Ngày 28/6/2006, Hội đồng Khoa học thuộc Sở Khoa học và Công Nghệ Tp. Hồ Chí Minh đã nghiệm thu đề tài khoa học: “Ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện điều kiện vệ sinh thú y đàn bò sữa xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn”, do Chi cục thú y là cơ quan thực hiện; Bác sĩ Huỳnh Hữu Lợi là chủ nhiệm đề tài. Kết quả đề tài được đánh giá khá. 1. Kết quả đề tài được ghi nhận như sau: - Hệ thống công nghệ thông tin quản lý tình hình chăn nuôi, thú y đàn bò sữa đã được hoàn tất, bước đầu phục vụ tốt cho công tác lưu trữ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất các diễn biến của đàn bò sữa trên địa bàn ; khai thác được các thông tin chuyên ngành phục vụ cho sản xuất - Kết quả điều tra tình hình chăn nuôi, thú y tại Xã Xuân Thới Thượng cho thấy trên địa bàn có nghề chăn nuôi bò sữa khá lâu, bên cạnh đó còn có một số hộ chăn nuôi mới vào nghề. Về cơ cấu giống đàn bò cái sinh sản: HF F1 chiếm tỷ lệ thấp (9,64%), HF F2 chiếm tỷ lệ cao nhất (85,34%) và HF F3 chiếm tỷ lệ thấp nhất (5,02%), năng suất sữa bình quân 14,8kg/con/ngày cao hơn so với bình quân chung toàn thành phố. Thức ăn tinh bình quân 5kg/con/ngày đạt yêu cầu, nhưng thức ăn thô bình quân 28kg cỏ/con/ngày còn thiếu so với yêu cầu. Chuồng trại đa số thấp, nóng, tình trạng vệ sinh kém và trung bình đạt đến 75,8%. Phương thức chăn nuôi tập trung, cầm cột trong chuồng là chính. Hầu hết các hộ chăn nuôi đều thuê người vắt sữa. Về tình hình thú y cho thấy công tác tiêm phòng theo quy định của Nhà nước được thực hiện tốt. Tình hình bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng không có, tuy nhiên các bệnh khác nhất là các bệnh viêm tử cung, viêm vú thường xảy ra. - Đã thực hiện cải thiện điều kiện vệ sinh thú y 30 chuồng nuôi bằng biện pháp nâng cấp chuồng nuôi với mái đôi đảm bảo sự đối lưu không khí làm giảm được nhiệt độ trong chuồng; độ dốc nền và hệ thống thoát nước tốt, giúp chuồng luôn khô ráo; bố trí máng ăn hở dễ thao tác cho ăn và vệ sinh, khoảng không gian chỗ đứng của bò hợp lý giúp tận dụng được diện tích chuồng nuôi và dễ dọn vệ sinh, giảm sự đọng phân phía sau vị trí bò đứng. Đã lắp đặt túi biogas tại 30 chuồng nuôi bò sữa nêu trên. - Kết quả cải thiện điều kiện vệ sinh thú y chuồng nuôi đã làm giảm rõ rệt nhiệt độ, ẩm độ và nồng độ các khí độc NH3, H2S trong chuồng. - Tỷ lệ nhiễm Leptospira sau khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y chuồng trại là 13,54% giảm hẳn so với trước khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y chuồng trại là 31,25%. - Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng đường máu sau khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y chuồng nuôi là 5,21% giảm hơn so với tỷ lệ nhiễm trước khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y chuồng nuôi (8,75%). - Tỷ lệ viêm vú tiềm ẩn sau khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y chuồng trại là 19,12% giảm hơn so với tỷ lệ nhiễm trước khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y chuồng trại (41,54%), kiểm tra viêm vú tiềm ẩn theo mùa cho thấy tỷ lệ nhiễm sau khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y chuồng trại là 27,71% giảm hơn so với tỷ lệ nhiễm trước khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y chuồng trại (55,88%). Kết quả phân lập vi khuẩn cho thấy viêm vú tiềm ẩn chủ yếu do Streptococcus spp gây ra. - Bước đầu đánh giá hiệu quả kinh tế cho thấy lợi nhuận người chăn nuôi thu được tăng lên 1.250.000đ/ bò cái sữa/ năm. 2. Qua kết quả nêu trên, đề tài còn một số hạn chế cần tiếp tục được thực hiện : - Cần khảo sát tiếp tục sự thay đổi các tác nhân truyền bệnh (vi khuẩn hiếu khí, vi khuẩn gây dung huyết) trong môi trường chuồng nuôi trước và sau khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y, từ đó có có thể nêu bật được mối tương quan giữa tác nhân gây bệnh trong môi trường chuồng nuôi và tỷ lệ nhiễm một số bệnh trên bò sữa trước và sau khi cải thiện điều kiện vệ sinh thú y. - Cần tăng cường biện pháp vệ sinh đồng cỏ qua đó làm giảm các ký chủ trung gian truyền bệnh ký sinh trùng máu.
Khoa học kỹ thuật
Add comment