Nguồn: nguoichannuoi.vn (08/5/2025)
Hội nghị do Cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì tổ chức diễn ra sáng nay (ngày 8/5) tại Hà Nội với sự tham gia của cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người nuôi chim yến.
Toàn cảnh Hội nghị “Triển khai Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc” diễn ra sáng 8/5 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến là một trong số hai Nghị định thư lĩnh vực chăn nuôi mà Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc. Đây là sản phẩm quý hiếm mang thương hiệu Việt Nam được thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, số lượng yến xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Theo ông Thắng, để đưa tổ yến trở thành ngành hàng xuất khẩu chiến lược, bền vững cần có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân từ khâu tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, truy xuất nguồn gốc,…
“Chúng ta cần đưa yến trở thành ngành hàng mũi nhọn xuất khẩu. Việc nâng cao giá trị của sản phẩm, tổ chức liên kết sản xuất rất quan trọng, trong đó cần tập trung xây dựng chuỗi liên kết từ cơ sở nuôi chim yến, đến chế biến và tiêu thụ trên thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm”, ông Thắng nhấn mạnh
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y phát biểu tại Hội nghị.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước có 40/63 tỉnh, thành phố có nhà nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua, từ trên 8.300 nhà yến năm 2017 đến năm 2024 cả nước đã có khoảng 29.320 nhà yến. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Đắk Lắk. Kế hoạch đặt ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 sản lượng tổ yến dự kiến đạt 350 – 400 tấn/năm.
Từ năm 2018, tổ yến đã là một trong các sản phẩm được Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chú trọng, đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Sau 4 năm tích cực đàm phán, ngày 09/11/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến sạch của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã chính thức được ký kết giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN&PTNT (Nghị định thư 2022). Đây là thành công to lớn, mở ra thị trường tiềm năng cho ngành yến Việt Nam, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo động lực phát triển mạnh mô hình nuôi chim yến, chế biến tổ yến.
Hiện nay cả nước có 40/63 tỉnh, thành phố có nhà nuôi chim yến.
Qua 4 năm triển khai Nghị định thư 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước giới thiệu sản phẩm tổ yến “Made in Việt Nam” vào thị trường Trung Quốc và đạt được những kết quả bước đầu. Đến nay, cả nước đã có 13 doanh nghiệp được Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu sản phẩm tố yến vào thị trường này. Hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm từ yến được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá trị hơn 4 triệu USD. Hơn 70 doanh nghiệp tham gia các chương trình giám sát, hoàn thiện nhà máy chế biến để được cấp phép xuất khẩu. Hơn 4.000 nhà yến tham gia vào chương trình giám sát an toàn dịch bệnh. Hơn 220 mẫu tổ yến được xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Nhằm mở rộng loại sản phẩm tổ yến xuất khẩu, ngay sau khi ký Nghị định thư 2022, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tiếp tục đàm phán để xuất khẩu tổ yến thô sang Trung Quốc. Kết quả, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khấu tổ yến vào ngày 15/4/2025 (Nghị định thư tổ yến bao gồm cả yến sạch, tổ yến thô và sẽ thay thế cho Nghị định thư năm 2022).
Trên cơ sở thực tiễn và pháp lý hiện nay, Cục Chăn nuôi và Thú y kiến nghị các địa phương sớm thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội; Tổ chức thống kê, tiếp nhận kê khai, khai báo hoạt động chăn nuôi chim yến trên địa bàn. Các cơ quan quản lý chuyên ngành cần căn cứ vào Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn Luật để kiểm tra, kiểm soát hoạt động nuôi chim yến, môi trường và vệ sinh thú y của các cơ sở dẫn dụ, nuôi và khai thác chim yến trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, các hiệp hội, chi hội phát huy vai trò để thu hút các thành viên tạo sức mạnh cho ngành yến; Tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong sản xuất, chế biến và thị trường; Phối hợp với cơ quan chuyên môn, quản lý trong công tác tư vấn, phản biện trong công tác xây dựng thể chế xây dựng thương hiệu, để ngành yến tăng hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.
>> Với lợi thế bờ biển dài, nhiều đảo và các dãy núi nhô ra biển, ra các đầm, phá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến, chế biến sản phẩm tổ yến. Chất lượng sản phẩm tổ yến của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực.
Thùy Khánh
Tin tức hoạt động
Add comment