Nguồn: nhachannuoi.vn
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể làm trứng bẩn, chìa khóa để giữ trứng sạch là cho gà đẻ ăn đúng chế độ dinh dưỡng để có sức khỏe đường ruột tốt.
Vỏ trứng sạch có thể dễ dàng có được thông qua việc quản lý dinh dưỡng cho gà mái đẻ và tăng cường sức khỏe đường ruột. Lựa chọn một khẩu phần ăn đúng là rất quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Để tỷ lệ trứng bẩn ở mức tối thiểu thì điều quan trọng là phải xác định và giảm được các yếu tố kháng dưỡng, độc tố hoặc tạp chất có trong thức ăn, có thể dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng, bệnh đường ruột hay làm giảm sức khỏe tổng thể của gia cầm.
Quản lý chất xơ
Số lượng và loại chất xơ trong khẩu phần ăn sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột.
Xơ hòa tan – một ví dụ – rất khó tiêu hóa do hàm lượng polysacaride phi tinh bột (NSP) cao. NSP có thể làm tăng độ nhớt đường ruột và giữ một lượng nước lớn dẫn tới tăng lượng nước bài tiết, làm phân ướt và làm trứng bẩn.
Lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì hoặc triticale (tiểu hắc mạch) đều có hàm lượng NSP cao hơn cao lương hoặc ngô. Tuy nhiên, khi sử dụng nguyên liệu chứa hàm lượng cao chất xơ NSP, có thể dùng enzyme, ví dụ -glucanase và xylanase, để cải thiện giá trị dịnh dưỡng của khẩu phần và giúp khắc phục tình trạng phân ướt hoặc bám dính.
Xơ không tan cũng có những lợi ích đã được chứng minh vì có tác dụng tăng nhu động ruột, tăng cường khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe đường ruột. Do đó, các thành phần xơ có khả năng hấp thụ nước cao nên được sử dụng vào thức ăn.
Kích thước hạt ảnh hưởng tới năng suất
Việc cho ăn thức ăn với kích thước lớn hơn được cho là có lợi cho đàn gà lớn vì khi đó dạ dày cơ của chúng hoàn thiện và đường ruột cũng dài hơn. Thời gian lưu trữ thức ăn cũng làm giảm độ pH và có tác dụng diệt khuẩn. Kích thước hạt lớn hơn có thời gian vận chuyển lâu hơn qua ruột, giúp cải thiện chiều dài của lông nhung và tăng diện tích bề mặt hấp thụ trong ruột, cải thiện đường tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
Kiểm soát lượng protein ăn vào
Phải cân nhắc hàm lượng protein vì bất kỳ sự dư thừa nào đều dẫn đến sự tăng bài tiết nitơ, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của gia cầm và môi trường.
Phần acid amin và acid amin phi nitơ không tiêu hóa được sẽ đóng vai trò chất nền, tạo điều kiện cho các vi khuẩn tiết ra độc tố. Trong một số trường hợp, rối loạn này có thể dẫn đến viêm ruột hoại tử.
Một điều quan trọng là việc xác định các amin sinh học (BA) trong các thành phần thức ăn, chẳng hạn như bột cá hoặc sản phẩm phụ của động vật, điều này giúp đánh giá chất lượng và mức độ hư hỏng của nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất thức ăn. Ngoài ra, cần tìm hiểu ảnh hưởng giữa hàm lượng BA và lượng vi khuẩn trong thức ăn.
Có nên sử dụng probiotic?
Vi khuẩn có lợi là một phần của môi trường đường ruột. Probiotic đã được biết tới là có ảnh hưởng tích cực đến hệ vi sinh vật đường ruột.
Probiotic là các vi sinh vật sống có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, cải thiện năng suất và sức khỏe của gia cầm thông qua sự kết hợp của các cơ chế hoạt động khác nhau.
Ruột không chỉ là cơ quan chính để tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, nó còn hoạt động như một cơ quan bảo vệ đầu tiên đối với mầm bệnh ngoại sinh. Khi chức năng đường ruột bị ảnh hưởng bởi mầm bệnh, không chỉ có phản ứng miễn dịch thay đổi mà còn tác động tới tốc độ di chuyển của thức ăn, tiêu hóa, bài tiết chất nhầy và tăng tốc độ quay vòng của biểu mô ruột.
Khi lượng thức ăn giảm sẽ dẫn đến việc sử dụng dinh dưỡng cho nhu cầu duy trì cao hơn so với việc tăng cường hệ thống miễn dịch. Năng lượng và chất dinh dưỡng cung cấp để đáp ứng miễn dịch không đủ để chống lại bệnh tật, do hệ sinh thái vi khuẩn bị xáo trộn, giảm hấp thu và tiêu hóa chất dinh dưỡng (tăng tỷ lệ chuyển hóa thức ăn), ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch và do đó gây ra viêm ruột và giảm năng suất.
Trứng bẩn có thể là một chỉ số về sức khỏe đường ruột và phúc lợi đàn gia cầm
Vấn đề nhiều khía cạnh
Vấn đề trứng bẩn là nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, ở một mức độ rộng hơn, vấn đề này có thể được cải thiện bằng cách sử dụng các loại ngũ cốc chứa hàm lượng NSP thấp hoặc bổ sung enzyme phân giải NSP trong khẩu phần; tăng sử dụng chất xơ không hòa tan; sử dụng khẩu phần có hàm lượng protein thấp với tỷ lệ acid amin lý tưởng và hạn chế sử dụng các phụ phẩm của động vật để giảm thiểu hàm lượng amin sinh học cao.
Cuối cùng, việc bổ sung probiotic có thể cân bằng môi trường ruột bằng cách loại trừ mầm bệnh và hỗ trợ các cơ quan quan trọng trong gà mái, giúp tăng năng suất và giúp đảm bảo trứng sạch.
Nguồn: Carlos de la Cruz l – Evonik
Khoa học kỹ thuật
Add comment