An toàn thực phẩm là gì?
An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội; không những nó ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, phát triển của giống nòi, thậm chí tính mạng người sử dụng; mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh an toàn xã hội. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được sự quan tâm của toàn xã hội.
Theo Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, an toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
Thực phẩm không đảm bảo an toàn là thực phẩm gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Trong nhiều trường hợp, thực phẩm không đảm bảo an toàn gây ngộ độc thực phẩm, có thể dẫn đến chết người.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là gì? Là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu thông thực phẩm.
Việc truy xuất nguồn gốc sẽ giúp chúng ta xác định chính xác nguồn gốc của vấn đề và phạm vi của bất kỳ sự cố an toàn thực phẩm nào xảy ra. Với một sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, cơ sở sản xuất có thể tạo niềm tin với công chúng về sản phẩm hay nói cách khác, là nâng cao uy tín sản phẩm nhờ vào việc xác định được nguồn gốc của sản phẩm.
Truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch trong toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm kể cả trong những trường hợp có vấn đề tiềm ẩn. Khi sự cố xảy ra, cho phép phản ứng kịp thời, cung cấp chẩn đoán và giảm thiểu các tác động xấu không mong muốn.
Hình ảnh truy xuất nguồn gốc thịt heo tại siêu thị
Để yêu cầu các cơ sở sản xuất thực phẩm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 20 tháng 12 năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 17/2021/TT-BNNPTNT, có hiệu lực từ ngày 02 tháng 02 năm 2022, theo đó, Thông tư quy định các cơ sở sản xuất phải thực hiện thu hồi thực phẩm trong các trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn được quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật An toàn thực phẩm theo các hình thức sau đây:
1. Thu hồi tự nguyện là việc thu hồi thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự thực hiện khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về thực phẩm không bảo đảm an toàn và không thuộc trường hợp thu hồi bắt buộc.
2. Thu hồi bắt buộc là việc thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền hoặc thu hồi theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi như sau:
a) Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.
b) Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.
c) Tái xuất: Áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.
d) Tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định rõ việc xử lý thực phẩm sau thu hồi theo quyết định thu hồi bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền, chủ cơ sở phải hoàn thành trong thời hạn tối đa là 3 tháng kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền có văn bản đồng ý với đề xuất hình thức xử lý của chủ cơ sở.
Trong phạm vi quản lý theo chức năng nhiệm vụ được giao, các tổng cục, cục quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan có trách nhiệm thực hiện kiểm tra việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn của các cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
Trường hợp qua kiểm tra phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của nước nhập khẩu và từ các nguồn thông tin khác về thực phẩm không bảo đảm an toàn, có văn bản thông báo yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiến hành truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Trên đây là một số một số quy định về thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
Tin tức
Add comment