Vừa qua, Ủy ban nhân dân Phường 28 quận Bình Thạnh phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận Phú Nhuận, Bình Thạnh giải quyết 01 trường hợp 03 hộ nuôi chó trên địa bàn để chó ra đường cắn nhau gây tranh chấp giữa các chủ vật nuôi. Sau khi được đại diện Trạm Chăn nuôi và Thú y và Ủy ban nhân dân Phường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan, chủ vật nuôi đã hiểu, xin lỗi và cam kết xích giữ chó trong khu vực nhà mình, không để anh hưởng đến mọi người xung quanh.
Theo quy định tại Điều 66 Luật Chăn nuôi (Luật số : 32/2018/QH14) quy định chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn quy định về quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại như sau:
1. Chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi):
a) Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân phường;
b) Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt;
c) Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh;
d) Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định;
đ) Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
2. Đối với Ủy ban nhân dân phường
a) Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn bao gồm các thông tin sau đây:
- Họ tên và địa chỉ của chủ vật nuôi;
- Số lượng chó nuôi;
- Ngày, tháng, năm tiêm phòng vắc-xin dại.
b) Hằng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn;
c) Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận;
d) Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông và bắt động vật mắc bệnh Dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách;
đ) Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức được tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách theo quy định của ngành y tế.
Chính phủ cũng đã quy định các hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính tại:
1. Nghị định số 144/2021/ND9-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi “Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng”, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7.
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi “Để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị”, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7. Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, quy định tại điểm a khoản 14 Điều 7.
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi “Chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư”, quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7.
- Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi “Để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7. Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh, quy định tại điểm đ khoản 14 Điều 7.
2. Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ:
- Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi “Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng”, quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP.
- Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi “Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng” quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 7 – Nghị định số 90/2017/NĐ-CP.
Xử lý vi phạm
Add comment