Nguồn: bqllang.gov.vn
(Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Sau Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản, Bác còn dự các cuộc Đại hội Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Nông dân, Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ (Nopr).
Ở Đại hội Quốc tế Phụ nữ, Bác đã gặp nhiều nữ đồng chí Bônsơvích, trong đó có đồng chí Cơrúpxcaia (vợ Lênin). Đồng chí Cơrúpxcaia rất chất phác, hiền lành, khiêm tốn và nói tiếng Pháp rất thạo. Đồng chí ân cần hỏi Bác về phong trào phụ nữ Việt Nam và nói cho Bác nghe một số kinh nghiệm về việc hoạt động của phụ nữ. Hồi đó, đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Sau các cuộc đại hội đó, Bác bí mật sang Trung Quốc. Lúc đó ở miền Bắc Trung Quốc bọn quân phiệt Ngô Bội Phu, Đoàn Kỳ Thuỵ, Trương Tác Lâm... – do các nước đế quốc giật dây - đang đánh nhau lung tung. Ở miền Nam, Quốc dân đảng của cụ Tôn Trung Sơn và Đảng Cộng sản đang hợp tác chặt chẽ, do đó mà phong trào cách mạng đang lên cao. Chính phủ cách mạng (Quốc dân đảng) đóng ở Quảng Châu, đang chuẩn bị tiến quân về miền Bắc.
Bác về đến Quảng Châu thì may lại gặp các đồng chí Trung Quốc, mà Bác đã quen biết lúc ở Pháp. Ở Quảng Châu, Bác vừa làm phiên dịch cho đồng chí Bơrôđin - cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ cách mạng Quốc dân đảng - vừa phụ trách mục tuyên truyền trong tờ báo Canton Gazette - báo bằng chữ Anh của Trung ương Quốc dân đảng.
Đến Quảng Châu được ít lâu, Bác cùng các đồng chí Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Tản Anh... tổ chức Hội “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” chuẩn bị nền tảng cho việc tổ chức Đảng Cộng sản sau này. Với sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc, hội bí mật đưa một số thanh niên trong nước đến Quảng Châu học ở lớp huấn luyện chính trị. Hội ra một tờ báo Thanh niên in bằng giấy sáp, bí mật gửi về trong nước để tuyên truyền.
Thế là lời đoán mò cách đây mấy năm trước của “quan thượng thư thuộc địa Pháp” đã thực hiện: Phong trào cách mạng từ Pari sang Mátxcơva, từ Mátxcơva sang Trung Quốc, từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Được các đồng chí Trung Quốc đồng ý, Bác tổ chức Hội “Á Châu bị áp bức dân tộc liên hiệp”. Hội này có người Việt Nam, người Trung Quốc, người Ấn Độ, người Triều Tiên v.v., tham gia khá đông và hoạt động khá mạnh. Cụ Liêu Trọng Khải được bầu làm Hội trưởng. Bác làm Bí thư.
Trong thời kỳ đó, ở Hương Cảng nổ ra cuộc tổng bãi công. Các nhà máy, các bến tàu, các trường học, các chợ búa đều bãi công, bãi thị, bãi khoá. Nông dân chung quanh Hương Cảng thì cấm ngặt không để tiếp lương thực cho người Anh. Đờisống của thực dân Anh bị tê liệt hẳn. Nhiều người Anh và người nước ngoài khác đã cuốn gói chuồn khỏi Hương Cảng. Cuộc bãi công gần đến thắng lợi hoàn toàn thì phải chấm dứt, vì bọn Tưởng Giới Thạch phản.
Từ năm 1925 đến đầu năm 1927, phong trào cách mạng chung tiến rất thuận lợi. Ở TrungQuốc thì quân “Bắc Phạt” Quảng Đông đánh đâu thắng đó. Họ đã lấy được Thượng Hải, Nam Kinh và đang tiến thẳng lên Hoa Bắc. Phong trào công nhân, nông dân, học sinh rầm rộ khắp nơi. Ở Việt Nam, thì nhiều thanh niên được huấn luyện ở Quảng Châu đã trở về nước và hăng hái hoạt động bí mật ở nhà máy, ở nông thôn, ở trường học từ Bắc đến Nam.
Vào khoảng đầu năm 1927, bọn Tưởng Giới Thạch phản bội cách mạng, thẳng tay khủng bố. Đảng Cộng sản và các đoàn thể quần chúng đều phải đi vào bí mật. Hội “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” cũng vậy, Bác cũng phải bí mật rời khỏi Quảng Châu.
Sau ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, cụ Tôn Trung Sơn thấy rõ ràng cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) chưa phải đã thắng lợi. Tuy Trung Quốc đã xoá bỏ chế độ vua chúa, nhưng vua Mãn Thanh vẫn được giữ “tiểu trào đình” ởBắc Kinh, bọn đế quốc vẫn hoành hành, bọn quân phiệt vẫn chia nhau thống trị, công nhân và nông dân vẫn bị áp bức bóc lột như xưa. Cụ bèn chấn chỉnh lại Quốc dân đảng và định ra ba chính sách lớn là: Thân Nga, thân cộng, giúp đỡ công nông. Từ đó, lực lượng cách mạng ở Quảng Đông ngày càng phát triển.
Cuối năm 1924, cụ Tôn Trung Sơn lên Bắc Kinh đàm phán với các nhóm chính trị, nhằm tìm cách thống nhất Trung Quốc. Chẳng may cụ ốm và chết trước khi khai hội nghị. Bọn Tưởng Giới Thạch và Uông Tinh Vệ lên nắm quyền lãnh đạo Quốc dân đảng và đến năm 1927, chúng ra mặt phản cách mạng. Cuộc “Quốc Cộng hợp tác” lần thứ nhất tan rã. Nội chiến bắt đầu. Đảng Cộng sản tổ chức Hồng quân, lập chính quyền Xô viết ở những vùng mình chiếm được. Đến năm 1931, Nhật Bản xâm lược Trung Quốc. Bọn Tưởng Giới Thạch muốn thoả hiệp đầu hàng. Đảng Cộng sản kêu gọi chấm dứt nội chiến để toàn dân chống Nhật. Dưới sức ép của nhân dân, Quốc dân đảng buộc phải đồng ý cuộc “Quốc Cộng hợp tác” lần thứ hai, nhưng bọn Tưởng Uông vẫn có âm mưu “dùng Nhật diệt cộng”.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Năm 1945, trước thế tiến công “như chẻ tre” của Hồng quân Liên Xô, Nhật Bản thất bại phải đầu hàng và chuồn khỏi Trung Quốc. Đế quốc Mỹ giật dây, Tưởng quay lại chống cộng. Nội chiến lại bùng nổ. Sau năm năm chiến đấu vô cùng gian khổ và anh dũng, Đảng Cộng sản đã tiêu diệt năm triệu quân của Tưởng, đuổi để quốc Mỹ ra khỏi Trung Quốc, và thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
**
Hôm ấy mới bốn giờ chiều, nhưng đã đi được ngót 40 cây số, Bác và chúng tôi vào nghỉ ở một xóm đồng bào Nùng. Chúng tôi đang mở ba lô sắm sửa nấu ăn thì bỗng nghe đồng bào trong xóm gọi nhau: “Ra xem tù binh! Ra xem tù binh!”. Chúng tôi cũng theo ra xem.
Một tốp hơn một trăm tên vừa quan vừa lính của Tiểu đoàn Sáctông, do một tiểu đội ta giải đi, đang kéo qua làng. Số đông chúng chỉ mặc áo lót, quần lót, vì trước đây vài hôm, chúng đã bị quân ta đánh úp, không kịp trở tay, cũng không kịp mặc áo. Tên nào cũng mặt mày khờ khạo, râu ria xồm xoàm. Có tên dù không bị thương cũng giả đò đi cà nhắc. Bao nhiêu “khí thế iêng hùng” của bọn lê dương, của “quân đội đại Pháp” đều biến mất hết. Trước kia, chúng ngang tàng dữ tợn bao nhiêu, thì bây giờ chúng càng mếu máo tiều tụy bấy nhiêu, chúng đã trở nên một đàn người chẳng nên người, ngợm không ra ngợm.
Trong đám chúng có một tên ở trần, áo lót cũng không có. Hoàng hôn ở vùng rừng thì trời bắt đầu rét, nó chạy co ro. Chạnh lòng thương hại, Bác cởi vất cho nó một cái áo. Nó chắp tay vái và miệng lẩm bẩm: “Cảm ơn Ngài? Cảm ơn ngài!”. Bác bảo nó: “Thôi, đi đi!”.
Anh em bộ đội cho biết rằng: Bọn tù binh Pháp sợ hãi ghê lắm. Chúng sợ chết. Theo chính sách của Đảng và Chính phủ, ta đối đãi tù binh một cách nhân đạo.
Nhưng ta cho chúng ăn uống khá, thì chúng sợ rằng “Việt Minh nuôi cho béo, rồi mới giết”. Sau khi giải thích cho chúng hiểu chiến tranh xâm lược là phi nghĩa, Việt Nam nhất định thắng, thực dân nhất định thua - ta thường thả một số tù binh. Được thả, chúng cũng sợ rằng “Việt Minh sẽ phục kích chúng trong rừng để khỏi phải nuôi tốn gạo”. Sở dĩ như vậy, là vì chúng đã bị thực dân tuyên truyền nhồi sọ: “Lính Pháp thà chết còn hơn, nếu lọt vào tay Việt Minh thì sẽ bị móc mắt, cắt tai, chặt đầu, mổ bụng...”.
Những tù binh được ta thả, về đến đơn vị chúng bị nhốt lại rồi tống về Pháp ngay. Bọn chỉ huy Pháp sợ họ tuyên truyền chống chiến tranh.
Dù sao, chính sách nhân đạo của ta đã có ảnh hưởng tốt, nhất là đối với binh lính người châu Phi. Từ khi họ biết ta đối đãi tốt những tù binh người Phi, thì trong các cuộc càn quét, họ không hung ác như trước, có khi họ còn tỏ đồng tình vớiđồng bào ta...
Tối hôm nay, chúng tôi nghỉ ở nhà cụ Thèng, đồng bào Nùng. Nhà sàn rộng rãi, sạch sẽ, nhưng trống trải. Như để trả lời câu hỏi mà chúng tôi chưa thốt ra, cụ Thèng nói: Vùng này đồng bào triệt để làm “Vườn không, nhà trống”. Của cải, lương thực đều đưa hết vào lán trong rừng, phòng giặc Pháp cướp phá. Bây giờ giặc thua rồi, ta thắng rồi, đồng bào bắt đầu dọn về nhà...
Cụ Thèng đã ngoài 60 tuổi, nhưng vẫn mạnh khoẻ và nhanh nhẹn. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết rằng cả nhà này đều tham gia kháng chiến. Cụ Thèng là phó đội trưởng du kích xã. Cụ bà là “mẹ chiến sĩ”. Anh cả đã hy sinh oanh liệt trong trận đầu tiên trên đường số 4. Anh hai và anh ba đang ở bộ đội. Hai cô dâu đều là đội viên dân quân du kích. Cô Kim, con gái thứ tư làm y tá, rất gan dạ trong khi cứu chữa thương binh, đã được khen thưởng nhiều lần. Con trai thứ năm là em Pồn, mười ba tuổi và con gái út là em Hoà mười tuổi, đều làm “liên lạc viên”.
Thật là “một nhà trung hiếu, muôn thuở thơm danh!”. Độ bảy giờ tối, ông cụ mang súng đi tuần, Pồn và Hoà đi học, tay cắp sách, tay xách đèn - cái đèn thắp dầu hoả, làm bằng lọ mực. Khắp vùng này cũng như ở nhiều nơi khác, để tránh máy bay địch, trường học chỉ dạy ban đêm. Khoảng bảy giờ tối, từng toán nhi đồng dắt tay nhau đi học, em nào cũng xách một cái đèn. Từ xa trông lại, hàng chục cái đèn biến thành một con rồng lượn trên đồng lúa, nương bông. Vừa vui mắt, vừa cảm động. Cảm động vì gặp hoàn cảnh khó khăn mấy, con em ta cũng vẫn cố gắng học.
Cũng như thường lệ, sáng hôm nay, chúng tôi dậy sớm (cả nhà cụ Thèng đã đi công tác từ lâu), nấu cơm gói vào mo cau để ăn trưa, Bác cháu mỗi người ăn một bát lót bụng rồi thong thả lên đường.
Ở vùng này, lúc hoàng hôn và lúc tảng sáng, phong cảnh rất nên thơ. Gió rừng thổi vi vu làm các ngành cây đu đưa một cách nhẹ nhàng, yểu điệu. Mặt trời chênh chênh rọi xuống, biến triệu giọt sương trên lá cây ngọn cỏ thành những hạt ngọc nhấp nháy, lung linh. Những con suối trong vắt chảy róc rách, họa vần với giọng ca hót líu lo của hàng nghìn hàng vạn chim rừng. Nhiều khi người ta ngửi thấy mùi thơm của hoa và nhựa cây từ xa bay đến, phảng phất và nhẹ nhàng. Trên trời xanh biếc có vài đám mây trắng đủng đỉnh bay, giống hệt những chiếc thuyền buồm khoan thai lướt trên mặt biển. Bên ven rừng, hàng vạn con bướm nho nhỏ vàng vàng bay phất phớt như muốn thi đua với khách đi đường. Như để làm cho phong cảnh thiên nhiên càng thêm màu thêm vẻ, mấy chú bé cưỡi trên lưng những con trâu béo núc na núc ních, em thì hò hát, em thì giở sách chăm chú ôn lại bài học tối hôm qua. Khó mà nói đó là bài thơ trong bức vẽ, hay là bức vẽ trong bài thơ.
Trong những lúc đó, nếu không gặp những tốp tù binh Pháp, không gặp những đơn vị bộ đội ta đang phấn khởi tiến lên mặt trận và đồng bào dân công đang hăng hái vận tải tiếp tế - thì người ta có cảm giác đang sống trong một thế giới thái bình.
* *
Tiếp tục câu chuyện hôm qua, Bác nói: Tuy bọn Quốc dân đảng khủng bố tợn, Bác vẫn nán ở lại Quảng Châu một thời gian, vì Bác cần bí mật liên lạc với các đồng chí Trung Quốc và cần duy trì công việc của hội “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí”. Nhưng một đêm đã canh khuya, vào đầu tháng Năm năm 1927, đồng chí Lĩnh (người Việt Nam, tốt nghiệp tại Trường sỹ quan Hoàng Phố, làm việc ở Sở Công an) đến báo tin: “Chúng sắp bắt anh đấy! Tính thế nào, anh phải tính nhanh đi!”. “36 chước, chước “chuồn” là hơn”, Bác liền bí mật đi Hương Cảng.
Đến Hương Cảng, bị Sở mật thám Anh xét hỏi. Cũng như đối với mật thám Pháp, mật thám Ý, lần này gặp mật thám Anh, Bác cũng đối phó xong xuôi, dù lần này khó khăn hơn nhiều. Chúng bảo Bác phải rời khỏi Hương Cảng trong 24 giờ.
Lên Thượng Hải, bọn Quốc dân đảng cũng khủng bố gắt. Để che mắt mật thám, Bác mặc thật bảnh, ở khách sạn thật sang. Nhưng kế ấy không thể kéo dài, tốn tiền quá.
Chỉ còn một cách là chạy về Tổ quốc cách mạng - chạy về Liên Xô. Bác làm việc một thời gian ở Mátxcơva, và ở Bá Linh rồi ở Pari. Cố nhiên, lần này không đến gặp quan thượng thư thuộc địa, và phải hết sức khéo léo tránh mặt những người “bạn” mật thám Pháp đã quen thuộc Bác năm xưa... Bác được phái đi dự cuốc Hội nghị quốc tế “chống chiến tranh đế quốc” ở Brúcxen, thủ đô nước Bỉ. Đến ga xe lửa, thì Bác gặp đồng chí Xan Catadama - người sáng lập Đảng Cộng sản Nhật. Vì tuổi già, đồng chí được đoàn thể cấp cho vé xe hạng nhất. Khi thấy Bác đi hạng ba, đồng chí cũng quyết đi hạng ba, mặc đù Bác khẩn khoản mời đồng chí cứ đi hạng nhất cho khoẻ khoắn. Đồng chí Xan Catadama là một người thợ nhiều nghề, đấu tranh đã nhiều, lênh đênh không ít. Tính rất kiên quyết, đồng thời rất hiền lành.
Đến dự Hội nghị, có nhiều đại biểu các nước thuộc địa, và đại biểu mấy đảng cộng sản các nước đế quốc. Ở hội nghị, Bác có gặp người chiến sĩ lão thành yêu nước là cụ Nêru - thân sinh của Thủ tướng Nêru.
Sau Hội nghị ít lâu, Bác đi Thuỵ Sĩ, sang Ý để dần dà đi về Tổ quốc.
Thuỵ Sĩ và một nước nhỏ, chỉ rộng hơn 41.000 cây số vuông, với hơn năm triệu dân. Vì ở vào giữa ba nước Pháp, Đức, Ý, cho nên người Thụy Sĩ nào cũng biết ba thứ tiếng; nói chung thì trình độ văn hoá khá cao. Phong cảnh rất đẹp; có núi Anpơ cao hơn 4.000 thước và tuyết phủ suốt đời. Có hồ Giơnevơ mênh mông, dài 70 cây số, rộng 12 cây số, sâu hơn 300 thước v.v.. Mỗi năm có hàng chục vạn người nước ngoài đến thăm; “lữ hành” là một nguồn lợi lớn, được coi như một ngành công nghiệp.
Hồi đó, nước Ý đang bị bọn phát xít Mútxôlini thống trị. (Mútxôlini cướp chính quyền năm 1922, bị nhân dân xử tử năm 1945). Ở các hiệu buôn, các trường học, các cơ quan, các nhà tù, hai bên đường... nơi nào cũng treo ảnh Mútxôlini với những áo mũ khác nhau. Khi thì như đô đốc hải quân. Khi thì như đại nguyên soái. Khi thì như tổng tư lệnh không quân. Khi thì như quận công - thủ lĩnh tối cao của đảng phát xít... Nhưng bộ mặt vênh vang dễ ghét thì bao giờ cũng không thay đổi.
Khi Bác xin giấy phép đi qua nước Ý, cơ quan phát xít hỏi nhiều câu lôi thôi. Đến biên giới, công an biên phòng phát xít giở xem quyển “tự điển chống cộng quốc tế”, dày khoảng 2.000 trang, ghi tên tuổi những người cách mạng các nước, từ chữ A đến Z. Không thấy tên mới của Bác trong đó, chúng chào lễ phép và nói: “Mời ông cứ đi!”.
Đến phía bắc nước Ý, Bác ghé nào xem hội chợ ở Milan, một thành phố buôn bán phồn thịnh nhất nước Ý. Ở đó có một các tháp cao, ai muốn lên tháp xem phong cảnh chung quanh, thì phải mua vé. Bác chào ông cụ già gác tháp và hỏi bằng tiếng Ý: “Sao cụ, đời sống thế nào?”. Nhìn trước nhìn sau không có ai, ông cụ thở dài và nói: “Ôi, khổ lắm ông ạ! Biết bao giờ sẽ chấm dứt chế độ này…!”.
Khi đi xem phong cảnh thủ đô Rôm, Bác bị hỏi giấy và bị đưa về Sở Công an. Cũng nhờ bị bắt mà Bác hiểu thêm cách thống trị của phát xít. Trên các đường phố cứ cách độ 100 thước, thì có một tên mật thám. Cách 500 thước thì có một tên tổ trưởng mật thám. Tên mật thám hỏi giấy và bắt Bác hầu như mù chữ. Tại Sở Mật thám, chúng ra vẻ lễ độ. Tên trưởng phòng đứng dậy bắt tay Bác, mời Bác ngồi và mời Bác hút thuốc, rồi hỏi những câu bâng quơ. Người ít kinh nghiệm thì dễ rơi vào cạm bẫy của chúng...
Rôm là một thủ đô khá đẹp, với khoảng hai triệu nhân dân, có nhiều di tích lịch sử gần 8.000 năm. Hầu như đường phố nào cũng có một nhà thờ công giáo hoặc to, hoặc nhỏ. Thành phố xa hoa nhộn nhịp, “ngựa xe như nước, áo quần như nên”. Nhưng người thường dân thì cực khổ, vì giá sinh hoạt đắt đỏ và thuế khoá nặng nề. Ngủ khách sạn một đêm cũng phải nộp thuế. Ăn một đĩa súp cũng phải nộp thuế. Đi xem chiếu bóng cũng phải nộp thuế. Một bạn công nhân Ý nói khẽ với Bác: “Người Ý từ lúc còn ở trong bụng mẹ cho đến sau khi vào quan tài, động một chút là phải nộp thuế!”.
Bên cạnh Rôm có thành phố Vatican - là cung điện Giáo hoàng, đại bản doanh của đạo Thiên chúa. Ở đó có nhiều nhà thờ và lâu đài rất nguy nga đồ sộ. Bộ đội của Giáo hoàng canh gác nơi đây vẫn ăn mặc như lính phong kiến cách đây hơn 300 năm, khi nhà thờ đòi đốt sống ông Galilê nếu ông không chịu bỏ cái lý thuyết rằng quả đất xoay vần. Rất đông khách nước ngoài đến xem Vatican, nhất là những ngày có cúng lễ lớn thì có đến hàng chục vạn người. Dân cư chính cống ở thành phố này không đầy 1.000 người, số đông là nhân viên của toà thánh. Viện bảo tàng có trưng bày những gông cùm mà trước đây nhà thờ dùng để phạt những người dân thiếu thuế, thiếu nợ. Có một cái guồng xe như cái đu tiên, người ta trói ngửa người bị phạt vào đó, cột chặt mình mẩy và chân tay vào guồng xe, rồi vừa đánh vừa quay tít thò lò…!
Bác đến cửa biển Náplơ, đi xem núi lửa Vêxuvơ và di tích Pompêi. Đời xưa, Pompêi là một thành phố nghỉ mát của người Rômanh. Cách đây khoảng l.880 năm, Pompêi bất thình lình bị tro và bùn núi lửa Vêxuvơ vùi lấp hết. Về sau người ta đào lên dần dần. Ngày nay, dấu tích nhà cửa vẫn còn. Nhiều bức vẽ trên tường ghi tả đời sống xa hoa dâm dật của bọn quý tộc - màu sắc vẫn còn tươi đẹp. Núi lửa Vêxuvơ không dữ tợn như trước, nhưng vẫn phun khói mù trời.
Bác đáp tàu Nhật Bản đi sang Xiêm. Ở Xiêm, Bác giúp kiều bào chỉnh đốn thêm những đoàn thể yêu nước, và tổ chức thêm trường học dạy các trẻ em. Kiều bào ở Xiêm có thể chia làm ba hạng. (A) là những đồng bào nghèo - số đông từ hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị - sang Xiêm buôn bán kiếm ăn. (B) là cháu chắt những đồng bào theo đạo Thiên chúa bị Triều đình Minh Mạng và Tự Đức khủng bố, chạy trốn sang Xiêm. Những kiều bào này ở tập trung thành từng xóm từng làng. Họ vẫn nói tiếng Việt và ăn mặc như người Việt dù họ đã đấy quốc tịch Xiêm. (C) là những người đã tham gia phong trào Văn thân ngày trước và phong trào cách mạng ngày nay, bị thực dân Pháp khủng bố mà chạy sang đây. Khi đông người thì ở tập trung từng xóm, ít người thì xen lẫn với kiều bào cũ.
Nói chung, kiều bào đều đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, nhớ thương Tổ quốc, và căm thù thực dân. Có những cán bộ rất tận tuy và được kiều bào tin cậy.
Bà con Xiêm đối với kiều bào ta cũng tử tế. Chuyện sau đây chứng tỏ cảm tình tốt của người Xiêm đối với kiều bào: Cụ Tú Hứa (em cụ Đặng Nguyên Cẩn) là một người cách mạng già rất gương mẫu. Một hôm thực dân Pháp phái chủ mật thám sang yêu cầu Chính phủ Xiêm bắt giùm cụ Tú cho chúng. Viên quan địa phương cho mời cụ Tú đến trụ sở và hơn mười cụ già Xiêm đều da đen, người thấp, râu bạc, giống hệt cụ Tú, rồi bảo tên mật thám Pháp: “Đấy, ông xem ai là Tú Hứa thì ông bắt đi. Nhưng nếu ông bắt nhầm người công dân Xiêm, thì ông sẽ phải chịu phạm luật quốc tế!”. Tên mật thám nhìn kỹ, thấy ông già nào cũng giống nhau, nó không nhận ra ai là cụ Tú. Kết quả là nó phải cụp đuôi chuồn không dám bắt ai.
Ở Xiêm khoảng một năm, Bác được tin Hội “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” chia rẽ thành ba phái và tổ chức ba đảng cộng sản khác nhau. Nóng ruột, Bác lại bí mật trở về Trung Quốc, và mời đại biểu ba phái đến Hương Cảng họp hội nghị. Đến dự hội nghị có Bác và các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Tản Anh, Nguyễn Đức Cảnh…
Để giữ bí mật, hôm thì mấy anh em giả đánh “mạt chược” ở khách sạn, hôm thì đến sân vận động xem đá bóng. Sau mấy buổi bàn cãi sôi nổi, đến ngày 3 tháng Hai năm 1930 (vào dịp Tết Âm lịch), ba phái đều đồng ý thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Mọi người đều vô cùng vui mừng, phấn khởi. Để chúc mừng Đảng ra đời, Bác đãi một bữa Tết Nguyên đán vừa tiết kiệm, vừa linh đình.
Bác nói: Từ năm 1918, Bác gửi cho Hội nghị Vécxây (Hội nghị hoà bình giữa các nước dự cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, họp ở Pháp) tám khoản yêu cầu của nhân dân Việt Nam, đến năm 1920 - vào Đảng Cộng sản Pháp, đến năm 1924 – dự Đại hội lần thứ năm của Quốc tế Cộng sản và năm 1930 - dự cuộc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là những ngày sung sướng nhất trong đời Bác.
Từ đó, giai cấp công nhân Việt Nam có đảng tiên phong của mình, và ngay từ đầu Đảng đã nắm quyền lãnh đạo cách mạng. Tin mừng về việc thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vô cùng phấn khởi, và từ đó cuộc vận động cách mạng ào ạt tiến lên từ Bắc đến Nam.
Sau đó, Bác sang Xiêm và Mã Lai... Trở lại Hương Cảng được ít lâu, thì bị đế quốc Anh bắt giam.
Nghe câu chuyện đến đây, chúng tôi rất hồi hộp. Nhưng xem đồng hồ vừa đúng 11 giờ. Cũng vừa gặp một con suối quanh co với những tảng đá lô nhô, nước chảy trong vắt, hai bên bờ có nhiều cây cổ thụ rải bóng mát êm đềm như những bức màn khổng lồ. Thiên nhiên như tỏ ý ân cần mời khách đi đường tạm nghỉ bước. Bác cháu chúng tôi ăn xong cơm nắm, rồi với thú vui “màn đời chiếu đất” ngủ trưa một giấc ngon lành../.
(Còn nữa)
Tác phẩm - Sự kiện
Add comment