Ngày 27 tháng 9 năm 2024, tại kỳ họp lần thứ 18 (kỳ họp chuyên đề) của Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Sự cần thiết để ban hành Nghị quyết
Từ năm 2006, trên địa bàn huyện Cần Giờ đã có một số nhà đầu tư trong nước đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến. Đến năm 2008, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chấp thuận chủ trương triển khai đề án thí điểm nuôi chim yến trong nhà tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ với quy mô xây dựng tối đa 10 nhà nuôi, diện tích xây dựng 200 m2/nhà. Tuy nhiên, ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà yến, đặc biệt là tại các quận nội thành, trong khu dân cư tập trung. Hầu hết các nhà nuôi chim yến đều tự phát, không đăng ký với chính quyền địa phương; các nhà nuôi yến không được cấp phép xây dựng hoặc được cấp phép xây dựng nhà ở nhưng cải tạo, cơi nới thành nhà nuôi chim yến; việc phát loa dẫn dụ và tiếng kêu của chim yến tại các nhà yến trong nội thành, khu dân cư tập trung gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng; không có các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên chim yến.
Thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến như địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa với nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định trong năm. Nghề nuôi chim yến tạo ra những hiệu ứng tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm gia tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp của Thành phố, góp phần khống chế côn trùng gây hại cho cây trồng, vật nuôi; giúp nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học, trồng rừng, bảo vệ thiên nhiên; tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.
Ngoài ra, phát triển nghề nuôi yến sẽ thúc đẩy phát triển ngành du lịch sinh thái đặc biệt là tại huyện Cần Giờ, hình thành làng nghề nuôi chim yến thu hút khách du lịch, gắn kết giữa nuôi chim yến với nuôi trồng thủy sản hoặc kết hợp tạo dựng môi trường sinh thái để khai thác dịch vụ du lịch tổng hợp, góp phần tăng thêm nhiều giá trị từ đất đai, mô hình, thu hút thêm nhiều lao động tại địa phương.
Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Hải quan Trung Quốc đã có Nghị định thư về kiểm dịch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nước ngoài, đem lại lợi nhuận cao và ổn định, thúc đẩy sự phát triển của ngành nuôi chim yến.
Việc xác định vùng nuôi chim yến phải phù hợp với tập tính sinh sống hoang dã và phát triển của chim yến; bao gồm các yếu tố hướng chim bay, môi trường có nhiều sông, rạch, rừng tự nhiên để cung cấp nguồn thức ăn sinh vật phù du cho chim yến và hiệu quả kinh tế của các nhà yến hiện hữu trên địa bàn.
Từ đó xác định 20 phường, xã của 03 huyện và thành phố Thủ Đức thỏa mãn các điều kiện phát triển nuôi chim yến ổn định, bao gồm:
- Thành phố Thủ Đức có 01 phường: phường Long Phước.
- Huyện Cần Giờ có 04 xã: xã An Thới Đông, xã Bình Khánh, xã Lý Nhơn và xã Tam Thôn Hiệp.
- Huyện Củ Chi có 09 xã: xã An Nhơn Tây, xã An Phú, xã Bình Mỹ, xã Hòa Phú, xã Nhuận Đức, xã Phú Hòa Đông, xã Phú Mỹ Hưng, xã Thái Mỹ và xã Trung An.
- Huyện Hóc Môn có 06 xã: xã Đông Thạnh, xã Nhị Bình, xã Tân Hiệp, xã Thới Tam Thôn, xã Xuân Thới Sơn và xã Xuân Thới Thượng.
2. Những tích cực mang lại khi Nghị quyết ban hành
Hình thành vùng nuôi chim yến tập trung, ổn định trên địa bàn Thành phố, đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động dẫn dụ, gây nuôi chim yến, bảo vệ và phát triển cảnh quan đô thị.
Khai thác hiệu quả các vùng sinh thái có điều kiện môi trường tự nhiên phù hợp cho chim yến sinh sống và phát triển (tại các khu vực ít dân cư tập trung, có nhiều rừng cây, có diện tích mặt nước lớn) để góp phần phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Đảm bảo phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà có hiệu quả và bền vững tạo được công ăn việc làm ổn định cho nhân dân tại địa phương, từng bước nâng cao mức thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
CHI CỤC CHĂN NUÔI VÀ THÚ Y
Tin tức hoạt động
Add comment