Hiện nay, thời tiết tại khu vực nam Trung Bộ và TP.HCM rất nóng, thậm chí trong tháng 4 nhiệt độ có lúc lên đến trên 40 độ C.
Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 95-97%), tiếp đến là mèo. Mùa hè, thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho bệnh dại phát triển, vì thế, có hạn chế được tỷ lệ mắc và tử vong hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cũng như kiến thức phòng bệnh của người dân.
1. Một số thông tin cần biết về bệnh dại:
- Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm chung của người và gia súc (chó, mèo, khỉ...) do siêu vi trùng gây ra nên mức độ nguy hiểm đến tính mạng rất lớn.
- Bệnh Dại do virus gây ra nên không có thuốc điều trị, một khi bệnh đã phát triệu chứng thì chỉ có tử vong, cho nên biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh Dại là tiêm phòng vaccin cho chó, mèo, .. hàng năm.
- Triệu chứng của bệnh dại có 2 dạng:
Dạng thứ 1 là thể điên cuồng: Thời gian ủ bệnh từ 20 - 60 ngày, con vật bị dại sẽ có những biểu hiện bất thường như: ngứa ngáy, hay liếm, bỏ ăn, ăn gạch, đá, cây, sắt..., đứng nằm không yên, chạy rông và cắn bất cứ thứ gì gặp phải. Sau giai đoạn kích thích sẽ xuất hiện giai đoạn bại liệt: tiếng sủa khàn, tru từng cơn dài, thở khò khè, chảy nhiều nước bọt, lưỡi thè ra không cử động được.
Dạng thứ 2 là thể bại liệt: còn gọi là thể “dại câm” vì chó không sủa, có biểu hiện bại liệt sớm, đầu tiên 2 chân sau, kế đến 2 chân trước, sau đó đến liệt phần gáy, đầu, hàm dưới, lưỡi thè ra chảy nhiều nước bọt và chó sẽ chết sau 3 đến 4 ngày do liệt hệ thống hô hấp.
2. Cần xử lý như thế nào khi bị súc vật cắn?
- Khi bị chó mèo cắn, quào hoặc liếm thì phải rửa sạch vết thương ngay bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, sau đó bôi cồn hoặc iốt vào vết cắn. Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virút dại tán phát càng hiệu quả.
- Sau đó, phải nhanh chóng đến ngay các cơ quan y tế gần nhất để khám và tiêm phòng, tuyệt đối không đi "lấy nọc" hoặc chữa bằng thuốc nam.
- Diễn biến bệnh dại trên người theo 2 thời kỳ là ủ bệnh, phát bệnh. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30-90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường từ 2-4 ngày. Trước đó, bệnh nhân bị đau nhức, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức... Sau đó, bệnh nhân sẽ bị co cứng, co thắt cơ thực quản và hô hấp, sợ gió, hạ huyết áp, giãn đồng tử, phản ứng cơ thể dữ tợn...
- Tất cả bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều bị tử vong. Vì thế, ý thức phòng tránh bệnh của mọi người dân là rất quan trọng.
- Đối với súc vật cắn người thì phải nhốt riêng, không cho tiếp xúc với người và súc vật khác; theo dõi triệu chứng lâm sàng trong vòng 15 ngày.
- Nếu chó, mèo... đã chết thì gửi não hoặc ướp nước đá nguyên con đến cơ quan Thú y để xét nghiệm bệnh dại. (Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và điều trị số 151 Lý Thường Kiệt phường 7 Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh).
3. Để phòng chống bệnh dại trong mùa nắng cần chú ý các nội dung sau:
- Chủ vật nuôi phải khai báo, đăng ký nuôi chó, mèo với Ủy ban nhân dân phường xã, cơ quan thú y khi đưa chó, mèo từ nơi khác về nuôi; tăng đàn do mới đẻ hoặc chó, mèo chưa được tiêm phòng bệnh Dại để cơ quan chức năng cập nhật, theo dõi tình hình tiêm phòng trên gia súc hàng năm và tiêm phòng bổ sung đầy đủ.
- Chủ vật nuôi phải thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo, vật nuôi định kỳ hàng năm và lưu giữ Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại theo quy định.
- Khi chủ vật nuôi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường hoặc có triệu chứng nghi bệnh Dại thì phải nhốt ngay chó, mèo đó và báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương trong thời gian nhanh nhất và chấp hành mọi hướng dẫn, xử lý của cơ quan Thú y.
- Khi bị chó, mèo cắn cần theo dõi con vật trong vòng 15 ngày. Con vật trong thời gian theo dõi không được mang đi nơi khác, không được đưa đi tiêm phòng Dại.
- Không được thả rông chó ra nơi công cộng, chó phải được nuôi nhốt trong nhà, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây dẫn, rọ mõm và có người dẫn theo quy định.
- Chó thả rông nơi công cộng sẽ bị Chi cục Thú y bắt và tạm giữ tại số 252 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, sau 48 giờ chó vô chủ sẽ bị tiêu hủy.
- Trên địa bàn Quận Tân Bình, công tác tiêm phòng bệnh Dại cho chó, mèo được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, Trạm Thú y kết hợp UBND 15 phường tổ chức tiêm phòng bệnh Dại đại trà đến tận từng hộ nuôi chó, mèo. Sau khoảng thời gian nêu trên công tác tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi đối với bệnh Dại được thực hiện tại 1009 Cách mạng Tháng tám phường 7, Tân Bình.
* Một số hình ảnh tuyên truyền bệnh dại
Thư viện
Add comment