Nguồn: nhachannuoi.vn
Tăng protein, amino acid và các nguyên liệu vi lượng khác đã mang lại hiệu quả tích cực. Gà chậm mọc lông là do thiếu các dưỡng chất thiết yếu.
Bộ lông ở gà thịt, gà giống và màu chân ở gà mái luôn là chủ đề được quan tâm trong nhiều thập kỉ qua. Trong vài năm trở lại đây, vấn đề lông ở gà giống đã được quan tâm hơn khi ở giai đoạn sản xuất, việc rụng lông xuất hiện ở 45 tuần tuổi, trước 8 đến 10 tuần so với cách chăn nuôi truyền thống. Trước đó, lông có vẻ khô, giòn và dễ gãy. Các vấn đề về lông có thể liên quan tới chất lượng lông kém, lông bị tổn thương hoặc do cả hai yếu tố.
Lông kém có liên quan tới việc giao phối muộn khi đẻ (do da trần của gà mái bị gà trống cào) và khả năng chịu lạnh kém hơn do lớp lông che phủ giảm. Nếu lớp lông che phủ kém trong những tháng mùa đông kết hợp với việc không tăng khẩu phần ăn đôi khi sẽ dẫn tới năng suất giảm.
PROTEIN CÓ LỢI CHO SỰ PHÁT TRIỂN LÔNG Ở GÀ HẬU BỊ.
Do sự thay lông và mọc lông gần như liên tục trong giai đoạn đẻ trứng ở gà hậu bị nên chế độ dinh dưỡng phải tối ưu để lông có thể phát triển bình thường.
Kiểm soát tốt khối lượng cơ thể là chìa khóa của vấn đề này. Nếu khối lượng gà hậu bị vượt quá đường cong tăng trưởng trong giai đoạn phát triển và phải sử dụng các biện pháp giảm lượng ăn để giảm sự tăng trưởng thì khi đó chất lượng lông có thể bị ảnh hưởng. Một lần nữa, việc chú ý theo dõi đường cong tăng trưởng ở gà hậu bị và khi đưa gà vào sản xuất có thể giúp giảm thiểu các vấn đề về lông trong giai đoạn đẻ. Một nghiên cứu được thực hiện ở Đại Học Auburn, khi sử dụng mức protein khác nhau ở gà hậu bị cho đến 6 tuần tuổi, cho thấy sự khác biệt đáng chú ý về khả năng mọc lông ở 10 tuần tuổi.
Thức ăn khởi động của gà hậu bị có khoảng 19 đến 20% protein thô, thường được sử dụng trong bốn tuần tuổi đầu nhưng nếu kéo dài thời gian cho ăn thức ăn khởi động tới 6 tuần tuổi có thể giúp tăng được lượng protein ăn vào sớm và tăng cường sự sớm phát triển của lông. Mặc dù những con gà hậu bị có ba lần thay lông trước khi đạt sản lượng trứng cao nhất, nhưng khi dinh dưỡng giai đoạn đầu tốt giúp tăng cường chất lượng lông vẫn có thể được đưa vào chuồng đẻ.
CÁC PHƯƠNG PHÁP TIỆM CẬN TỪ DINH DƯỠNG
Lông có cấu tạo chủ yếu từ protein, và các công ty chăn nuôi gia cầm đã thực hiện một số thay đổi để tăng lượng acid amin mà gà mái cần để tối đa hóa sự phát triển lông hoặc tăng các khoáng vi lượng hoặc vitamin có liên quan tới việc tạo ra protein ở lông.
Acid amin
Mặc dù methionine và cystine là những thành phần quan trọng của lông nhưng methionine là thành phần duy nhất mà chúng ta có thể dễ dàng bổ sung vào khẩu phần ăn của gia cầm. Các công ty chăn nuôi gia cầm thịt đã tăng lượng methionine trong thức ăn gà giống của họ bằng cách tăng tổng tỷ lệ acid amin chứa lưu huỳnh (TSAA) – so với lysine trong giai đoạn hậu bị và đẻ. Trong nhiều trường hợp, tỷ lệ TSAA tiêu hóa trên lysine tiêu hóa là xấp xỉ 100 đến 105% để kích thích sự phát triển lông. Trong khi methionine và cystine nhận được nhiều sự quan tâm tới quá trình tạo lông thì các acid amin khác không nên bị bỏ qua vì chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo lông. Các acid amin chuỗi nhánh (valine, isoleucine và leucine) và arginine có hàm lượng tương đối cao trong protein ở lông. Một số chuyên gia dinh dưỡng đặt mức tối thiểu cho các dinh dưỡng này, trong khi một số khác đặt mức protein tối thiểu để bảo đảm hơn.
Tăng hàm lượng vitamin B (pyridoxine, biotin) giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của lông và tăng tính khả dụng của vitamin. Các chuyên gia dinh dưỡng của các công ty gia cầm khác đã tăng lượng acid folic bổ sung vào khẩu phần thức ăn vì acid folic tham gia vào quá trình sinh hóa giúp chuyển hóa methionine thành cysteine. Cysteine là thành phần đặc biệt quan trọng trong lông, nhưng rất khó để tăng hàm lượng cysteine trong thức ăn thông qua các nguyên liệu có sẵn. Vì lý do này, tất cả các cách thức giúp tăng việc sử dụng methionine trong thức ăn để cải thiện lông được tối ưu hóa. Ngoài ra, thiếu chất xơ trong khẩu phần có thể gây ra hiện tượng mổ và ăn lông của nhau.
Khoáng chất
Dinh dưỡng khoáng cũng có thể giúp cải thiện lông, và nhiều công ty gia cầm đã tăng hàm lượng khoáng vi lượng. Những công ty khác chọn nguồn kẽm, đồng và selen dễ tiêu hóa hơn như các nguồn hữu cơ, vì các khoáng hữu cơ đã được chứng minh là có khả năng tăng cường hấp thu. Lông từ những con gà hậu bị và những con gà giống bị stress thường cho thấy những đường stress (những dải yếu chạy theo chiều ngang của lông) do thiếu kẽm tạm thời vì nhu cầu kẽm tăng trong khoảng thời gian stress. Các đường stress này yếu hơn phần còn lại của lông và có thể đứt gãy tại vị trí đó. Nghiên cứu với các nguồn kẽm hữu cơ đã cho thấy khi bổ sung tăng cường kẽm, việc mọc lông lại được cải thiện ở những con gia cầm đang phát triển. Sự cải thiện về khối lượng lông của gà thịt cũng được cải thiện khi bổ sung selen hữu cơ.
Độc tố nấm mốc
Cuối cùng, độc tố nấm mốc trong thức ăn có thể đóng một vai trò trong việc phát triển lông kém ở gà hậu bị. Một số độc tố scirpentriol do nấm mốc Fusarium tiết ra đã làm cho lông bị sờn với độ phủ của lông kém ở các gà đang lớn. Những chiếc lông bị ảnh hưởng có thể không chịu được sự khắc nghiệt của bầy trong suốt chu kỳ sinh sản. Các nghiên cứu trước đó về gà thịt cho thấy gà được cho ăn độc tố T-2 có bộ lông kém. Các vấn đề của T-2 có liên quan đến bệnh helicopter (lông bất thường) ở thực tế.
Nhìn chung, các chuyên gia dinh dưỡng từ các công ty gia cầm đã thay đổi một số chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn để giúp khắc phục các vấn đề trên lông ở gia cầm. Dinh dưỡng gà hậu bị và gà giống có thể góp phần cải thiện các vấn đề về lông ở lứa đẻ từ giữa tới cuối. Các chuyên gia công ty đã thực hiện một số thay đổi để giữ bộ lông được tối ưu và các chương trình cho ăn trong thực tế có thể bổ sung cho những thay đổi bằng cách theo dõi cẩn thận các đường cong khối lượng theo độ tuổi gia cầm.
Khoa học kỹ thuật
Add comment