Nguồn: nongnghiep.vn
Ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, người chăn nuôi Hà Tĩnh mong doanh nghiệp tổ chức mô hình điểm tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi để làm căn cứ nhân rộng.
“Tai nghe, mắt thấy”, giải tỏa băn khoăn
Tại Hội nghị bổ cứu công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh phối hợp Công ty NAVETCO tổ chức mới đây, hầu hết ý kiến của cán bộ thú y, phòng NN-PTNT cấp huyện, các chủ trang trại chăn nuôi lợn đều cho rằng, Công ty NAVETCO cần tổ chức mô hình điểm về tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Hà Tĩnh để người chăn nuôi “tai nghe, mắt thấy” về hiệu quả của vacxin, giải tỏa các băn khoăn từ đó đăng ký tiêm phòng diện rộng.
Ông Hà Quang Thăng, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Đức Thọ nhấn mạnh: “Nhu cầu tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi hiện nay rất cấp bách và cần thiết.
Tuy nhiên, khi triển khai gặp 3 cái khó, đó là đối tượng tiêm vacxin hẹp, trong khi nhu cầu bảo vệ đàn lợn nái, lợn đực giống lớn, thứ hai giá vacxin khá cao.
Cuối cùng, trên địa bàn Hà Tĩnh chưa xây dựng được mô hình nào cho thấy lợn an toàn sau khi tiêm phòng nên người chăn nuôi cũng như cán bộ kỹ thuật rất e ngại”.
Hiện, lợn nái chưa thuộc đối tượng tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: TN.
Đồng quan điểm, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên bày tỏ, thành công của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, sản xuất ra vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi là rất đáng mừng.
Các trang trại sẵn sàng tiêm nếu vacxin tốt, mang lại hiệu quả lâu dài. Nhưng rõ ràng hiện nay quá trình tiêm có thể xảy ra những phản ứng gây chết lợn nếu tiêm không đúng chủng virus, trong trường hợp này người dân có được hỗ trợ hay không?.
“Các thông tin công bố hiệu quả của vacxin trên 90% nhưng để hạn chế các rủi ro trong quá trình tiêm chúng tôi đề xuất doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn phối hợp chọn một vài huyện tiêm thí điểm để người dân tin tưởng, sau đó họp rút kinh nghiệm rồi triển khai tiêm diện rộng”, chủ trang trại nêu kiến nghị.
Tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất
Trước những băn khoăn của địa phương và người dân, đại diện Công ty NAVETCO khẳng định, hiệu quả của vacxin dịch tả lợn Châu Phi đã được các nhà khoa học đánh giá rất kỹ lưỡng, hơn nữa trong hơn 1 năm qua công ty cũng đã triển khai tiêm phòng có giám sát ở nhiều trang trại từ Bắc vào Nam, hiệu quả tốt.
“Vacxin mới nên bà con có sự e dè là dễ hiểu. Trước đây chúng tôi tung ra thị trường vacxin cúm hay vacxin tai xanh nhưng cũng phải mất 3 - 4 năm sau mới bán diện rộng được.
Ông Lê Đình Huệ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 (Cục Thú y), đề nghị người chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của nhà sản xuất khi tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: TN.
Bây giờ, để người chăn nuôi yên tâm, chúng tôi đồng ý phương án triển khai tiêm điểm vacxin dịch tả lợn Châu Phi ở một số địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh.
Việc lựa chọn tiêm ở vùng chăn nuôi ổn định hay vùng nguy cơ dịch bệnh, tùy đề xuất của địa phương, sau tiêm sẽ họp rút kinh nghiệm để làm diện rộng”, đại diện Công ty NAVETCO nói.
Trong bối cảnh dịch bệnh trên cả nước diễn biến phức tạp hiện nay, ông Lê Đình Huệ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 đề nghị cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương và người dân Hà Tĩnh cần triển khai sớm tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi, không thể chờ dịch xảy ra mới tiêm, lúc đó hiệu quả phòng bệnh sẽ không khả thi.
Lưu ý, trước khi tiêm phòng, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của nhà sản xuất vacxin. Riêng các cơ sở chăn nuôi lớn, yêu cầu thực hiện đồng bộ giải pháp an toàn sinh học, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu không đảm bảo đầy đủ quy trình về an toàn sinh học thì cũng phải đảm bảo cái tối thiểu để giảm rủi ro khi dịch bệnh xảy ra.
“Không ít hộ dân, trang trại phòng bệnh bằng cách rải vôi khắp đường làng ngõ xóm nhưng giải pháp quan trọng trước cửa chuồng là xây hố khử trùng lại không làm. Hoặc ra vào trại không khử trùng, thay quần áo…”, ông Huệ nêu dẫn chứng về hạn chế trong công tác phòng dịch của người chăn nuôi.
Hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh có 11 xã thuộc 5 huyện, thị xã đang bị dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: TN.
Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng 3 đề nghị thêm, chính quyền cấp huyện, xã cần nâng cao trách nhiệm nhiều hơn nữa trong việc theo dõi, phát hiện, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh để cơ quan chuyên môn tham mưu, chỉ đạo phòng chống dịch hiệu quả.
Tháng 8/2023 dịch tả lợn Châu Phi khởi phát tại Hà Tĩnh, sau đó được bao vây, khống chế diện hẹp. Đợt dịch từ ngày 10/11 đến nay có 11 xã thuộc 5 huyện, thị xã gồm: Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh phát sinh dịch, làm 213 con lợn bị ốm chết, phải tiêu hủy. Hiện có 5 đơn vị cấp xã đã qua 21 ngày dịch bệnh không phát sinh thêm.
Thanh Nga
Tuyên truyền
Add comment