Nguồn: nhandan.vn
Năm 2022, được các bộ, ngành quan tâm, sự đồng hành của doanh nghiệp, nông hộ, ngành thú y đã vượt khó, đạt một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.
Các chuyên gia cho rằng, điểm nhấn ấn tượng nhất của ngành thú y trong năm nay là những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các loại dịch bệnh được kiểm soát tốt. Số động vật mắc bệnh giảm hơn 75%; đặc biệt số ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò giảm gần 95% và số gia súc mắc bệnh giảm gần 99%. Việt Nam đã sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhờ sự nỗ lực của những nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thú y.
Cán bộ thú y huyện Mường Lát (Thanh Hóa) tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho trâu, bò.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc nghiên cứu, sản xuất thành công vắc-xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi giúp chúng ta có thể tự tin sản xuất vắc-xin đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm vắc-xin. Hiện, chưa quốc gia nào công bố sản xuất được vắc-xin thương mại. Vì vậy, dư địa xuất khẩu vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi được sản xuất tại Việt Nam sang các nước là rất lớn.
Tiếp đó, Cục Thú y cũng đã triển khai kế hoạch giám sát chất lượng và sử dụng số liều vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi do Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco và Công ty TNHH một thành viên AVAC Việt Nam sản xuất. Quá trình tiêm thí điểm đánh giá hai vắc-xin (NAVET-ASFVAC và AVAC ASF LIVE) trong điều kiện chăn nuôi thực tế diễn ra ở 36 tỉnh, thành phố với 1,2 triệu liều vắc-xin được tiêm cho đối tượng lợn từ 8 đến 10 tuần tuổi.
Tính đến thời điểm hiện tại đã tiêm được hơn 30 nghìn liều (trong đó, vắc-xin AVAC ASF LIVE là 1.847 liều, vắc-xin NAVET-ASFVAC là 28.243 liều tại 22/36 tỉnh, thành phố), về cơ bản số lợn được tiêm phòng đều an toàn, hiệu quả, phát triển tốt. Dự kiến, quá trình tiêm thí điểm đánh giá trên diện hẹp này sẽ kết thúc vào cuối tháng 7/2023.
Từ tháng 2/2019 đến hết năm 2021, dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, buộc phải tiêu hủy hơn 6 triệu con lợn, làm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi lợn, nhưng năm 2022, số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 58 nghìn con. So với cùng kỳ năm 2021, số lợn phải bị tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 80%. Dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng ở đàn gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế; số ổ dịch và số gia súc, gia cầm mắc bệnh giảm rõ rệt.
Năm 2022, cả nước xây dựng được 608 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, tăng 195 vùng, cơ sở so với năm 2021 (413 vùng, cơ sở). Lũy kế từ năm 2016 đến nay, đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành phố. Cũng trong năm nay, Cục Thú y đã kiểm dịch xuất khẩu hơn 13.000 tấn sữa, gần 3.700 tấn thịt gà chế biến, tăng 31,18% so năm 2021; xấp xỉ 6.000 tấn thịt lợn các loại, tăng 19,65% so năm trước (5.000 tấn), 30.000 tấn mật ong, gần 800 tấn trứng gia cầm các loại, hơn 10 triệu quả trứng vịt muối, 3,6 triệu quả trứng gà tươi và 3.800 quả trứng gia cầm giống, khoảng 10.000 tấn lông vũ, khoảng 84 triệu con tôm giống và hơn 12 triệu con cá cảnh các loại, so với năm trước, lượng tôm giống xuất khẩu tăng mạnh (hơn 200%)…
Cục trưởng Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, năm 2023, Cục sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, nhất là các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò; hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, tổ chức triển khai thực hiện sáu chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật; giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của vi-rút cúm gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu; giám sát lưu hành và giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh lở mồm long móng; xác định hiệu lực các loại vắc-xin phù hợp; xây dựng bản đồ dịch tễ của các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm để làm căn cứ chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; tăng cường năng lực xét nghiệm…
Bài, ảnh: Anh Quang và Tuấn Bình
Tin tức hoạt động
Add comment