phương pháp tiếp cận Một Sức khỏe, đồng thời đề xuất cải thiện chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật cho nuôi ĐVHD thương mại ở Việt Nam.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đánh giá Dự án quy mô nhỏ nhưng đã có hiệu quả trong mục tiêu giảm rủi ro sức khỏe từ thương mại ĐVHD ở Việt Nam.
Ngoài ra, Dự án đã hỗ trợ sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định 84/2021/NĐ-CP về quản lý loài động, thực vật rừng nguy cấp và thực hiện Công ước quốc tế về thương mại loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Các đề xuất từ Dự án sẽ được Bộ NN-PTNT hoàn thiện để thông qua vào năm 2024.
Kết quả đã được chia sẻ rộng rãi, mở ra nhiều nhiệm vụ mới đòi hỏi sự hợp tác của nhà nước, chính phủ, các cơ quan, đoàn thể và đối tác quốc tế.
Để lồng ghép biện pháp an ninh sinh học vào khung pháp lý, Dự án đề xuất sửa đổi các nghị định hiện hành và tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức về rủi ro từ hoạt động nuôi ĐVHD.
Ông Oemar Idoe, Trưởng khối các Dự án về Môi trường, biến đổi khí hậu và Nông nghiệp, GIZ Việt Nam nhận định, gói quốc gia tại Việt Nam do GIZ và Ban thư ký Đối tác Một Sức khỏe thực hiện đã đạt được mục tiêu góp phần củng cố khung chính sách và tiêu chuẩn kỹ thuật cho các trang trại nuôi động vật hoang dã thương mại.
"Những khuyến nghị bao gồm việc xây dựng và áp dụng nghiêm ngặt các yêu cầu đối với hoạt động chăn nuôi động vật hoang dã, chẳng hạn như xác định các tiêu chí và theo dõi các thủ tục đối với các biện pháp và phân loại ĐVHD có nguy cơ lây nhiễm cao.
Hiện đã có danh sách các biện pháp an toàn sinh học cụ thể dựa trên thông lệ quốc tế tốt nhất. Những biện pháp tóm tắt này hiện có thể được sử dụng làm hướng dẫn và hướng dẫn kỹ thuật", đại diện GIZ thông tin.
Chia sẻ về kết quả nổi bật của dự án, bà Anja Barth, Cố vấn trưởng Dự án, GIZ, cho biết dự án có sự liên quan đến khuyến nghị chính sách và các giải pháp an toàn sinh học.
Với trọng tâm của dự án nhằm củng cố chính sách cũng như là đưa ra những đề xuất để sửa đổi các nội dung liên quan đến chính sách, phổ biến các biện pháp về an toàn sinh học cho cán bộ kỹ thuật cũng như các chủ trang trại nuôi cấy.
Cuối cùng là giảm thiểu những rủi ro liên quan các cơ sở gây nuôi, quần thể của các loài động vật hoang dã trong môi trường này, từ đó đề xuất các biện pháp an toàn sinh học cụ thể với từng loài cụ thể hoặc dựa trên các biện pháp an toàn sinh học đã có, tăng cường phổ biến áp dụng trong gây nuôi ĐVHD.
Chuyên gia GIZ cho rằng Việt Nam đã có khuyến nghị và chính sách rõ ràng về giảm thiểu rủi ro về sức khỏe ĐVHD gây nuôi song cần làm thể nào để phổ biến và đưa chính sách vào thực tiễn.
“Với những thay đổi của Nghị định 06 và Nghị định 84 cũng như với tiến trình sửa đổi Luật Thú y trong thời gian tới, chúng tôi mong rằng Việt Nam có thể đưa ra những quy định, hướng dẫn cụ thể để giảm thiểu rủi ro về sức khỏe trong gây nuôi động vật hoang dã”, bà Anja cho biết.
Linh Linh
Tin tức hoạt động
Add comment