NHẬN DIỆN CÁC MỐI NGUY CÓ KHẢ NĂNG DẪN ĐẾN BỆNH PHÂN TRẮNG TRÊN TÔM NUÔI
Bệnh phân trắng trên tôm là bệnh phổ biến trong những năm gần đây và hầu như diễn ra quanh năm trên địa bàn huyện Cần Giờ. Mặc dù bệnh phân trắng không gây tôm chết hàng loạt trong thời gian ngắn, nhưng sẽ làm tôm bị bệnh mãn tính khó điều trị. Khi bệnh phân trắng xảy ra, hầu hêt người nuôi đều chọn giải pháp thu hoạch sớm, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Có 03 giai đoạn của bệnh phân trắng:
- Giai đoạn 1: chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh phân trắng.
- Giai đoạn 2: xuất hiện các triệu chứng lâm sàng trên tôm như: ruột lỏng, màu ruột mất, gan chuyển màu lợt, mềm nhũn, phân đứt khúc nhiều, đi phân sống màu nhợt nhạt, có nhớt hoặc chất béo trong phân.
- Giai đoạn 3: phân trắng xuất hiện trong ao.
Bài viết này tập trung vào giai đoạn dự báo, nhận diện các mối nguy có khả năng xảy ra bệnh phân trắng (Giai đoạn chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng nào của bệnh phân trắng) và các biện pháp cần thiết để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh.
Đường ruột tôm lỏng, phân đứt khúc
I. Nhận diện các mối nguy
Xác định thời điểm và đặc điểm bệnh phân trắng dễ bùng phát nhất để dự báo trước khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện:
- Giai đoạn giao mùa mưa nắng; nắng nóng hay mưa kéo dài; ngày rất nóng, oi bức, đêm mát mẻ hơn nhiều (chênh lệch từ 8 – 100C).
- Yếu tố về môi trường như nước trong ao nuôi: nước đổi màu đột ngột theo hướng xấu (đục, quá xanh, nước lợn cợn nhiều, keo đặc…); tảo tàn hoặc quá dày; sức khỏe tôm kém (như kém linh hoạt, không búng nhảy mạnh khi thăm vó, tôm ăn nhiều nhưng không tăng trọng bình thường), vỏ tôm không chắc khỏe, trong bóng; tôm thường xuyên bị cong thân, đục cơ, cơ thịt tôm không trong)…
- Kiểm tra mẫu tôm và nước trên môi trường đĩa thạch màu xanh (TCBS): kết quả khuẩn nước cao hơn 103, và có xuất hiện khuẩn lạc xanh; khuẩn tôm cao hơn 103 và có thể có xuất hiện khuẩn xanh.
- Khí độc NH3, NO2 trong môi trường nuôi tăng cao (trên 5 ppm) kéo dài lâu ngày không xử lý được.
II. Các biện pháp phòng bệnh một cách tích cực và chủ động
Biện pháp phòng hay chữa trị bệnh cho động vật thủy sản nuôi nói chung và tôm nói riêng đều là biện pháp tổng hợp, bao gồm: xử lý tích cực và đặc biệt với môi trường nuôi, cho ăn bổ sung các sản phẩm phù hợp, kiên định phác đồ và quản lý chặt chẽ việc cho ăn, môi trường ao nuôi, tăng cường tần suất quan sát, đánh giá tôm sát sao hơn.
Gan tôm xấu, dổi màu
Xử lý tích cực và đặc biệt với môi trường
- Định kỳ diệt khuẩn ao nuôi (07 ngày/lần), xen kẽ giữa các chu kỳ diệt khuẩn là dùng vi sinh với liều cao hơn ít nhất 1,5 lần và đánh với tần suất ngắn hơn trên suốt thời gian phòng bệnh.
- Đối với các ao đất: sử dụng men vì sinh xử lý môi trường ao nuôi liều lượng cao ít nhất gấp 02 lần so với bình thường trong suốt thời gian phòng bệnh do tôm có thể ăn thức ăn ở tầng đáy ao và tích lũy nhiều vi khuẩn gây bệnh trong đường ruột. Sử dụng men vi sinh liều lượng cao có thể giúp môi trường ao nuôi và môi trường tầng đáy ao nuôi an toàn hơn.
- Đối với ao bạt đáy: siphon đáy, vệ sinh tích cực và kỹ hơn để đảm bảo giảm tải lượng hữu cơ, đặc biệt lưu ý với trường hợp tôm lớn (tôm nuôi trên 02 tháng).
- Kiểm soát việc cung cấp thức ăn kỹm tránh dư thừa. Lưu ý, không tăng thức ăn những ngày nắng nóng, oi bức vì những ngày này tôm ăn nhanh, nhiều và thải phân nhanh trước khi kịp tiêu hóa hết dưỡng chất. Việc cho tôm ăn nhiều theo sức ăn của tôm sẽ nhanh làm xấu môi trường ao nuôi.
Cho ăn các chất bổ sung hợp lý và đúng mục tiêu:
- Nguyên tắc phòng bệnh phân trắng là giữ đường ruột tôm tốt, gia tăng vi khuẩn có lợi loại bỏ vi khuẩn gây bệnh và bổ trợ giảm tải hoạt động của gan trong việc tiêu hóa thức ăn.
- Dùng acid hữu cơ có tính sát khuẩn mạnh hàng ngày, mỗi ngày ít nhất 1 cữ.
- Dùng vi sinh vật có khả năng kháng khuẩn cao và gia tăng tốt mật số trong môi trường đường ruột hàng ngày.
- Dùng enzyme bổ trợ tiêu hóa để tăng cường phân giải thức ăn và hấp thu tốt dưỡng chất, qua đó giảm tải nhiều cho hoạt động gan tụy.
- Dùng hoạt chất bổ trợ gan đặc biệt.
Các vấn đề cần lưu ý:
- Các sản phẩm sử dụng phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, trong danh mục được phép lưu hành.
- Hạn chế tối đa người ngoài vào ao thăm tôm nhằm tránh lây nhiễm từ các ao khác đã nhiễm bệnh trước đó.
- Trộn thức ăn kỹ lưỡng hơn thường ngày.
- Kiểm tra, đánh giá môi trường và tôm nuôi bằng các dụng cụ đo ít nhất 2 lần/ ngày, nên kiểm khuẩn tôm 3-4 ngày/lần, việc này sẽ giúp có cái nhìn chính xác hơn về ao nuôi và bầy tôm của mình.
Khoa học kỹ thuật
Add comment