Nguồn: nongnghiep.vn
Trạm trung chuyển heo thịt an toàn sinh học giúp cắt cầu sự tiếp xúc trực tiếp giữa phương tiện vận chuyển và hệ thống trang trại đến nơi giết mổ.
Trạm trung chuyển heo thịt C.P Chi nhánh Bình Phước đặt tại thị xã Chơn Thành. Ảnh: Trần Trung.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống các Trạm trung chuyển heo thịt để tăng cường nâng cao an toàn sinh học cho hệ thống từ trang trại chăn nuôi đến vận chuyển và giết mổ.
Hiện C.P. Việt Nam đang vận hành 24 kho Trạm trung chuyển heo thịt, mỗi trạm có diện tích từ 1 - 3ha, trải dài từ Bắc vào Nam. Được triển khai đầu tư xây dựng năm 2019 trên diện tích khoảng 2ha tại thị xã Chơn Thành, Trạm trung chuyển heo thịt của Chi nhánh Bình Phước có quy mô lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Bộ.
Theo chân cán bộ Thú y tỉnh Bình Phước giám sát hoạt động trung chuyển heo thịt tại trạm, ngay từ sáng sớm, đã có hàng chục xe heo nối đuôi nhau ngay cổng trạm để thực hiện quy trình sát khuẩn, kiểm dịch trước khi vào khu vực trạm cân.
Heo được tắm rửa nghỉ ngơi tầm 30 phút trước khi vào trạm cân. Ảnh: Trần Trung.
Bên trong Trạm trung chuyển được chia thành các khu vực rửa xe tải, trạm cân heo, nhà chứa heo, nhà sát trùng, cầu nhập và xuất heo, phòng thú y và một số cơ sở vật chất khác phục vụ cho công việc và sinh hoạt hàng ngày của nhân viên.
Các khu vực được xây dựng khang trang với các trang thiết bị tiên tiến hiện đại. Toàn bộ khu vực sân bãi được phủ vôi trắng xoá, không phát thải mùi hôi. Hàng chục công nhân tất bật kiểm đếm, phân luồng heo dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thú y địa phương.
Anh Nguyễn Quang Quốc Trưởng, Trưởng Trạm trung chuyển heo thịt Chi nhánh Bình Phước cho biết, mỗi ngày trạm tiếp nhận từ 3.000-5.000 heo thịt từ khắp các trang trại của công ty tại các huyện thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước chuyển đến để thực hiện công tác kiểm soát dịch tễ, cân đếm trước khi vận chuyển đến các đối tác.
“Để đảm bảo an toàn sinh học, trong suốt quá trình heo được vận chuyển vào và ra khỏi Trạm trung chuyển đều được sát trùng, khử trùng nhiều lớp theo đúng thời gian quy định. Trước khi ra khỏi trạm, heo được cán bộ thú y kiểm tra giám sát lần nữa và kẹp chì, cấp giấy thông hành”, anh Trưởng chia sẻ.
Cán bộ thú y giám sát dịch tễ heo tại Trạm trung chuyển. Ảnh: Trần Trung.
Theo bà Nguyễn Thị Đan Thanh, cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Phước, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Chi cục đang quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bùng phát, lây lan…
Các phương tiện và tài xế là một trong những rủi ro an toàn sinh học đáng chú ý nhất trong việc lây truyền dịch bệnh. Khi một phương tiện vận chuyển những con heo đang bài thải mầm bệnh, phương tiện đó sẽ bị vấy nhiễm nên sát trùng hiệu quả trở nên cực kỳ quan trọng.
Việc tăng cường thực hiện công tác kiểm soát vận chuyển heo ra, vào trạm nói riêng và tỉnh nói chung sẽ giúp cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ động kiểm soát và phòng ngừa các loại dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe đàn heo và góp phần giúp người chăn nuôi heo an tâm sản xuất, ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Cán bộ thú y kiểm tra niêm phong heo ra vào Trạm trung chuyển heo thịt của C.P. Việt Nam. Ảnh: Trần Trung.
“Nhờ quy trình kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt, từ khi Trạm trung chuyển heo thịt C.P. Việt Nam - Chi nhánh Bình Phước đi vào vào hoạt động đến nay, chúng tôi chưa phát hiện bất kỳ trường hợp dịch bệnh nào xảy ra tại đây. Bên cạnh giám sát 24/24 tại trạm, chúng tôi còn kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh toàn diện từ các trang trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh”, bà Thanh nói.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và trở thành nỗi ám ảnh đối với ngành chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ năm 2019. Tuy nhiên, bệnh này đã được kiểm soát và đẩy lùi từ nhiều năm nay, đưa ngành chăn nuôi heo trở lại phát triển ổn định. Để bảo vệ an toàn cho đàn heo, ngoài việc thực hiện các biện pháp khuyến cáo, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi phải chủ động phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn đàn gia súc.
Cắt cầu dịch bệnh qua Trạm trung chuyển heo thịt. Ảnh: Trần Trung.
Thông tin từ Cục Thú y, tính đến ngày 8/6, cả nước có 196 ổ dịch tả lợn Châu Phi thuộc 59 huyện của 18 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là 10.544 con, số lợn chết và tiêu hủy là 10.612 con.
Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, bảo đảm vệ sinh thú y.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định rõ, đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thịt heo không có dấu kiểm soát giết mổ sẽ bị phạt tiền tối đa là 50.000.000 đồng kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp vận chuyển thịt heo ra ngoài tỉnh thì bắt buộc phải có thêm Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Nếu không, người vận chuyển còn bị xử phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng kèm biện pháp khắc phục hậu quả.
Trần Trung
Tin tức hoạt động
Add comment