Nguồn: nhachannuoi.vn
Trong khoảng 5 năm gần đây, Ngành chăn nuôi đã đạt được tốc độ tăng trưởng bình quân cao từ 4,5 – 6%/năm, trong đó, tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng trưởng trung bình 2,7%/năm; sản lượng trứng tăng 7,1%/năm và sản lượng sữa tươi nguyên liệu tăng 4,5%/năm. Năm 2023, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi tăng trưởng ước đạt 5,72%, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp.
Cơ cấu sản phẩm chăn nuôi, thịt lợn đóng góp phần vô cùng quan trọng. Trong giai đoạn 2019 – 2023, cơ cấu thịt lợn chiếm tới 61,7 – 64,6%, thịt gia cầm chiếm 26,3 – 29,6%, còn lại là thịt trâu, bò, dê, cừu chiếm 8,4 – 9,2% so tổng sản lượng thịt các loại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê và báo cáo của các địa phương năm 2022, cơ cấu giống lợn: lợn nái sinh sản cả nước có khoảng 3,0 triệu con (chiếm 10,4% so với tổng đàn lợn), trong đó đàn cụ kỵ, ông bà (nái cụ kỵ chiếm 15% và nái ông bà chiếm 85%) đạt 137 nghìn con (chiếm 4,5% tổng đàn). Để phối giống cho đàn lợn nái, cả nước có 74,9 nghìn con lợn đực giống, trong đó số lợn đực sản xuất tinh để phối giống nhân tạo là 39,7 nghìn con (chiếm 53%) và đàn lợn đực giống phối trực tiếp là 35,2 nghìn con (chiếm 47%), đàn lợn đực phối trực tiếp chủ yếu được nuôi trong dân ở những nơi mà phối giống nhân tạo khó thực hiện. Từ đàn giống trên đã sản xuất ra tổng số đầu lợn thịt xuất chuồng đạt 50,9 triệu con năm 2022.
Về khả năng sản xuất, cung ứng giống lợn: theo số liệu tổng hợp khảo sát thực tế và báo cáo từ các địa phương năm 2023, cả nước có tổng số 224 cơ sở chăn nuôi lợn nái cụ kỵ, ông bà với tổng đàn nái là 120.391 con (chiếm 4,4% tổng đàn nái cả nước); trong đó có 63 cơ sở chăn nuôi lợn giống cấp cụ kỵ (bao gồm 22 cơ sở chỉ nuôi lợn giống cấp cụ kỵ và 41 cơ sở vừa nuôi lợn giống cấp cụ kỵ vừa nuôi cấp ông bà) với tổng đàn nái cụ kỵ là 26.734 con (chiếm 22,2% tổng đàn nái cụ kỵ, ông bà) và 161 cơ sở chăn nuôi lợn giống cấp ông bà với tổng đàn là 96.657 con (chiếm 77,8% tổng đàn nái cụ kỵ, ông bà). Đàn lợn nái cụ kỵ, ông bà gồm các giống nhập ngoại chiếm hơn 80% và nái lai chiếm tỷ lệ gần 20% tổng đàn. Hằng năm đàn lợn nái cụ kỵ, ông bà được thay thế bình quân từ 25-35%/năm. Có 3 loại hình sở hữu đối với các cơ sở nuôi lợn giống cấp cụ kỵ, ông bà là Nhà nước, vốn đầu tư FDI và tư nhân, cụ thể số cơ sở chăn nuôi lợn cụ kỵ, ông bà với hình thức sở hữu nhà nước chiếm khoảng 8%, hình thức sở hữu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI chiếm khoảng 19% và hình thức sở hữu tư nhân (gồm các doanh nghiệp trong nước và chủ trại chăn nuôi) chiếm khoảng 73%.
Đàn lợn giống cấp cụ kỵ, ông bà được phân bố chủ yếu tập trung vào những vùng, khu vực có chăn nuôi lợn phát triển như vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ & Duyên hải miền Trung, Trung du & miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà tập trung nhiều nhất là vùng Đông nam Bộ (69.266 con, chiếm 57,33 %), Bắc Trung Bộ & Duyên hải miền Trung (20.934 con, chiếm 17,39 %), tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc (16.729 con, chiếm 13,90 %), Đồng bằng sông Hồng (7.994 con, chiếm 6,64 %), vùng Tây Nguyên (5.432 con, chiếm 4,51 %) và thấp nhất là và Đồng bằng sông Cửu Long (36 con, chiếm 0,03 %).
Trong chăn nuôi thì công tác giống đóng vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Công tác quản lý giống vật nuôi đã được quy định trong Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Chăn nuôi và một số văn bản khác như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Hệ thống giống lợn quản lý cơ bản theo mô hình tháp giống. Hệ thống giống 3 cấp hình tháp trong chăn nuôi lợn là mô hình phân cấp theo mức độ di truyền đã tạo ra hiệu quả cao trong việc cải tiến giống, gia tăng năng suất, quản lý dễ dàng, hiệu quả kinh tế lớn. Lợn giống cấp cụ kỵ (GGP) và cấp ông bà (GP) có vai trò hết sức quan trọng để sản xuất ra đàn lợn giống cấp bố mẹ (PS) để sản xuất ra đàn lợn con thương phẩm được nuôi đến khi giết mổ, cung cấp cho chăn nuôi lợn thịt có năng suất và chất lượng cao. Việt Nam đã và đang sở hữu các bộ giống lợn cấp GGP, GP được nhập từ nước ngoài về có chất lượng cao, được cách ly nghiêm ngặt, chăn nuôi trong điều kiện đảm bảo an toàn sinh học nhằm cung cấp cho thị trường nguồn con giống hậu bị có chất lượng, sạch bệnh. Việc chăn nuôi lợn giống cấp GGP, GP tại các trại giống đã góp phần cải thiện năng suất và chất lượng đàn lợn giống tại các địa phương, đặc biệt đối với các doanh nghiệp làm tốt công tác quản lý giống đã làm tăng uy tín và sức cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất ra trên thị trường, tạo thương hiệu riêng đối với các sản phẩm được sản xuất theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các tập đoàn, doanh nghiệp đã tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến về con giống, trang thiết bị, khoa học và công nghệ của các nước có nền chăn nuôi lợn tiên tiến như Đan Mạch, Pháp, Mỹ, Canada,… để đưa vào áp dụng trong sản xuất chăn nuôi tại Việt Nam.
Qua khảo sát thực tế tại một số địa phương, đối với sản xuất, chăn nuôi đàn lợn giống cấp GGP, GP vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định, cụ thể: (1) Mức đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống, ứng dụng khoa học công nghệ vận hành trong chăn nuôi lợn cấp GGP, GP rất lớn; trong khi đó điều kiện kinh tế của các hộ chăn nuôi còn hạn chế nên chỉ những tập đoàn, doanh nghiệp, công ty có tiềm lực về kinh tế, liên kết sản xuất theo chuỗi mới triển khai thực hiện được. Đối với các cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lợn giống cấp GGP, GP có chất lượng cao; đồng thời đầu ra sản phẩm là đàn lợn cấp bố mẹ gặp nhiều khó khăn do giá thành sản xuất, chi phí quản lý chăm sóc nuôi dưỡng cao; (2) Các cơ sở chăn nuôi lợn giống GGP, GP do nhà nước quản lý có cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng được với yêu cầu chọn tạo và nhân giống giống lợn hiện đại, chất lượng cao; (3) Việc nhập khẩu con giống GGP, GP từ nước ngoài mất nhiều thời gian làm thủ tục, chi phí cao; đối với các cơ sở chăn nuôi tư nhân (hộ gia đình) nếu muốn nhập giống phải mua lại từ các doanh nghiệp dẫn tới việc cạnh tranh về giá cả con giống khi đưa con giống ra thị trường; (4) Theo Luật Chăn nuôi, tại các trại chăn nuôi giống GGP, GP phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học do đó một số cơ sở chăn nuôi tư nhân chưa đáp ứng được điều kiện này; (5) Chi phí cho sản xuất chăn nuôi ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh vẫn ở mức cao; đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn lợn như Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, bệnh tai xanh … vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát. Những tồn tại nêu trên đã khiến một số lượng nhất định tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư trong chăn nuôi lợn giống cấp GGP, GP; (6) Chăn nuôi trang trại có lượng xả thải lớn, mặc dù các cơ sở chăn nuôi đã áp dụng các biện pháp xử lý môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, tuy nhiên công suất của các công trình biogas chưa được xử lý triệt để dẫn đến tình trạng xả thải ra môi trường chưa đáp ứng yêu cầu về xả thải theo quy định của phát luật về môi trường, về chăn nuôi; (7) Một số địa phương chưa thực hiện tốt việc kê khai chăn nuôi chăn nuôi lợn nói chung và chăn nuôi lợn cấp giống GGP, GP nói riêng, còn có hiện tượng các cơ sở chăn nuôi sản xuất con giống chưa thực hiện nghĩa vụ kê khai chăn nuôi theo quy định gây khó khăn trong việc theo dõi, cập nhật số lượng đàn giống vật nuôi; (8) Một số địa phương còn thiếu cơ sở sản xuất giống lợn GGP, GP, chưa chủ động được nguồn cung con giống đảm bảo chất lượng tại địa phương; (9) Chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân để phát triển chăn nuôi lợn giống cấp GGP, GP còn thiếu cả ở trung ương và địa phương.
Để phát triển bền vững chăn nuôi lợn trong thời gian tới, đặc biệt đối với đàn lợn giống cấp GGP, GP trong phạm vi cả nước, các địa phương đã có những kiến nghị cụ thể đối với cơ quan quản lý tại Trung ương như: (1) Có chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư, ưu đãi tín dụng cho chăn nuôi lợn giống GGP, GP; (2) Khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu phát triển và chuyển giao giống lợn chất lượng cao, công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi tiên tiến; (3) Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giống vật nuôi; (4) Tăng cường hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý giống lợn; (5) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi; (6) Khôi phục, nâng cấp hoặc xây mới Trung tâm giống vật nuôi tại các địa phương theo hướng xã hội hóa; (7) Rà soát, sửa đổi, ban hành các tiêu chuẩn/quy chuẩn đối với lĩnh vực giống vật nuôi cho phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn của Ngành chăn nuôi./.
TS. Nguyễn Văn Hậu – Cục Chăn nuôi
Nguồn: Cục Chăn nuôi
Khoa học kỹ thuật
Add comment