Giải pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ
tại huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Trong những năm qua, ngành thủy sản nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Thành phố, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Nghề nuôi tôm nước lợ với đối tượng nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, chủ yếu tập trung tại huyện Cần Giờ.
Năm 2021, diện tích nuôi tôm nước lợ tại Thành phố là 4.683,32 ha, sản lượng thu hoạch đạt 7.673,12 tấn đã đem lại nguồn lợi đáng kể cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, dưới tác động của việc đô thị hóa, diện tích nuôi tôm ngày càng bị thu hẹp so với các năm trước đây (diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2021 giảm 13,33% so với năm 2020), thêm vào đó, do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn làm cho điều kiện nuôi ngày càng khắc nghiệt, thiệt hại do dịch bệnh, quản lý môi trường ao nuôi chưa hiệu quả đã làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nuôi.
Để kiểm soát dịch bệnh, ổn định và phát triển nghề nuôi tôm nước lợ tại địa phương, được sự chỉ đạo của Thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi, bao gồm một số giải pháp chính như sau:
Hướng dẫn người dân về kỹ thuật nuôi chọn giống, các biện pháp an toàn sinh học, phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm đối với tôm nuôi, quản lý môi trường nuôi, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm xử lý môi trường khoa học, hợp lý.
Các nguồn tôm giống nhập về thuần dưỡng và thả nuôi trực tiếp trên địa bàn Thành phố được kiểm tra, lấy mẫu tầm soát dịch bệnh nguy hiểm. Tổ chức kiểm dịch động vật thủy sản sử dụng làm giống vận chuyển ra/vào địa bàn Thành phố; kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp con giống động vật thủy sản trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện giám sát chủ động và bị động các bệnh nguy hiểm thường xảy ra tại địa bàn như như bệnh Đốm trắng (WSSD), Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND), bệnh do Vi bào tử trùng (EHP), Hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHND); xét nghiệm tầm soát các bệnh có nguy cơ cao xâm nhập vào địa bàn Thành phố như bệnh Taura (TSV), bệnh Đầu vàng (YHV), Hoại tử cơ (IMNV),... Kết quả được thông báo đến hộ thả nuôi, đề nghị hộ nuôi tăng cường các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm nuôi và thực hiện giám sát dịch bệnh.
Chủ động bám sát địa bàn, cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện xét nghiệm xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Thực hiện cấp phát hóa chất tiêu độc khử trùng kịp thời xử lý diện tích thủy sản bị dịch bệnh, không để lây lan ra xung quanh.
Mẫu nước đầu nguồn, mẫu nước vùng nuôi tôm được quan trắc, lấy mẫu xét nghiệm định kỳ 2 lần/tháng tại các vùng nuôi trọng điểm. Các chỉ tiêu xét nghiệm bao gồm độ pH, độ mặn, độ kiềm, nhiệt độ, độ trong, chỉ số NH3-N, DO, COD. Chi cục phối hợp với Chi cục Thủy sản kịp thời cung cấp kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường nuôi để người dân chủ động ứng phó với những điều kiện môi trường bất lợi.
Phối hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ thành lập tổ liên ngành thường xuyên kiểm tra khu vực bến phà Bình Khánh để kiểm dịch, kiểm soát nguồn tôm giống nhằm loại trừ tôm giống kém chất lượng, đảm bảo cung cấp tôm giống có chất lượng tốt, sạch bệnh cho người dân.
Tại Cần Giờ, có 17 cơ sở đăng ký buôn bán thuốc thú y thủy sản trong tổng số 45 cơ sở của Thành phố. Hàng năm Chi cục tổ chức 02 đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh tại các cơ sở buôn bán thuốc thú y theo quy định. Chi cục đánh giá xếp loại và thực hiện lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên chất lượng thuốc thú y thủy sản. Ngoài ra, các Trạm Chăn nuôi và Thú y cũng phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của địa phương để thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở Chi cục chưa thực hiện kiểm tra trong năm. Hiện nay các cơ sở còn nhầm lẫm giữa sản phẩm dùng trong thủy sản do Chi cục Thủy sản quản lý với thuốc thú y dùng trong thủy sản nên Chi cục còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Thường xuyên trao đổi, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh có nguồn giống nhập về địa bàn Thành phố thường xuyên như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Bạc Liêu,... về công tác kiểm dịch giống thủy sản, tập trung các lô tôm giống phát hiện dương tính để tăng cường công tác lấy mẫu giám sát tại các cơ sở sản xuất giống của các tỉnh. Đồng thời, chia sẽ thông tin dịch bệnh để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh thủy sản đã góp phần ổn định tình hình dịch tễ, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản của Thành phối nói chung và ngành nguôi tôm nước lợn nói riêng đạt được nhiều thành quả, đem lại lợi ích kinh tế cho người nuôi.
Một số hình ảnh hoạt động phòng chống dịch bệnh thủy sản trên tôm nuôi tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Kiểm tra, giám sát tôm giống
Xét nghiệm bệnh trên tôm
Lấy mẫu giám sát dịch bệnh tạo ao nuôi tôm
Xử lý dịch tôm bệnh tại ao nuôi và trại giống
Sổ tay chăn nuôi | Khoa học kỹ thuật
Add comment