Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi không ngừng cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Ngoài các giống vật nuôi hiện tại, các Viện, Trung tâm nghiên cứu đã lai tạo thành công nhiều giống mới và được Cục Chăn nuôi công nhận, trong đó một vài giống vật nuôi nổi bật có thể kể đến như gà lai 18M1, vịt biển ĐX15.12, heo thương phẩm BT3 và BT4.
1) Gà lai 18M1(♂18Ga04x♀LV2)
Nguồn gốc, xuất xứ:
Gà lai 18M1 là giống gà thương phẩm mới lai giữa gà 18GA04 và gà LV2.
Gà 18Ga04 là sản phẩm của nhiệm vụ nghiên cứu phối hợp giữa Bộ Quốc Phòng và Trung tâm Nghiên cứu Ong và Chuyển giao công nghệ chăn nuôi: “Nhân duy trì, đánh giá và phát triển một số giống gà nhập nội” thuộc Đề án NN08 từ năm 2018 đến nay và Đề tài cấp cơ sở “Khả năng sản xuất của gà 18Ga04 và gà lai 18M1 (♂18Ga04x♀LV2)” thực hiện năm 2022 - 2023.
Gà LV2 là sản phẩm đề tài “Nghiên cứu chọn tạo một số dòng gà lông màu hướng thịt, hướng trứng cho năng suất chất lượng cao phục vụ tái cơ cấu ngành chăn” thuộc đề tài trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2017-2021 do Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương làm chủ trì. Gà LV2 đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật theo Quyết định số 238/QĐ-CN-GVN ngày 30 tháng 11 năm 2021 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi.
Những đặc điểm nổi bật của gà lai 18M1
Gà lai 18M1 có ngoại hình đẹp, được thị trường ưa chuộng, triển vọng phát triển ra thị trường theo hướng gà đặc sản là rất cao, lúc 01 ngày tuổi nhanh nhẹn, lông bông xốp, lông phần lớn có màu đen tuyền chiếm 90%, vàng nâu có sọc lưng 10%. Mỏ đen, chân xám đen, khi trưởng thành, con trống có màu lông đa dạng phần lớn là màu đen ánh xanh, đen ánh xanh pha nâu đỏ, lông cổ có màu nâu đậm, lông đuôi dài có màu đen ánh xanh. Con mái có màu đen ánh xanh hoặc đen pha màu vàng nâu, 76% mào nụ, 24% mào cờ, chân chì, mỏ đen.
Gà lai 18M1 có thời gian nuôi thịt 16 tuần tuổi, có tỷ lệ nuôi sống đến 16 tuần tuổi đạt 93,33%. Khối lượng cơ thể 16 tuần tuổi đạt 2266,60 g. Ưu thế lai là 2,89% so với đàn bố mẹ; tiêu tốn thức ăn cho 01 kg tăng khối lượng cơ thể giai đoạn 0-16 tuần tuổi là 3,72 kg, với ưu thế lai là -4,00% so với đàn bố mẹ. Tỷ lệ thân thịt là 76,87%, tỷ lệ thịt lườn là 17,93%, thịt đùi là 22,90%, tỷ lệ mỡ bụng là 1,15%.
Tại nhiều khu vực chăn nuôi, giống gà 18M1 đều được đánh giá rất rốt, khắc phục những bất lợi về điều kiện khí hậu nắng nóng oi bức. Giống gà này phát triển mạnh mẽ, đề kháng cao, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam.
Gà lai 18M1
1) Vịt biển ĐX15.12
Vịt biển ĐX15.12 là sản phẩm Khoa học công nghệ từ kết quả đề tài cấp Bộ “Chọn tạo 4 dòng vịt biển phục vụ chăn nuôi vùng xâm ngập mặn” giai đoạn 2017 - 2020.
Những đặc điểm nổi bật của Vịt biển ĐX15.12
Vịt biển ĐX15.12 mới nở có lông màu vàng nhạt, có phớt đen ở đầu và đuôi, vịt trưởng thành có màu lông cánh sẻ, cổ có khoang trắng, lông cánh màu xanh đen, mỏ và chân màu vàng nhạt, có con màu xám, cổ trung bình, tuổi đẻ là 20 - 21 tuần tuổi, khối lượng vịt vào đẻ 2,5 - 2,7kg/con, năng suất trứng từ 240 - 245 quả/mái/năm, khối lượng trứng 80 - 85g. Vịt nuôi thương phẩm có khối lượng cơ thể khi xuất bán là 2,7 - 2,9kg/con, tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng 2,5 - 2,7kg.
Vịt biển ĐX15.12 có tỷ lệ nuôi sống đạt trên 96,67%, nuôi được trong điều kiện nước lợ, nước mặn (nước biển) rất tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn vịt biển trước đây 10,5%. Ngoài ra vịt biển ĐX15.12 cũng có thể nuôi trong điều kiện nước ngọt theo các phương thức khác nhau như nuôi nhốt trên khô không cần nước bơi lội, nuôi nhốt trong vườn cây, vườn đồi, nuôi nhốt kết hợp cá - vịt, cá - lúa - vịt, lúa - vịt.
Vịt biển ĐX15.12
1) Heo thương phẩm BT3 và BT4
Tổ hợp heo thương phẩm BT3 và BT4 là sản phẩm cuối trong hệ thống giống, khi sử dụng đực TS3 phối giống với nái bố mẹ SS12 và SS21.
Các dòng heo SS1, SS2 và TS3; nái bố mẹ SS12 và SS21; tổ hợp lai thương phẩm BT3 và BT4 là sản phẩm của đề tài trọng điểm cấp Bộ (2017-2021) “Nghiên cứu chọn tạo dòng heo đực cuối cùng, dòng heo nái tổng hợp và xây dựng được các quy trình công nghệ chăn nuôi heo để đạt năng suất và chất lượng cao phục vụ chăn nuôi tại các tỉnh phía Nam”, do Viện Chăn nuôi chủ trì và Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ thực hiện từ năm 2017 đến 2021.
Những đặc điểm nổi bật của heo thương phẩm BT3 và BT4
Tại các cơ sở thực nghiệm, heo thương phẩm BT3 (TS3 x SS12) và BT4 (TS3 x SS21) đều có tốc độ sinh trưởng ≥ 910g/ngày, dày mỡ lưng ≤11,0mm, dày thăn thịt ≥60mm, tuổi đạt 100kg ≤ 149 ngày, tiêu tốn thức ăn ≤2,4 và tỷ lệ nạc ≥ 61,0%.
Các tiến bộ kỹ thuật này được ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất sẽ giúp tăng thu nhập cho người nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Tài liệu tham khảo:
Khoa học kỹ thuật
Add comment