Nguồn: nongnghiep.vn
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM vẫn chưa xuất hiện một ổ bệnh dại nào nhờ tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó mèo luôn ở mức rất cao trong những năm qua.
Tỷ lệ tiêm phòng dại chó, mèo ở TP.HCM đạt trên 90%. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM, cho biết, số lượng chó, mèo ở TP. HCM hiện khá lớn, khoảng 184.000 con trên 106.000 hộ. Tính bình quân, mỗi hộ ở thành phố có khoảng 1,7 con chó, mèo.
Với số lượng chó, mèo lớn như vậy, từ nhiều năm nay, lãnh đạo thành phố rất quan tâm phòng chống bệnh dại. Ngay từ năm 2008, UBND TP. HCM đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng vùng an toàn bệnh dại. Đến năm 2020, Cục Thú y đã công nhận toàn bộ TP. HCM là vùng an toàn bệnh dại.
Từ năm 2020 đến nay, TP.HCM luôn chú trọng tới việc duy trì vùng an toàn bệnh dại. Trong đó, tiêm phòng dại là yếu tố quan trọng hàng đầu. Mỗi năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều phối hợp với các quận, huyện, tiến hành rà soát, thống kê số lượng chó, mèo trên địa bàn. Công việc này được thực hiện 2 lần trong năm, vào ngày 1/1 và 1/7, qua đó giúp ngành nông nghiệp thành phố quản lý chặt chẽ được tổng đàn chó mèo, đồng thời có dữ liệu để dự trù vacxin cũng như tổ chức nhân sự nhằm triển khai tiêm phòng dại.
Trên địa bàn TP. HCM hiện có gần 270 phòng khám thú y đã có hoạt động tiêm phòng dại. Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM đã phối hợp với chính quyền địa phương trong việc quản lý các hoạt động tiêm phòng đó. Tất cả những dữ liệu tiêm phòng ở các phòng khám thú y đều được chuyển về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để quản lý, đánh giá tỉ lệ tiêm phòng trên tổng đàn chó, mèo. Để khuyến khích người dân ngoại thành tiêm phòng dại cho chó, mèo, ngành nông nghiệp TP. HCM đã tham mưu cho HĐND thành phố ban hành một nghị quyết trong năm 2021 về chính sách đặc thù hỗ trợ vacxin tiêm phòng cho gia súc và chó, mèo. Trong đó, đối với chó, mèo, hỗ trợ 50% chi phí vacxin cho 5 huyện ngoại thành.
Đo thân nhiệt cho chó trước khi tiêm phòng dại. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Song song với đó là đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền. Đây là một giải pháp quan trọng và duy trì thường xuyên để nhằm nâng cao ý thức của người dân.
Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với UBND các quận, huyện tuyên truyền cho các hộ dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, tầm quan trọng của công tác tiêm phòng, nắm bắt tình hình kê khai khai báo và đăng ký chăn nuôi. Đặc biệt, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với ngành giáo dục đào tạo đưa chương trình truyền thông học đường về bệnh dại vào các trường, lớp trên địa bàn thành phố. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về phòng chống bệnh dại và lan tỏa ý thức phòng chống bệnh dại ra cộng đồng. Nhờ các giải pháp như vậy, hàng năm, tỉ lệ tiêm phòng dại đạt khoảng 90% trên toàn thành phố. Đây là một khoảng cách an toàn so với chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra là tỉ lệ tiêm phòng dại đạt 70% vào năm 2025.
Đặc biệt, để đánh giá đúng về chất lượng tiêm phòng, sau mỗi đợt tiêm phòng dại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều tổ chức kiểm tra hiệu quả kháng thể bằng cách lấy mẫu xem có đáp ứng miễn dịch hay không. Các lần kiểm tra cho thấy tỷ lệ đạt yêu cầu là 80%. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM đã hỗ trợ các quận, huyện thành lập các tổ bắt chó thả rông. Cụ thể, Chi cục hỗ trợ về chuyên môn, về trang thiết bị, dụng cụ để các tổ bắt chó thả rông có đủ điều kiện được hình thành và hoạt động trên địa bàn các xã, phường.
Tính đến nay, đã có 70 tổ bắt chó thả rộng được thành lập ở 12 quận, huyện của TP. HCM. Trong thời gian tới, công tác bắt chó thả rông sẽ tiếp tục được duy trì và lan tỏa ra nhiều xã, phường khác, đồng thời góp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi nuôi chó, mèo là phải nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình.
Mỗi khi người dân dẫn chó ra nơi công cộng, phải có rọ mõm, có dây dắt chó nhằm đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.
Sơn Trang - Nguyễn Thủy
Tuyên truyền
Add comment