Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh có đàn gia súc, gia cầm khá lớn, cụ thể: 129.327 con heo, 74.484 con trâu, bò; 2.481 con dê, cừu và 161.778 con gia cầm. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm nếu không có các biện pháp xử lý khoa học, hợp lý đối với chất thải chăn nuôi sẽ ảnh hưởng môi trường xung quanh, dễ lây lan, phát sinh dịch bệnh và gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Để phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững gắn với bảo vệ môi trường, các hộ, cơ sở chăn nuôi cần chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý mùi hôi, thu gom và xử lý chất thải đúng quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 55 Luật Chăn nuôi năm 2018, chăn nuôi trang trại phải đáp ứng các điều kiện như có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại... Ngoài ra, theo Điều 23 Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi thì các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
- Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định cụ thể về xử lý sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, xác vật nuôi, phụ phẩm nông nghiệp,... đối với từng quy mô chăn nuôi. Theo đó, các tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại phải có trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi (bao gồm là chất thải rắn mà có nguồn gốc hữu cơ, nước thải chăn nuôi, khí thải và các chất thải khác); chủ cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ sẽ phải thực hiện các yêu cầu như có biện pháp xử lý về phân, nước thải và khí thải chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh môi trường và phải không gây ảnh hưởng đến những người xung quanh; vật nuôi bị chết vì dịch bệnh và các chất thải nguy hại khác sẽ phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường,…
- Điều 51 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường quy định sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, nước tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác như sau: Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi nông hộ được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; việc sử dụng chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ và nước thải chăn nuôi phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trang trại làm phân bón hữu cơ, nước tưới cây hoặc làm thức ăn cho thủy sản khi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được quy định tại khoản 4 Điều này; việc vận chuyển chất thải chăn nuôi ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại phải sử dụng phương tiện, thiết bị đảm bảo kín khít, không bị tràn đổ, rò rỉ, không gây ô nhiễm môi trường; việc sử dụng chất thải rắn chăn nuôi có nguồn gốc hữu cơ phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trang trại để sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất phải đáp ứng quy định tại điểm b, khoản 2 Điều này và không gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng;…
Bên cạnh những quy định về việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi nêu trên, Chính phủ cũng có những quy định chế tài đối với các hành vi vi phạm, theo đó, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/03/2021 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi quy định việc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, cụ thể như sau:
- Đối với chăn nuôi trang trại:
+ Hành vi vi phạm các quy định về xử lý chất thải rắn mà có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các cá nhân chăn nuôi trang trại có quy mô nhỏ và đối với tổ chức là 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các cá nhân chăn nuôi trang trại có quy mô vừa và đối với tổ chức là 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với các cá nhân chăn nuôi trang trại có quy mô lớn và đối với tổ chức là 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng.
+ Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi mà không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi cho cây trồng: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối các cá nhân với chăn nuôi trang trại có quy mô nhỏ và đối với tổ chức là 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với các cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô vừa và đối với tổ chức là 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng; phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các cá nhân chăn nuôi trang trại có quy mô lớn và đối với tổ chức là 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
+ Hành vi vi phạm các quy định về xử lý khí thải từ các hoạt động chăn nuôi mà không đáp ứng được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các cá nhân chăn nuôi trang trại có quy mô nhỏ và đối với tổ chức là 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với các cá nhân chăn nuôi trang trại có quy mô vừa và đối với tổ chức là 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng; phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các cá nhân chăn nuôi trang trại có quy mô lớn và đối với tổ chức là 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
+ Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục về tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả về khắc phục trong thời hạn do chính người có thẩm quyền xử phạt ấn định.
- Đối với chăn nuôi nông hộ:
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các cá nhân có hành vi không có các biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm được vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến những người xung quanh; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và phải báo cáo kết quả khắc phục ở trong thời hạn do chính người có thẩm quyền xử phạt ấn định.
Bên cạnh đó, tại Khoản 3, Khoản 8, Khoản 9 Điều 24 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường có quy định đối với các hành vi gây ra ô nhiễm đất, nước (như nước ngầm, nước mặt bên trong và bên ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc là không khí vượt qua quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh thì sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với các trường hợp hàm lượng của chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) ở trong đất, ở trong nước hoặc ở trong không khí vượt qua quy chuẩn kỹ thuật dưới 03 lần đối với các thông số môi trường nguy hại hoặc là dưới 05 lần đối với các thông số môi trường thông thường; phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các trường hợp hàm lượng của chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) ở trong đất, ở trong nước hoặc ở trong không khí vượt qua quy chuẩn kỹ thuật từ 03 lần cho đến dưới 05 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc là từ 05 lần cho đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường; phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với các trường hợp hàm lượng của chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) ở trong đất, trong nước hoặc trong không khí vượt qua quy chuẩn kỹ thuật từ 05 lần trở lên đối với các thông số môi trường nguy hại hoặc là từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường;…
Như vậy, việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm vật nuôi, giữ gìn môi trường sinh thái. Việc xử lý chất thải chăn nuôi không những tạo ra các loại phân bón hữu cơ có giá trị, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, mà còn thể hiện được vai trò, trách nhiệm của người chăn nuôi đối với công tác bảo vệ môi trường. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi cần nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường chăn nuôi.
Hệ thống xử lý chất thải tại một cơ sở chăn nuôi trên địa bàn
Tuyên truyền
Add comment