Nguồn: nhachannuoi.vn
Các tác nhân vi sinh vật khác nhau thường xuyên khiến đàn gia cầm đối mặt với nhiều đợt bùng phát dịch bệnh. Cần có những chế độ dinh dưỡng để đối phó các tác hại của bệnh trong trường hợp này, từ đó cải thiện sản xuất và lợi nhuận.
Chế độ dinh dưỡng có khả năng giảm thiểu tác hại của bệnh tật trong những điều kiện bất lợi
Kích thước của thức ăn
Kích thước vật lý của thức ăn ảnh hưởng trực tiếp đến đáp ứng miễn dịch của gà. Gia cầm ăn lúa mì nguyên hạt hoặc cao lương (hạt bo bo) có mề phát triển và hoạt động tích cực hơn so với những con ăn ngũ cốc dạng mảnh hoặc xay mịn Ở mức hoạt động tích cực, mề tựa như cơ chế bảo vệ tự nhiên khỏi các tác nhân vi sinh vật: tế bào trứng (oocytes), nang bào tử (sporocysts), thoa trùng (sporozoites),…tốt hơn, bằng phương pháp nghiền cơ học. Nếu khẩu phần không có hạt lớn để nghiền, mề phát triển kém sẽ bị teo dần theo thời gian, kết quả là gia cầm càng thải ra nhiều mầm bệnh và nhiễm khuẩn lan rộng hơn.
Chất đạm
Trong hầu hết các đợt bùng phát bệnh, tỉ lệ đạm trong khẩu phần cần được cải thiện hoặc ít nhất được duy trì trong phạm vi khuyến nghị. Do chất đạm đóng vai trò điều hòa sự lưu thông của các hormone có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch như insulin, glucagon, thyroxine và hormone tăng trưởng (GH), từ đó cải thiện khả năng đề kháng bệnh.
Trong trường hợp đặc biệt, cần giảm mức đạm trong khẩu phần và điều này hữu ích trong điều trị một số bệnh như cầu trùng. Khi gà mắc bệnh, nếu tỉ lệ đạm trong khẩu phần vẫn duy trì ở mức cao thì hoạt động của enzyme trypsin trong ruột non sẽ tăng lên. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các bào tử cầu trùng được giải phóng khỏi trứng nhanh hơn, hoạt động mạnh hơn và hiệu quả tiêm chủng bị giảm. Mức độ bệnh cầu trùng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ cho ăn. Các công nhân quan sát thấy rằng việc bỏ đói gà trước khi chủng ngừa qua đường uống sẽ làm giảm mức nhiễm thoa trùng, khả năng cao do lượng trypsin tiết ra thấp hơn do bị đói.
Việc điều chỉnh tăng giảm tỉ lệ đạm hoặc lựa chọn chế độ ăn giàu đạm vào thời điểm tiêm chủng không được bảo đảm sẽ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Một số nguồn đạm như đậu nành thô, bánh dầu bông và bánh dầu lanh, có chứa các yếu tố kháng dưỡng khác nhau như chất ức chế trypsin, gossypol và glucoside. Những chất trên sẽ gây ra các tác động tiêu cực đồng thời đến hệ miễn dịch cục bộ tại ruột non khi gia cầm ăn vào và cả toàn thân do miễn dịch đường ruột thực hiện cả nhiệm vụ phòng vệ cục bộ và toàn thân Vì vậy, cần tránh sử dụng nhiều nguồn đạm như vậy trong khẩu phần.
Chất béo
Chất béo trong chế độ ăn uống ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch theo hai cơ chế: điều chỉnh việc tổng hợp prostaglandin – là chất điều hòa quan trọng của nhiều quá trình sinh học, bao gồm cả phản ứng miễn dịch, hoặc làm thay đổi hình dạng của màng tế bào. Trong một nghiên cứu, việc bổ sung mỡ heo hoặc dầu rum (safflower oil) từ 3% lên 9% trong khẩu phần đã giúp gà tăng sức đề kháng theo tỉ lệ thuận đối với các mầm bệnh như E. Coli và M. tuberculosis. Tỷ lệ tử vong liên quan đến các bệnh cũng giảm khi lượng chất béo trong chế độ ăn tăng cao.
Trong một số tình trạng bệnh nhất định như bệnh cầu trùng, cũng cần phải xem xét loại acid béo được đưa vào chế độ ăn. Chất béo có hàm lượng acid béo bão hòa cao có thể không được hấp thụ vào các micelle (một cụm phân tử có đầu ưa nước và đuôi kị nước). Bởi vì loại chất béo này dễ kết hợp thành các micelle hơn là loại chất béo có hàm lượng axit béo không bão hòa cao, nên kể cả nhiễm bệnh, quá trình tiêu hóa chất béo này cũng sẽ không bị gián đoạn đáng kể. Và điều này sẽ lần lượt xác định mức độ ảnh hưởng của các bệnh đến năng suất, nhất là các yếu tố có liên quan đến chất béo.
Khoáng chất và vitamin
Một số nguyên tố khoáng có khả năng điều hòa quần thể vi sinh vật ở ruột. Vì đặc tính kháng khuẩn của chúng, đồng và kẽm thường được cho ăn cao hơn mức nhu cầu để tăng cường sức khỏe và cải thiện tăng trưởng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các nguồn khoáng chất khác nhau có thể khác nhau. Trong khẩu phần các nguồn đồng và kẽm dễ hòa tan hơn trong đường tiêu hóa sẽ ảnh hưởng đến sinh lý ở đoạn trước của ruột non (tức là tá tràng), trong khi các nguồn ít hòa tan hơn sẽ ảnh hưởng đến đoạn sau (hỗng tràng). Do đó, việc lựa chọn nguồn đồng và kẽm trong chế độ ăn uống để điều chỉnh sinh lý đường ruột có thể dựa trên dạng và tần suất các bệnh đường ruột có thể được dự đoán trước.
Vitamin cũng ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và hệ miễn dịch của ruột. Ví dụ, nghiên cứu về vitamin A đã chỉ ra rằng gà được cho ăn khẩu phần ít vitamin A hơn có tỷ lệ chết do E. acervulina và E. tenella cao hơn, so với gà được bổ sung 8.000 IU vitamin A/kg thức ăn. Điều này được giải thích khi gà được cho ăn khẩu phần ít vitamin A, số lượng tế bào T-helper trong biểu mô ruột của chúng suy giảm. Các tế bào T-helper chịu trách nhiệm điều phối nhiều phản ứng miễn dịch thông qua việc tiết cytokine và tương tác với các tế bào miễn dịch khác. Điều này có thể cung cấp kết luận về tỷ lệ tử vong gia tăng trên gà vì số lượng tế bào T-helper này giảm khi thiếu vitamin A.
Gia cầm cũng cần được cấp nhiều vitamin E hơn nếu bị nhiễm E. coli. Trong một nghiên cứu liên quan đến ngày, khi lượng vitamin E trong khẩu phần tăng từ 150 IU/kg lên 300 IU/kg trong khoảng từ 1 ngày đến 2 tuần tuổi trên gà, sự tạo ra các kháng thể đặc hiệu đối với E. coli. Phản ứng miễn dịch tương tự cũng được ghi nhận ở đàn bố mẹ được cho ăn 300 IU hoặc 450 IU vitamin E trong khẩu phần. Thậm chí trong khẩu phần có mức vitamin cao hơn nữa, sức đề kháng đối với các bệnh nhiễm khuẩn do B.abortus ở con của chúng lúc 7 ngày tuổi tăng lên.
Sử dụng các sản phẩm thảo dược
Thì là đen (Nigella sativa L.) là một sản phẩm thảo dược giàu đạm, chất béo, chất xơ và khoáng chất. Trong tổng lượng chất béo, các axit béo không bão hòa đa chiếm đến 48-70%, tỷ lệ axit béo không bão hòa đơn chỉ chiếm 18-29%. Ngoài ra, hạt của thì là đen còn chứa một lượng đáng kể tocopherol, các chất có hoạt tính sinh học liên quan như phytosterol và thymoquinone, đóng vai trò quan trọng trong tăng cường khả năng chống oxy hóa của cơ thể, các dạng căng thẳng, rối loạn chức năng miễn dịch và các biến chứng khác.
Lá trà xanh (Camellia sinensis) có chứa các dẫn xuất polyphenol như carnitine và catechin, rất quan trọng cho quá trình oxy hóa acid béo và tổng hợp ATP, nên cũng được ứng dụng trong lĩnh vực dinh dưỡng trị liệu. Các hợp chất nói trên cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và/hoặc kiểm soát bệnh viêm tụy, khối u xơ, rối loạn bệnh lý thần kinh v.v… Tuy nhiên, cho đến nay, những tác động này chỉ được ghi nhận ở động vật thí nghiệm, để ứng dụng trị liệu về dinh dưỡng trong khẩu phần của gà thì cần nghiên cứu và xác định thêm.
Tác dụng của việc ép viên thức ăn
Sự ép viên thức ăn giúp duy trì cấu trúc và chức năng bình thường của đường tiêu hóa. Cũng có thể coi mề phát triển tốt như một rào cản ngăn chặn các vi sinh vật có hại xâm nhập vào đoạn xa của đường tiêu hóa. Mề của gia cầm được cho ăn thức ăn ép viên phát triển tốt hơn so với những loài gia cầm ăn thức ăn xay mịn. Ở gia cầm ăn thức ăn ép viên, nồng độ acid béo dễ bay hơi tăng lên và làm độ pH giảm. Độ pH giảm đồng thời có tác dụng kháng khuẩn đối với vi khuẩn gây hại xâm nhập vào phần xa của đường tiêu hóa.
Xử lý nước
Xử lý nước uống cho gia cầm bằng natri bisulfate trong vòng bảy ngày tuổi đầu, cung cấp lớp bảo vệ thứ hai cho vi khuẩn sản xuất acid lactic (lactic acid-producing bacteria – LAPB) vốn là một phần của hệ sinh thái tại diều. Tạo điều kiện cho diều của gia cầm mới nở duy trì mức pH thấp, cho đến khi quần thể LAPB được thiết lập ổn định. Độ pH thấp của diều cũng hạn chế số lượng Salmonella, Clostridium hoặc các vi sinh vật có hại khác tiếp cận xa hơn dọc theo ống tiêu hóa và tạo điều kiện cho gia cầm ổn định được hệ vi sinh đường ruột bình thường.
Biên dịch: Thảo Duyên
Khoa học kỹ thuật
Add comment