Nguồn: Minh Huệ - danviet.vn
Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2022 về ngành Chăn nuôi, Thức ăn Chăn nuôi, và Công nghiệp chế biến Thịt sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 12 - 14/10/2022. Dự kiến triển lãm Vietstock sẽ có sự tham gia của 150 đơn vị đến từ nhiều quốc gia cũng như các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Triển lãm lớn nhất về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và chế biến thịt Vietstock 2022
Thông tin trên vừa được công bố tại buổi họp báo diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Theo đó, đây là triển lãm có quy mô lớn nhất Việt Nam và khu vực lân cận, bao quát các giải pháp toàn diện trong ngành Chăn nuôi, Thức ăn chăn nuôi, và Chế biến thịt. Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2022 được chủ trì bởi Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).
Đại diện Công ty Dịch vụ triển lãm SES Việt Nam - đơn vị tổ chức Triển lãm cho biết: Triển lãm lần này sẽ được kết hợp cùng VIETFEED - Triển lãm chuyên ngành thức ăn chăn nuôi, và VIETMEAT - triển lãm chuyên ngành chế biến thịt. Vì vậy sự kiện này sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thuỷ sản, chế biến thúc đẩy giao thương, gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm sự hợp tác mới.
Chia sẻ tại cuộc họp báo, bà Rungphech Chitanuwat Rose - Giám đốc khu vực ASEAN Tập đoàn Informa Markets nhận định, ngành chế biến thịt của Việt Nam sẽ rất phát triển trong tương lai và để phát triển được thì vấn đề an toàn thực phẩm và phát triển bền vững là yếu tố quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của triển lãm lần này.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi trả lời các câu hỏi của các nhà báo. Ảnh: Minh Huệ
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Đây là sự kiện rất quan trọng, góp phần hiện đại hóa ngành chăn nuôi ở tất cả công đoạn trong quá trình sản xuất , đặc biệt với thịt, trứng, sữa. Song song với đó, việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam đáp ứng mục tiêu tăng trưởng bình quân 5-6%/năm.
Vietstock sẽ giúp tất cả các đối tác trong ngành có cơ hội quý giá để trao đổi hợp tác, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước và một phần hướng tới xuất khẩu.
Hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/dự án xây dựng vùng trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Theo ông Chinh, chăn nuôi là 1 trong 4 ngành có sản phẩm tạo ra giá trị lớn trong hệ thống nông nghiệp, chiếm gần 6% GDP hàng năm. Trên bàn ăn của chúng ta hiện nay, đa số là sản phẩm của chăn nuôi. Thời gian qua, ngành chăn nuôi đã có sự phát triển nhanh chóng, thể hiện trên một số kết quả như: Chăn nuôi có sự đóng góp lớn của hệ thống khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực nông hộ, trang trại cũng đang có sự chuyển dịch rất lớn theo hướng quy mô lớn, chuyên nghiệp hoá.
Năm 2021, chúng ta đã sản xuất được 6,7 triệu tấn thịt hơi các loại, trong đó thịt lợn chiếm 70%; 17,5 tỷ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa... Bên cạnh đó là gần 12 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp cung ứng cho ngành chăn nuôi. "Trong đó, doanh nghiệp có vai trò là "đầu tàu", dẫn dắt toàn bộ chuỗi giá trị ngành chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn. Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện nhiều chuỗi giá trị khép kín của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như CP, TH, Dabaco, De Heus..., vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi, vừa sản xuất con giống, chăn nuôi, giết mổ và đưa sản phẩm ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp đang cố gắng thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thịt gà, sữa…" - ông Chinh nhấn mạnh.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh phát biểu tại buổi họp báo sáng nay.
Đặc biệt, theo ông Chinh, một thành công của lĩnh vực chăn nuôi là không những đảm bảo năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm, mà còn đảm bảo tuân thủ quy định về phúc lợi động vật, với quá trình chăn nuôi, giết mổ được thực hiện theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên, ông Chinh cũng chỉ rõ những thách thức mà ngành chăn nuôi đang gặp phải. Đó là 47% sản lượng chăn nuôi còn nằm ở khu vực nông hộ - nơi thường gặp rủi ro về dịch bệnh, thị trường... Do đó chúng ta cần phải có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trở thành hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.
Thứ nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp, ngày càng xuất hiện nhiều loại bệnh dịch mới nổi như cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng, mới đây nhất là dịch tả lợn châu Phi… Vì thế nhiệm vụ đặt ra với ngành chăn nuôi là phải có chiến lược kiểm soát, ứng phó kịp thời, bền vững bằng khoa học công nghệ, vaccine, nâng cấp các tiêu chuẩn về an toàn sinh học của cơ sở chăn nuôi, nhất là trang trại, gia trại.
Theo ông Tống Xuân Chinh, khu vực chăn nuôi nông hộ, trang trại đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng quy mô lớn, chuyên nghiệp hoá. Trong ảnh: Công nhân chăm sóc gà tại trang trại gà lạnh của Tập đoàn Hùng Nhơn - doanh nghiệp điển hình đi lên từ một hộ chăn nuôi nhỏ ở tỉnh Bình Dương. Ảnh: T.L
Thứ hai, đó là thách thức từ việc vừa phải phát triển chăn nuôi đảm bảo an ninh thực phẩm cho người dân, đồng thời phát triển chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hướng tới nền chăn nuôi hữu cơ, sinh thái, phát triển theo hướng nền kinh tế tuần hoàn, gắn liền chăn nuôi với trồng trọt để sử dụng hiệu quả chất thải trong chăn nuôi. Do đó, ông Chinh nhấn mạnh thời gian tới, ngành chăn nuôi có 4 định hướng, nhiệm vụ quan trọng. Thứ nhất, phải nhanh chóng có chính sách hỗ trợ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo kiểm soát tất cả các khâu trong ngành nhằm hiện đại hóa, công nghiệp hóa ngành chăn nuôi. Thứ hai, xây dựng tiêu chuẩn phát triển chăn nuôi trang trại ở các quy mô khác nhau, đặc biệt là trang trại quy mô lớn của các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị khép kín, với những doanh nghiệp lớn, đầu tàu. Trong chuỗi này, các nông hộ, trang trại sẽ trở thành đối tác, thành viên trong việc tham gia hình thành các vùng nguyên liệu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển chuỗi.
Thứ ba, ngành chăn nuôi còn nhiều tiềm năng gia tăng giá trị ở lĩnh vực giết mổ, chế biến sản phẩm. Đây là lĩnh vực đem lại nhiều giá trị gia tăng nhất, song cũng không ít rủi ro. Vì vậy cần có hành lang pháp lí nhằm đảm bảo khâu giết mổ, chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. "Khi tôi có dịp sang Hàn Quốc, tôi thấy rất thú vị khi những người phụ nữ nước họ không phải tất bật lo đồ ăn sáng cho con cái trước khi đến trường. Hình ảnh quen thuộc thường thấy là người mẹ Hàn Quốc lái xe, còn đứa con trên tay cầm 2 thứ là sữa và trứng đã được chế biến sẵn. Rất đơn giản và nhanh gọn, giúp phụ nữ giảm nhiều áp lực trong cuộc sống bận rộn hiện nay" - ông Chinh kể.
Dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty TNHH De Heus Việt Nam. Ảnh: T.L
Tiếp đó, ông Chinh nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng thứ 4 là chăn nuôi giảm phát thải khí nhà kính. Hiện nay chăn nuôi và trồng lúa là 2 ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất trong nông nghiệp. Do vậy cần có các giải pháp công nghệ xử lí chất thải chăn nuôi nói riêng, chất thải nông nghiệp nói chung để sản xuất thành phân bón hữu cơ. Qua đó giải quyết 2 vấn đề: Vừa xử lí ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra giá trị cho sản xuất. Tin vui là Việt Nam cũng đã đạt được những thành công lớn trong việc bán tín chỉ carbon từ hệ thống công trình khí sinh học chăn nuôi.
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm áp lực nhập khẩu. Theo đó, có thể sử dụng phế thải chăn nuôi như phân, xác vật nuôi để nuôi các loại côn trùng như trùn quế, ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi. Cũng tại buổi họp báo, bà Phạm Thị Kim Dung - Trưởng phòng Kế hoạch (Cục Chăn nuôi) cho biết thêm, sau thời gian bị tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, gải thưởng danh giá ngành chăn nuôi Vietstock Awards 2022 cũng sẽ trở lại. Giải thưởng được chủ trì bởi Cục Chăn nuôi, nhằm vinh danh các doanh nghiệp, tổ chức cũng như hợp tác xã có đóng góp to lớn và ý nghĩa cho sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Hạn chót nộp hồ sơ đề cử là ngày 26/9/2022 và Lễ trao giải sẽ diễn ra trong Lễ khai mạc Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2022 vào ngày 12/10. Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2022 dự kiến có sự tham gia của hơn 150 đơn vị trưng bày đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, như Argentina, Úc, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Hà Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Thái Lan, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Việt Nam..., với các thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới như Famsun, Big Herdsman, Pigtek, Big Dutchman, De Heus, Điện Tự động Thuận Nhật, Provimi, Peja, AB Agri, Buhler, Miavit, Stolz Asia, SKOV, Amandus, Pericoli, CPM, Nabel Asia, R.E.P Bio...
Trong 3 ngày triển lãm từ 12 – 14/10 cũng sẽ diễn ra các hoạt động bên lề như Chương trình Hội thảo quốc tế, Hội thảo kỹ thuật nhằm mang đến các hoạt động bổ ích, cung cấp kiến thức chuyên sâu cũng như cập nhật các xu hướng mới nhất của ngành chăn nuôi. Ngoài ra, triển lãm còn thiết kế riêng Chương trình Kết nối Doanh nghiệp miễn phí dành cho Đơn vị trưng bày và Khách mua hàng giao thương tại triển lãm.
Tin tức
Add comment