Nguồn: thanhnien.vn
Đó chính là TP.HCM thương yêu của chúng ta! Cách đây khá nhiều năm, lần đầu tôi được biết cụm từ "thành phố nghĩa tình" được đề xuất dùng cho TP.HCM. Tôi đã rất xúc động vì danh xưng này.
Nếu được chính thức dùng cho TP.HCM thì đây là lần đầu tiên có một thành phố lớn trên thế giới được mang danh xưng "Thành phố nghĩa tình". Một cái tên quá đúng và quá hợp với thành phố, và quá đẹp trong lòng người Việt yêu thương vùng đất nghĩa hiệp và ân tình này.
Chúng ta đã có "thành phố anh hùng", đã có "thành phố hòa bình", nếu bây giờ chúng ta chính thức có "thành phố nghĩa tình" thì tinh thần nhân ái, tình nghĩa đồng bào của một thành phố lớn Việt Nam sẽ được chính thức tuyên xưng và lan tỏa ở ngay tính cách và lòng nhân ái, tinh thần nghĩa hiệp của người Việt đã được cả thế giới biết đến và cảm phục.
Những chuyến xe rau 0 đồng của Hội anh em ba gác Tân Phú gửi đến khu vực cách ly phòng dịch Covid-19 ở TP.HCM.
Người Việt chúng ta từ hàng nghìn năm nay đã sống nghĩa tình, đã coi sự đùm bọc, chia sẻ trong cộng đồng là "việc phải làm", đã tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những nghĩa cử của cộng đồng này dành cho những cộng đồng khác trên cùng dải đất Việt Nam.
Vào cao điểm dịch Covid-19, tôi rất xúc động khi được biết có những người dân nghèo ở TP.HCM đã tự lập những đội "Cơm di động" với tình nguyện viên mỗi ngày chạy xe mang 1.000 phần cơm đi khắp thành phố để phát cho người nghèo. Còn bao nhiêu chuyện cảm động như thế nữa mà người Sài Gòn đã làm vì bà con đồng bào mình trong thời đỉnh dịch Covid-19 năm 2021.
Còn vào năm 2020, khi miền Trung quê hương tôi chìm trong tai ương bão lụt, thì từ "thành phố nghĩa tình" này, biết bao nhiêu phần quà cứu trợ đã nhắm địa chỉ miền Trung lao tới, đến tận tay những người dân quê tôi đang khốn khổ chạy bão chạy lụt, chạy sạt lở đất.
Vì sao TP.HCM lại là "Thành phố nghĩa tình"? Điều này phải nhìn lại trong lịch sử.
Khi những lưu dân từ miền Trung hàng mấy trăm năm trước đi về phương nam tìm đất sống, họ đã chung tay khai phá "đất chín Rồng" thành nơi có thể an cư lạc nghiệp. Từ ngày đó, đối diện bao nhiêu bất trắc rủi ro, những lưu dân Nam bộ đã sát cánh bên nhau, giúp đỡ nhau để cùng vượt qua ách nạn, cùng nhau chia sẻ để mảnh đất này không chỉ là đất sống, mà còn là đất của tình nghĩa, của cưu mang, của "bầu ơi thương lấy bí cùng". Càng đi về phương nam, người Việt càng biết giá trị của lối sống nghĩa tình, càng biết thế nào là tình làng nghĩa xóm, và biết giúp người cũng chính là giúp mình.
Ngày tôi quyết định xung phong đi chiến trường miền Nam, tôi đã chọn chiến trường Nam bộ, có một lý do hơi "văn học" một chút. Đó là tôi mê văn Nguyễn Thi - Nguyễn Ngọc Tấn. Mê cả cách dấn thân, mê lẽ sống của nhà văn lớn này. Mê cả cách Nguyễn Thi, vốn là người quê miền Bắc, nhưng đã bằng tình yêu và cách sống với lưu dân Nam bộ mà đưa rất thành công ngôn ngữ địa phương Nam bộ vào những tác phẩm văn xuôi của mình. Tôi muốn học Nguyễn Thi và tự hứa nếu được đi chiến trường Nam bộ, thì sẽ đưa ngôn ngữ lưu dân Nam bộ vào thơ mình.
Tôi đã được đi chiến trường Nam bộ, và đã đưa được ngôn ngữ địa phương Nam bộ vào thơ mình. Nhiều tác phẩm của tôi, từ thơ ngắn tới trường ca, khi viết về vùng đất và con người Nam bộ, đều in khá đậm ngôn ngữ địa phương Nam bộ, đều hướng đến ca ngợi cách sống nghĩa hiệp bao dung rộng rãi của lưu dân Nam bộ. Chính lối sống của lưu dân Nam bộ đã ảnh hưởng rất tích cực tới cách sống và lối viết của tôi.
Lan man một chút như thế, cũng là để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của tôi với người dân Sài Gòn, thành phố lớn mà tôi đã gặp trong thơ Lê Anh Xuân từ một khoảng cách khá xa: Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về. Cho tới những ngày hòa bình thống nhất đầu tiên, từ chiến khu Tây Ninh, tôi đã được về Sài Gòn.
Và cái khiến tôi cảm thấy sảng khoái nhất trong lòng khi giáp mặt Sài Gòn, không phải ở nhà cao phố lớn, mà chính ở tình người của bà con Sài Gòn, nhất là người dân nghèo.
Ấn tượng ấy còn găm sâu mãi trong lòng tôi. Qua tháng năm, nó đã hóa thành những tác phẩm thơ, nó khiến tôi cảm thấy hạnh phúc khi viết về mảnh đất và con người ở miền đất này, ở thành phố này.
Nói đến hai chữ "nghĩa tình" thì người Việt dù ở đâu cũng đều thấu cảm hai từ này. Nhưng tôi chưa biết nếu được dịch ra ngôn ngữ nước ngoài, hai từ giản dị này liệu có âm vang ngọt ngào như khi nó được nói lên bằng tiếng Việt? Ngôn ngữ gắn với cuộc sống, cách sống, tính tình của cộng đồng là như vậy.
Tôi chỉ mong muốn, danh xưng "Thành phố nghĩa tình" của TP.HCM được nhà nước chúng ta chính thức công nhận, chính thức giới thiệu với cộng đồng người Việt ở Việt Nam và trên khắp thế giới, để thành phố quanh năm "không có mùa đông" này lan tỏa sự ấm áp đầy tình nghĩa tới mọi người dân Việt và tới cả nhân loại.
Thanh Thảo
Thành phố Bác Hồ
Add comment