Theo thông tin cập nhật trên Hệ thống Quản lý Thông tin Dịch bệnh Động vật Việt Nam (VAHIS), tính đến ngày 29/11/2023, bệnh Dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra tại 45 tỉnh thành trên cả nước với hơn 659 ổ dịch, tổng số heo heo chết và tiêu hủy là 27.952 con, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ chăn nuôi. Trong bối cảnh diễn biến của bệnh dịch tả heo châu Phi ngày càng phức tạp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tiêu độc khử trùng, chăn nuôi heo an toàn sinh học, người chăn nuôi có thể chủ động sử dụng vắc xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi.
Hiện nay, Cục Thú y đã cấp phép lưu hành đối với 02 loại vắc-xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi bao gồm: Vắc-xin NAVET-ASFVAC do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất và vắc-xin AVAC ASF LIVE do Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam sản xuất. Theo hướng dẫn nhà sản xuất:
- Vắc-xin NAVET-ASFVAC: Thành phần vắc xin là vi rút Dịch tả heo Châu Phi nhược độc, chủng ASFV-G-Delta - I 177L. Vắc xin sử dụng liều đầu tiên cho heo con khỏe mạnh từ 8 – 10 tuần tuổi và tiêm vắc xin nhắc lại cùng liều sau mũi một 21 – 30 ngày.
- Vắc-xin AVAC ASF LIVE: Thành phần vắc xin là vi rút Dịch tả heo Châu Phi nhược độc, chủng ASF-G-MGF. Vắc xin tiêm một liều duy nhất cho heo thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên (Không tiêm vắc xin cho heo hậu bị, heo nái và đực giống). Sau khi được tiêm 2 - 4 tuần, heo có khả năng miễn dịch với vi rút dịch tả heo Châu Phi với độ dài miễn dịch trên 5 tháng.
Hiện nay, trên địa bàn Thành phố, người chăn nuôi quy mô nông hộ và quy mô nhỏ nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ chi phí tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, chó, mèo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, đối với việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi, người chăn nuôi phải tự chi trả các chi phí tiêm phòng.
Người chăn nuôi có nhu cầu sử dụng vắc-xin phòng bệnh Dịch tả heo Châu Phi có thể liên hệ với các Trạm Chăn nuôi và Thú y quận/huyện trên địa bàn để được hướng dẫn đăng ký và sử dụng vắc-xin.
Tuyên truyền
Add comment