KẾ HOẠCH PHÒNG – CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM NĂM 2020
Ngày 03/02/2020, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn thành phố đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-SNN về phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, với những nội dung như sau:
1. Mục tiêu:
Kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan trên diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm hiệu quả, không để phát sinh các ca bệnh cúm gia cầm chủng (H5 và H7) trên người, trong đó đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn gia cầm thuộc diện tiêm và duy trì các cơ sở chăn nuôi gia cầm đã được công nhận an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm
2. Các nội dung cụ thể:
- Giám sát dịch bệnh và vệ sinh tiêu độc khử trùng, tập trung xây dựng các giải pháp kiểm soát, phòng chống bệnh hiệu quả, phù hợp; tự tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm đúng quy định và thường xuyên áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.
Ngành thú y sẽ lấy mẫu giám sát dịch bệnh và sự lưu hành vi-rút cúm gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, các Trạm kiểm dịch động vật, khu vui chơi, giải trí… trên địa bàn thành phố, để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Định kỳ tổ chức các đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm của gia cầm theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
- Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các cửa ngõ ra vào thành phố, các trục lộ giao thông tại các địa phương; thực hiện đúng quy trình kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ gia cầm; phối hợp với các tỉnh trong kiểm tra các gia cầm, sản phẩm gia cầm đưa vào thành phố tiêu thụ. Kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật tất cả trường hợp vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, nhập lậu hoặc nghi nhập lậu trên địa bàn thành phố.
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, trong đó tuyên truyền về nguy cơ dịch tái phát trên diện rộng, nguy cơ lây truyền qua vận chuyển gia cầm ra vào thành phố; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; không sử dụng giống gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm làm sẵn được bảo quản mát, phải nấu chín, không ăn tiết canh; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh, giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh.
3. Tổ chức thực hiện
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện và Sở, ngành thành phố tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.
Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên cung cấp danh sách các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép và sản phẩm gia cầm không đúng qui định để phối hợp xử lý dứt điểm. Phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật, các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, quận huyện giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm trên địa bàn thành phố. Chủ động lấy mẫu giám sát dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong công tác tầm soát dịch bệnh từ xa. Triển khai thực hiện tháng tiêu độc khử trùng trên địa bàn thành phố theo đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nguy cơ, tác hại và vận động người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng, nhất là tại các khu vực giáp ranh với các tỉnh, các vùng ổ dịch cũ. Tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trái phép còn tồn tại trên địa bàn, các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm tạ các chợ; tiếp tục duy trì lực lượng chốt chặn, kiểm tra tại khu vực có các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép.
- Cục Quản lý thị trường chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành về phòng, chống dịch động vật của thành phố và quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm, nhất là tại các cửa ngõ giao thông ra, vào thành phố; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, khám xét và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm quả tang tồn trữ gia cầm, sản phẩm gia cầm sống trái phép.
- Sở Công thương chỉ đạo các Ban Quản lý chợ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan thú y, bao bì hàng hóa không đúng quy định; có biện pháp xử phạt hoặc đình chỉ kinh doanh đối với các trường hợp tái phạm nhiều lần.
- Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ trì, chỉ đạo các Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố và quận huyện yêu cầu các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm có sử dụng sản phẩm gia cầm tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn phải cam kết sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch của cơ quan thú y; giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh, sơ chế sản phẩm gia cầm tại các chợ Đầu mối nông sản, các điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm trên địa bàn; kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý các bến xe thông báo cho chủ phương tiện vận tải công cộng chấp hành nghiêm việc không vận chuyển gia súc, gia cầm sống và các sản phẩm động vật từ các tỉnh về thành phố. Niêm yết số điện thoại để hành khách kịp thời báo cho các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp phát hiện vận chuyển động vật trái phép từ các tỉnh về thành phố.
- Sở Y tế phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát các trường hợp nhiễm Cúm A (H5N1, H5N6, H7N9, …) trên người và đàn gia cầm, nhằm cảnh báo sớm nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm động vật đảm bảo các quy định của ngành thú y, an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, góp phần giảm thiểu tình trạng giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc.
Tin tức
Add comment