Nguồn: nhandan.vn
Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đạt được nhiều thành tựu quan trọng để tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt, một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, cũng như là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.
Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực, sáng tạo để luôn trở thành động lực, đầu tàu trong nền kinh tế của đất nước.
Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển cho thấy, những năm qua, cơ cấu kinh tế của thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên.
Những bước đột phá mạnh mẽ
Giai đoạn sau ngày giải phóng (1976-1985), Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với những khó khăn từ hai cuộc chiến tranh để lại, nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung cho nên GRDP của thành phố chỉ đạt trung bình 2,7%/năm. Nhưng ở giai đoạn sau đó, nền kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh chóng, giai đoạn 1991-1995, GRDP đạt trung bình 12,62%/năm. Ðây là giai đoạn khẳng định vai trò đột phá, đầu tàu kinh tế của thành phố.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước. Giai đoạn 1996-2010, nền kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm khá cao, đưa thành phố trở thành một trong số rất ít địa phương trên cả nước đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian dài.
Trong giai đoạn phát triển kinh tế theo chiều sâu (2011-2020), tăng trưởng kinh tế thành phố đạt bình quân 6,86%/năm, vượt mức tăng trưởng chung của cả nước (5,96%) và cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam (6,31%). Năm 2020, quy mô kinh tế của thành phố tăng gấp 2,7 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,39 lần so với năm 2010. Kinh tế thành phố tiếp tục đổi mới mô hình, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế trên nền tảng ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Sự nghiệp giáo dục-đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên. Những thành quả phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế thời gian qua, đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đã đề ra nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, thể hiện quyết tâm cao để phát triển cho chính thành phố và xứng với kỳ vọng của cả nước. Thành phố cũng nhận thức được những bất cập, hạn chế cần tháo gỡ, giải quyết như: sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội như: ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, y tế, giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót.
Khẳng định vị thế đầu tàu
Theo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 31 chỉ rõ tầm nhìn và mục tiêu xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố với phương châm “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh”. Các mục tiêu cụ thể cũng được đề ra như: đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Ðông Nam Á.
Tăng trưởng bình quân của thành phố đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Ðến năm 2045 thành phố sẽ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao;…
Thời gian qua, thành phố đang tiếp tục cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Quy hoạch, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thành phố đang dần hình thành một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ để trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; sớm xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai gần.
Năm 2023, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn song Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 5,85 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2022. Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024 thành phố tiếp tục tập trung nâng cao tỷ trọng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có giá trị gia tăng cao, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, có hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thành phố. Hiện nay, thành phố đang hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Nhấn mạnh về công tác xây dựng đô thị, hạ tầng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nhiều năm gần đây, thành phố đang tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; kết hợp đồng bộ giữa cải tạo, chỉnh trang đô thị với phát triển đô thị mới; tổ chức lại đời sống dân cư nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua quá trình cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị; thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo nhà ở ven kênh rạch, chung cư cũ; sử dụng có hiệu quả quỹ đất sau di dời để ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.
Với vị thế trung tâm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thành phố đã chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng Ðông Nam Bộ, Ðồng bằng sông Cửu Long và các khu vực, địa phương trong cả nước.
Cùng với đó, thành phố tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển, đón đầu các chuỗi cung ứng; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực. Thành phố đề ra nhiều chương trình phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với Thành phố mang tên Bác Hồ. Ðặc biệt, với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023, thành phố sẽ tận dụng tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược.
Bài, ảnh: TRẦN QUANG QUÝ
Thành phố Bác Hồ
Add comment