Theo các nhà khoa học, gần 80% tỷ lệ thụ phấn cây trồng bằng các loài ong hoang dã hiện chỉ tập trung vào 2% trong số những loài phổ biến nhất.
Theo nhóm nghiên cứu Đại học Reading tại Anh, một số lượng nhỏ ong rất cần thiết cho cây trồng như hạt cải dầu, táo và dâu tây. Tuy nhiên, việc bảo vệ một loạt các loài ong sẽ cung cấp một chính sách bảo hiểm chống lại những cú sốc về sinh thái trong tương lai, như biến đổi khí hậu.
Tại Anh, giá trị của sự thụ phấn bởi ong hoang dã ước tính khoảng 1 tỷ bảng Anh một năm.
Giáo sư Simon Potts, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Nông nghiệp tại Đại học Reading cho biết Một vài loài ong hiện đang thụ phấn cho cây trồng có thể sẽ không cùng loài với những gì chúng ta cần trong tương lai. Do đó, việc bảo vệ nhiều loài ong và côn trùng khác là việc rất quan trọng khi khí hậu, môi trường và cây giống của Anh thay đổi, chúng ta có thể kêu gọi các loài thụ phấn phù hợp nhất. Chúng ta cần một nhóm loài lớn và đa dạng trên băng ghế dự bị, sẵn sàng tham gia cuộc chơi ngay khi chúng ta cần để đảm bảo sản xuất lương thực ổn định”.
Một nhóm nhà khoa học quốc tế đã xem lại dữ liệu từ 5 lục địa về các nghiên cứu ong hoang dã thụ phấn cây trồng. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications cho thấy, công việc thụ phấn của ong hoang dã có giá trị gần 1.900 bảng Anh mỗi hecta trên toàn cầu.
Phần lớn công việc này được thực hiện bởi số ít loài ong phổ biến, như một vài loài ong nghệ và ong sống đơn lẻ.
Tuy nhiên, những nỗ lực bảo tồn nên hướng tới bảo vệ số lượng lớn hơn các loài ong, thậm chí những loài hiện chỉ đóng góp chút ít vào công việc thụ phấn cho cây trồng để gìn giữ đa dạng sinh học và đảm bảo an ninh lương thực.
Nghiên cứu sẽ bổ sung thêm tranh luận về giá trị của các yếu tố kinh tế trong việc bảo tồn.
M.H (Theo BBC)
Nguồn: Bộ NN &PTNT
Khoa học kỹ thuật
Add comment