Nguồn: nhachannuoi.vn
Theo Chỉ thị 29/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra yêu cầu quan trọng để đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng chống Dịch tả lợn châu Phi (ASF) trên đàn lợn thịt trong cả nước. Điều này được coi là một biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn cho ngành chăn nuôi lợn và đảm bảo cung cấp thịt lợn an toàn và chất lượng cho người tiêu dùng.
Người nuôi còn e dè với vắc xin ASF
Theo Cục Thú y, năm 2023, cả nước xảy ra 714 ổ dịch ASF tại 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 34.551 con lợn. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch giảm hơn 49%, số lợn phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 48%. Hiện nay, có 110 xã thuộc 25 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Việc giám sát vi rút ASF được thực hiện theo Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh ASF trong năm 2023 đã thực hiện tại 16 tỉnh với tổng số mẫu là 930 mẫu lvà có 107 mẫu dương tính chiếm 11,51%. Trong đó, tỷ lệ cao nhât tại tỉnh Lào Cai (32,38%), Đồng Nai (25%) và Thừa Thiên Huế (20,83%).
Nguy cơ bệnh ASF tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới rất cao là do: Vi rút ASF rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lơi cho các loại mầm bệnh. Bộ NNPTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vắc xin DTLCP trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế, do một số địa phương, người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại, lo lắng về hiệu quả của vắc xin nên chưa tiêm phòng cho đàn lợn…
Ngày 24/7/2023, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng vắc xin ASF, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện tiêm thử nghiệm trên diện rộng, tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước và cho kết quả tích cực.
Vắc xin NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco sản xuất và vắc xin AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam đã được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y. Đây là những vắc xin phòng ASF thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh hơn 100 năm qua chưa có vắc xin thương mại trong phòng ASF nào được cấp phép trên thế giới.
Theo thống kê của Cục Thú y, số lượng vắc xin ASF đã sản xuất của 2 Công ty đến nay là 4,5 triệu liều. Số lượng vắc xin cung ứng, sử dụng từ khi cấp giấy chứng nhận lưu hành và sau khi Bộ NN&PTNT có công văn số 4870/BNN-TY là hơn 1,5 triệu liều. Trong đó, có 207.339 liều vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sử dụng tại 35 tỉnh, thành phố; trên 1,3 triệu liều vắc xin AVAC ASF LIVE của Công ty AVAC tại 45 tỉnh, thành phố. Ngay sau khi được phép lưu hành rộng rãi tại Việt Nam, Công ty AVAC đã xuất khẩu 300.000 liều vắc xin ASF sang Philippines. Số lượng vắc xin đã sản xuất đang bảo quản tại kho của 02 công ty khoảng 3 triệu liều (Công ty Navetco khoảng 1 triệu liều và Công ty AVAC là 2 triệu liều).
Theo Cục Thú y, đến nay, trên 600.000 liều vắc xin ASF đã được người dân và các doanh nghiệp sử dụng. Ngoài ra, khoảng 2 triệu liều vắc xin đã được các địa phương lên kế hoạch tổ chức đấu thầu mua sắm cho giai đoạn những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, “So với tổng đàn lợn thịt của Việt Nam, số lượng tiêm còn rất hạn chế”. Một trong những nguyên nhân được ông Long chỉ ra đó là, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân, thậm chí là thú y cơ sở còn thiếu. Đa số người chăn nuôi có tâm lý e ngại, lo lắng về hiệu quả của vắc xin nên chưa tiêm phòng cho đàn lợn…
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đã chỉ đạo 2 doanh nghiệp cung ứng vắc xin tăng cường thông tin, tuyên truyền về sản phẩm vắc xin, tổ chức nhiều buổi tập huấn, kiểm tra, giám sát tại địa phương, kết hợp hướng dẫn, thông tin về vắc xin mới ở cấp cơ sở. Cùng với đó, Bộ đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo địa phương để người dân nắm được tình hình, cũng như giao trách nhiệm lực lượng thú y ở cơ sở để chủ động triển khai.
Ngoài ra, các bên liên quan cần công khai, minh bạch, chia sẻ rõ ràng quá trình Việt Nam hợp tác nghiên cứu với phía Hoa Kỳ và các nhà khoa học để tổ chức nghiên cứu, đồng thời cung cấp nhiều hơn số liệu, hình ảnh để người dân và địa phương yên tâm sử dụng vắc xin. “Sau hơn 600.000 liều sử dụng kể từ ngày 24/7, 100% đàn lợn phát triển khỏe mạnh, tỷ lệ đáp ứng miễn dịch trên đàn lợn tiêm đạt 95% và an toàn tuyệt đối”, ông Long cho biết thêm.
Cần quyết liệt trong công tác tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh
Dịch tả lợn châu Phi gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi
Trong Chỉ thị 29/CT-TTg về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, lãnh đạo Chính phủ cũng đã yêu cầu rõ với địa phương, là trong cuối năm 2023 và chậm nhất là đầu năm 2024, phải xây dựng, bổ sung nội dung tiêm phòng vắc xin ASF trên đàn lợn thịt.
Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch phối hợp các tổ chức quốc tế cũng như các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc trong việc sử dụng rộng rãi vắc xin, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống và kiểm soát chặt chẽ bệnh ASF (Dự kiến, vào tháng 1/2024, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, xác nhận tỷ lệ đáp ứng miễn dịch và bảo hộ trên đàn vật nuôi có đúng hay không).
Theo Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng cần tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch ASF theo quy định của pháp luật về thú y và các chỉ đạo từ các cơ quan chính trị, như Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Tuân thủ các chỉ dẫn, hướng dẫn và quy định của Bộ NN&PTNT trong việc tiêm vắc xin phòng bệnh ASF. Điều này đảm bảo sự thống nhất và hệ thống hóa quy trình tiêm vắc xin, từ quy trình lựa chọn vắc xin phù hợp, lưu trữ đúng quy định, đến cách tiêm và ghi nhận thông tin.
Việc thúc đẩy công tác tiêm vắc xin phòng chống ASF trên đàn lợn thịt là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Việc thực hiện đúng và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh đóng góp quan trọng trong việc kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của ASF trong đàn lợn thịt, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo phát triển bền vững của ngành chăn nuôi lợn.
Áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa ASF
Để ngăn chặn sự lây lan của ASF, các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đã được thiết lập. Điều quan trọng nhất là tăng cường giám sát sức khỏe của lợn, đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình nuôi dưỡng, áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch tễ như tiêm phòng và kiểm soát số lượng lợn nhiễm bệnh.
· Vệ sinh và quản lý chăn nuôi: Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong các khu vực chăn nuôi bao gồm hệ thống thông gió, vệ sinh chuồng trại và xử lý chất thải. Hạn chế tiếp xúc với lợn từ các nguồn có khả năng mang vi rút.
· Kiểm soát di chuyển lợn: Hạn chế di chuyển lợn giữa các trang trại và khu vực khác. Áp dụng các biện pháp kiểm soát quản lý về vận chuyển lợn, bao gồm kiểm tra sức khỏe trước khi di chuyển.
· Tiêm phòng: Sử dụng các chế phẩm vắc xin phòng ngừa ASF đã được cấp phép để bảo vệ lợn khỏi vi rút gây bệnh. Tiêm phòng định kỳ và tuân thủ lịch tiêm phòng đúng cách.
· Giám sát và báo cáo: Theo dõi sức khỏe của lợn trong đàn, báo cáo ngay lập tức cho các cơ quan chức năng nếu phát hiện các triệu chứng của ASF.
· Xử lý chất thải: Loại bỏ chất thải từ lợn nhiễm bệnh một cách an toàn và hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của vi rút.
· Giáo dục và tăng cường nhận thức: Tăng cường giáo dục và nhận thức cho người nuôi lợn về bệnh dịch tả lợn, các biện pháp phòng ngừa, cách xử lý khi phát hiện lợn bị nhiễm bệnh.
Các biện pháp trên có thể giúp giảm nguy cơ lây lan của ASF và bảo vệ đàn lợn khỏi sự nhiễm bệnh. Tuy nhiên, để kiểm soát hoàn toàn bệnh dịch tả lợn, cần có sự phối hợp và cộng tác giữa các cơ quan chức năng, người nuôi lợn và cộng đồng.
Tin tức hoạt động
Add comment